Vinh danh 30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014

30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014 vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao Giấy chứng nhận và giới thiệu tới gần 200 đại biểu quốc tế đến từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

img

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, CNTT những năm qua đã là ngành đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Tối 29/10, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu chào mừng Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 (Vietnam ASOCIO ICT Summit 2014). Trong lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức, bên cạnh hơn 500 đại biểu trong nước, Vietnam ASOCIO ICT Summit 2014 có sự góp mặt của gần 200 đại biểu quốc tế là lãnh đạo các hiệp hội, các tập đoàn CNTT lớn đến từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát biểu với các đại biểu quốc tế, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, trong 35 năm qua, ngành CNTT-TT Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất, xã hội hóa nhanh nhất và hội nhập quốc tế sớm nhất, sâu rộng nhất.

Một trong những thành tựu chủ yếu là CNTT những năm vừa qua đã là ngành đi đầu trong hội nhập quốc tế. Cụ thể, từ khi Việt Nam mở cửa, các doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam đã nhanh chóng vươn ra khắp thế giới. Ví dụ như FPT là DN hội nhập quốc tế đầu tiên của Việt Nam, hiện có hơn 19.000 lao động với hơn 7.000 kỹ sư và chuyên gia công nghệ, hiện diện tại 19 nước với doanh thu năm 2014 dự kiến đạt 1,6 tỷ USD; Viettel có hơn 26.700 lao động, hiện diện tại 9 quốc gia trên 3 châu lục với doanh thu năm 2014 dự kiến đạt khoảng 9,2 tỷ USD, cung cấp dịch vụ cho gần 80 triệu khách hàng.

Việt Nam cũng được thế giới đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn, là điểm đến của các nhà đầu tư CNTT viễn thông quốc tế. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, không chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà còn để đầu tư lâu dài với quy mô lớn và ngày càng tăng. Samsung đang dẫn đầu với quy mô đầu tư gần 6 tỷ USD, Intel cũng đầu tư trên 1 tỷ USD, các tên tuổi nổi tiếng khác như Microsoft, IBM, HP, Alcatel Lucent đều đang đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo ông Nhân, trong lĩnh vực BPO (thuê ngoài tác nghiệp), ITO (thuê ngoài CNTT) và gia công phần mềm, Hà Nội và TP.HCM luôn đứng ở vị trí cao trong danh sách 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2014, Hà Nội đứng thứ 23 và TP.HCM đứng thứ 16. Từ năm 2012, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật.

“Với niềm tin về tương lai tương đẹp trong mối quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa các nền kinh tế và các doanh nghiệp trong khu vực châu Á và châu Đại Dương, chúng tôi xin mời tất cả các bạn đến Việt Nam để cùng chia sẻ những thành quả tốt đẹp do chính chúng ta đã, đang và sẽ cùng nhau tạo ra, hướng tới xây dựng một cộng đồng châu Á châu Đại Dương năng động, sáng tạo, văn minh, tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới”, ông Nhân chia sẻ với các đại biểu quốc tế.
 
img
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng (bên phải) và đại diện lãnh đạo TP.Hà Nội trao Giấy chứng nhận doanh nghiệp CNTT hàng đầu năm 2014 cho Công ty CP Công nghệ Tinh Vân.

Tại chương trình giao lưu, VINASA đã trao Giấy chứng nhận và giới thiệu với các đại biểu quốc tế 30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014 (Vietnam’s 30 Leading ICT Companies 2014), gồm 19 DN trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ BPO, IT Outsourcing, Offshoring và 11 DN trong lĩnh vực cung cấp giải pháp, phần mềm đóng gói.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam mở rộng thị trường, vươn ra quốc tế, xác lập vị trí của mình và của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành CNTT thế giới. Trong 30 DN có nhiều tên tuổi quen thuộc của ngành CNTT Việt Nam, gồm cả công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài như: FPT Software, TMA Solutions, Harvey Nash Việt Nam, Tinh Vân, MK Smart, DiGi-Texx Việt Nam, CMC Software Solution...