Ngành TT&TT năm 2014: Những dấu ấn và kết quả nổi bật

Cùng với cả nước, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa trải qua năm 2014 với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Kết thúc năm 2014 nhìn lại, chúng ta có thể tự hào về những thành quả vượt khó của toàn ngành TT&TT.

img

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đi thăm triển lãm các thiết bị công nghiệp CNTT do VNPT sản xuất.

Cùng với cả nước, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa trải qua năm 2014 với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Năm 2014 có rất nhiều thách thức, khó khăn, trong đó có những khó khăn dồn lại từ các năm trước do hậu quả của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của kinh tế trong nước. Nhưng kết thúc năm 2014 nhìn lại, chúng ta có thể tự hào về những thành quả vượt khó của toàn ngành TT&TT, từ Bộ đến cơ sở, về những đóng góp xứng đáng của ngành TT&TT vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
 
Đánh giá những kết quả công tác của toàn ngành TT&TT trong khuôn khổ một bài báo là điều khá khó khăn vì ngành TT&TT tương đối rộng, bao trùm từ lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh doanh, dịch vụ đến các lĩnh vực thuộc địa hạt tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, xuyên suốt từ trung ương đến tận cơ sở huyện, xã, phường. Vì vậy, bài báo này chỉ điểm lại một số kết quả nổi bật từ góc nhìn toàn ngành tập trung thực hiện Nghị quyết 01- CP của Chính phủ và những quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Thông điệp đầu năm 2014.
 
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ "Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014” đã nêu rõ: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 
 
Trong Thông điệp năm 2014, Thủ tướng đánh giá: “Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy đất nước phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 nội dung cần thực hiện để phát huy nguồn động lực mới, đó là: mở rộng dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
 
Quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm và định hướng cơ bản đó, ngay từ đầu năm 2014, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 27/1/2014), trong đó xác định rõ những nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp thực hiện cho chương trình công tác năm 2014, đồng thời chỉ đạo việc triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt.
 
Năm 2014 được ghi dấu với việc xây dựng, ban hành một loạt văn bản mang tầm chiến lược đối với ngành TT&TT. Bộ TT&TT đã chủ trì xây dựng, đề xuất và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Văn bản quan trọng này đề ra những định hướng dài hạn, xuyên suốt cho sự phát triển toàn diện của CNTT nước ta từ nay đến năm 2030. Nghị quyết số 36-NQ/TW đã bổ sung, đồng thời làm rõ thêm một số quan điểm mới về ứng dụng, phát triển CNTT như: CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững; Ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Với những giải pháp mạnh như yêu cầu ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung bắt buộc trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như trong từng đề án, dự án đầu tư của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; khuyến khích áp dụng hình thức thuê, mua dịch vụ CNTT; hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP)… nhằm huy động nguồn lực của xã hội; Nhanh chóng xây dựng và đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng (công dân, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp) và có cơ chế sử dụng chung, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương…. chắc chắn Nghị quyết số 36-NQ/TW sẽ mở ra chân trời phát triển mạnh mẽ mới cho CNTT.
 
Ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ra đời, Bộ TT&TT đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước (CQNN) nhằm mở rộng thị trường ứng dụng CNTT. Quyết định này cho phép CQNN được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển và các nguồn vốn nhà nước hợp pháp khác cho việc thuê dịch vụ CNTT. Ngoài việc mở rộng nguồn kinh phí có thể sử dụng cho ứng dụng CNTT, Quyết định này còn ràng buộc, thúc đẩy các CQNN sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao, giá cả hợp lý của các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT-TT thay vì tự đầu tư, quản lý và khai thác các hệ thống CNTT.
 
Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào môi trường mạng, Dự án Luật An toàn thông tin với nhiều cơ chế, chính sách nền tảng cho lĩnh vực rất mới mẻ và rất ”nóng” này, Bộ TT&TT đã trình, được Chính phủ thông qua, nay chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 năm 2015. Dự thảo Luật đưa ra quy định về thực hiện phân định cấp độ an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin trên cơ sở đánh giá, xác định mức độ quan trọng, ảnh hưởng của hệ thống thông tin đó đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng TT&TT quốc gia, việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước và quy định các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin phù hợp. Trên cơ sở kết quả xác định cấp độ, các cơ quan, đơn vị sẽ có cơ sở, quyền và trách nhiệm thực hiện đầu tư bảo đảm an toàn thông tin một cách có trọng tâm, trọng điểm. Dự thảo Luật cũng sẽ hoàn thiện thêm một bước hành lang pháp lý bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng khi quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân, quy định cụ thể về các hành vi thu thập và sử dụng, cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
 
Trong lĩnh vực báo chí, 2 công cụ quản lý quan trọng hàng đầu là Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí cũng đang được xây dựng và hoàn thiện với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ. Quản lý và phát triển báo chí trong bối cảnh truyền thông xã hội bùng nổ đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách, giải pháp mới để báo chí cách mạng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc chi phối, định hướng dư luận xã hội; để đảm bảo tốt hơn quyền tiếp cận thông tin và để phát huy tốt hơn dân chủ trong thông tin. Quản lý và phát triển báo chí trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, trong điều kiện kinh tế thị trường chi phối ngày càng mạnh mẽ cũng đòi hỏi cơ chế, chính sách, giải pháp mới để báo chí vẫn thực hiện tốt chức năng giáo dục, hướng thiện; để đội ngũ phóng viên, biên tập viên có tính chuyên nghiệp cao về nghiệp vụ, mạnh về chính trị và luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. 
 
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh các văn bản rất quan trọng nêu trên, trong năm 2014, Bộ TT&TT cũng đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành được nhiều cơ chế chính sách mới trong 2 Nghị định Chính phủ, 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 Thông tư và 2 Thông tư liên tịch. Nhờ vậy, ngành TT&TT đã có điều kiện đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức và bộ máy, tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi; triển khai nhiều giải pháp tạo động lực, khơi thông mọi nguồn lực, mọi tiềm năng phát triển, tạo ra một xung lực mới cho toàn ngành.
 
Năm 2014 cũng là một năm ngành TT&TT thực hiện kiện toàn mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, chất lượng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức lại thị trường viễn thông. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015. Triển khai thực hiện Đề án, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc tách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Công ty Thông tin di động VMS khỏi VNPT về trực thuộc Bộ ngày27/6/2014. Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 01/12/2014, Bộ TT&TT đã nâng cấp Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông Mobifone với chức năng kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông, CNTT, và trong tháng 12/2014, Bộ TT&TT cũng đã trình và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ một số chủ trương, lộ trình về cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Đối với Tập đoàn VNPT, để phát huy được thế mạnh của Tập đoàn, tổ chức lại Tập đoàn với mô hình hợp lý theo nguyên tắc chuyên nghiệp, chuyên biệt và hiệu quả, Bộ đã trình Chính phủ Đề án thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc. Với sự ủng hộ của các Bộ, ngành và sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2014, Đề án đã được phê duyệt. Hiện tại, Bộ TT&TT đang chỉ đạo Tập đoàn VNPT hình thành tổ chức 3 Tổng công ty theo Đề án được duyệt, để 3 Tổng công ty có thể đi vào hoạt động ngay từ đầu quý 2 năm 2015 này.
 
Có thể nói rằng, trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói chung được Chính phủ đánh giá là triển khai chậm chạp, không đạt tiến độ và mục tiêu đã đề ra thì việc tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT đã được triển khai khẩn trương, thực chất, đúng kế hoạch và tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. Với kết quả tái cơ cấu trong năm 2014, thị trường viễn thông Việt Nam đã bước đầu hình thành thế "chân kiềng” với 3 doanh nghiệp Nhà nước trụ cột là VNPT, Viettel và Mobifone theo đúng Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều này sẽ giúp thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn, cạnh tranh thực chất và lành mạnh hơn, qua đó giúp các doanh nghiệp không chỉ trụ vững, chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn tập dượt lực lượng vươn ra nước ngoài, hội nhập với kinh tế thế giới như Viettel đang làm rất thành công.
 
Điều đáng ghi nhận là trong hoàn cảnh phải thực hiện tái cơ cấu, thay đổi hệ thống tổ chức, cơ chế điều hành, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT vẫn nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, giữ vững tốc độ phát triển cao, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu, ngân sách Nhà nước, đồng thời giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành trong năm 2014 (chưa tính công nghiệp CNTT) ước đạt 500.000 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 52.000 tỷ đồng. Riêng 3 doanh nghiệp trụ cột của ngành TT&TT gồm: VNPT (sau khi tách Mobifone) đạt doanh thu: 101.055 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 6.310 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5.850 tỷ đồng; Viettel đạt doanh thu: 196.650 tỷ đồng, lợi nhuận: 40.532 tỷ đồng, nộp ngân sách: 15.434 tỷ đồng; Mobifone đạt doanh thu: 36.605 tỷ đồng, lợi nhuận: 7300 tỷ đồng, nộp ngân sách: 3.926 tỷ đồng.
 
Với các cơ chế, chính sách đã được xây dựng và ban hành, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp CNTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước. Trong điều kiện giảm sút vốn đầu tư nước ngoài FDI và kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2014 tiếp tục đạt mức cao. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 350.000 người. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT-TT.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, những kết quả nêu trên của các doanh nghiệp viễn thông - CNTT thực sự là những điểm sáng rất đáng trân trọng, thể hiện nội lực mạnh mẽ của ngành TT&TT cũng như hiệu quả của những cơ chế chính sách được ban hành.
 
img
 
Trong năm 2014, Bộ TT&TT, các Sở TT&TT, các cấp, các ngành đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT.
 
Cùng với công nghiệp CNTT, trong năm 2014, Bộ TT&TT, các Sở TT&TT, các cấp, các ngành cũng thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT. CNTT tiếp tục được ứng dụng rộng rãi hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi cơ bản cách quản lý, học tập và làm việc của con người. Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đã được coi là không thể thiếu trong cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tại một số địa phương, ứng dụng CNTT phục vụ quản lý Nhà nước đã được triển khai xuống tận cấp quận, huyện, phường, xã. Thành phố Đà Nẵng, với nòng cốt là Sở TT&TT đã xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, trở thành hình mẫu để có thể nhân rộng ra cả nước.
 
Một điều đáng tự hào nữa của ngành TT&TT trong năm 2014 là trong Nghị quyết 01/NQ-CP và trong hầu hết các Nghị quyết, chương trình, đề án và kế hoạch công tác của Chính phủ, nội dung về công tác thông tin, báo chí luôn được coi trọng. Không phụ niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, toàn bộ lực lượng thông tin truyền thông đã làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thực hiện quyền được thông tin của nhân dân, tuyên truyền các hoạt động, sự kiện chính trị lớn của đất nước; đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống lại những âm mưu và hành vi xấm lấn, vi phạm chủ quyền đất nước trên Biển Đông; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; góp phần định hướng dư luận, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận xã hội. Bộ TT&TT đã luôn chủ động và quyết liệt trong công tác chỉ đạo thông tin, báo chí, tăng cường sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cơ quan chỉ đạo và quản lý Nhà nước.
 
Với hành trang là những kết quả đã đạt được trên tất cả mọi lĩnh vực, những kinh nghiệm và bài học vượt khó qua 1 năm công tác của toàn ngành, chúng ta tự tin bước vào năm 2015 với quyết tâm và khí thế mới. Năm 2015 là năm có ý nghĩa trọng đại, là năm của những kỷ niệm lớn của Đảng và đất nước, năm triển khai đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, và cũng là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Tình hình trong nước cũng như thế giới sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường. Bởi vậy, toàn ngành TT&TT cần phát huy các điểm mạnh, phát huy những kết quả đạt được trong 2014, nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề tồn tại, khắc phục hạn chế yếu kém để năm 2015 phấn đấu tốt hơn, đạt kết quả cao nhất trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
 
Trước hết, toàn ngành TT&TT cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ Về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2015, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, rào cản để tạo thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
 
Như vậy, nhiệm vụ xuyên suốt của ngành TT&TT trong năm 2015 tiếp tục là đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước chuyên ngành, tăng cường các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo động lực phát triển mới cho các lĩnh vực. Nhiệm vụ này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự đồng tâm hợp lực và sự sáng tạo của toàn ngành, từ Bộ đến cơ sở. Trong đó, nhiệm vụ trực tiếp trước mắt là tập trung sức hoàn thành theo đúng kế hoạch 3 văn bản đặc biệt quan trọng gồm Luật An toàn thông tin; Luật Báo chí mới và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025; tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về TT&TT từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt, đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ TT&TT làm đại diện chủ sở hữu, thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý đối với các doanh nghiệp trong ngành.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thực thi pháp luật, đẩy mạnh triển khai các giải pháp làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa môi trường báo chí, xuất bản và thông tin trên Internet, ngăn chặn tin rác, thư rác... Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, không có vùng cấm. Bên cạnh việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cũng cần có các giải pháp tăng cường cung cấp đầy đủ thông tin chính thống, thông tin tốt, lành mạnh, khuyến khích báo chí tuyên truyền những nhân tố mới tích cực, những gương người tốt việc tốt, những việc làm và tấm lòng nhân ái trong xã hội, làm sao để cái tốt, cái đẹp có thể ngự trị, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực trong môi trường thông tin, đặc biệt là thông tin trên Internet.
 
Nhân dịp bước sang năm mới 2015 và đón Xuân Ất Mùi, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và thành tích, kết quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành. Tôi cũng thân ái gửi đến các đồng chí cán bộ lão thành, hưu trí, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động, các em học sinh, sinh viên đang công tác, học tập trong ngành TT&TT và đông đảo bạn đọc Báo Bưu điện Việt Nam cùng gia đình lời chúc năm mới: Sức khỏe – Hạnh phúc – An khang – Thịnh vượng, chúc ngành TT&TT của chúng ta năm mới tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới.
 
TS. Nguyễn Bắc Son
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông