Sách - Người thầy của muôn đời

Sách là một phương tiện quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, tri thức nhân loại để phục vụ cho học tập, nghiên cứu nhằm không ngừng nâng cao dân trí (cả về tự nhiên và xã hội). Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng và phát triển được một nền văn hóa đất nước tiến bộ, lành mạnh và khoa học. Một nền văn hóa như thế sẽ đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững về mọi mặt: chính trị, kinh tế, quốc phòng... Sách có chức năng phổ cập mọi lĩnh vực: Văn học, lịch sử, chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, đời sống, giáo dục (sách giáo khoa - giáo trình, sách tham khảo các môn học...).

img

Tác giả (bên trái) tặng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cuốn sách Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 02/10/2011

Sách có thuộc tính là: Luôn mang nội dung thông tin truyền thụ có giá trị thiết thực, đảm bảo tính khoa học, tính chính xác cao. Bởi vì sách bao giờ và ở mức độ khác nhau cũng đều là sản phẩm của tập thể (tác giả, soạn giả, biên tập, hiệu đính, in ấn…), nên nó được kiểm tra chặt chẽ. Xưa ông cha ta thường nói “Bút sa gà chết”, “Giấy trắng mực đen” do đó mà các khâu đều phải thực hiện cẩn trọng, nhất là đối với các tác giả, soạn giả.

Sách là một loại hình có khả năng lưu trữ lâu dài (được in trên các chất liệu: tấm da, các loại giấy, dập trên đồng…, bây giờ còn có sách điện tử), được giữ gìn cẩn thận trong các tủ sách gia đình, hệ thống thư viện… từ đời này qua đời khác.

Ngày nay, do tin học phát triển, mạng Internet được toàn xã hội quan tâm sử dụng, nhất là đối với lớp trẻ. Ta phải thừa nhận mạng Internet có tác dụng vô cùng to lớn trong việc truyền thụ thông tin kiến thức. Việc học tập, nghiên cứu, tra cứu, nắm bắt thông tin trong thời @ thật là thuận lợi. Sẽ là lạc hậu, thiệt thòi đối với những ai không biết sử dụng Internet, không gia nhập được vào thế giới của “cư dân mạng”.

Tuy vậy, so với Sách, mạng Internet chứa đựng trong nó những nhược điểm, đòi hỏi người đọc phải có trình độ nhất định, bản lĩnh nhất định mới tiếp thu được, học được cái hay, cái tốt và bỏ qua cái sai trái, xấu xa.

Với các thuộc tính của mình, Sách cần cho người cao tuổi, nơi vùng sâu, vùng xa hơn mạng internet. Sách càng cần cho người học tập, nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu. Không có sách thì không thể nghiên cứu tìm hiểu một đề tài đến nơi đến chốn. Có những vấn đề phải lật đi lật lại, phải đối chiếu, kiểm chứng… như thế rất cần đến sự trợ giúp của sách. Đối với những người tự học thành tài thì sách đóng vai trò quyết định. Trong trường hợp này sách thực sự là người thầy dẫn dắt suốt quá trình phát triển năng lực tư duy của người tự học. Người tự học thành tài thường là những người kiệt xuất, có những đóng góp to lớn cho xã hội.

Tuy nhiên, sách chỉ thực sự phát huy tốt trong một Xã hội học tập, trong một quốc gia coi trọng Văn hóa đọc. Qua đó, người tài sớm được phát hiện, được bồi dưỡng thành hiền tài - Hiền tài là nguyên khí quốc gia, mà như ông cha ta đã nói: “Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh; Nguyên khí yếu thì thế nước yếu”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đất nước ta cần phải xây dựng và phát triển cho được một đội ngũ trí thức chân chính, thực tài để đáp ứng cho sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay.  

Ngày 2-10-2011, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng, Nhà nước đã phát động: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”. Trong bài diễn văn, Phó Chủ tịch nước nói: “Tôi mong muốn và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về Xây dựng xã hội học tập”.  Qua đó cho thấy Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đặc biệt là lớp thanh niên, thiếu niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách; khuyến khích mọi người đọc sách; tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh các tác giả, tác phẩm; tôn vinh các nghề: thư viện, xuất bản, phát hành.

Văn hóa đọc đã có tín hiệu được xã hội quan tâm hơn. Tuy vậy, trên thực tế kể từ ngày Phó Chủ tịch nước (2-10-2011) phát động phong trào Học tập suốt đời và Xây dựng xã hội học tập đến nay thì tình trạng “phát” vẫn mạnh hơn “động”, khiến những người làm trong lĩnh vực văn hóa này rất trăn trở, dù vẫn bám trụ và hy vọng.

Văn hóa đọc vẫn đang tiếp tục xuống cấp. Người đọc sách, yêu sách ngày một ít. Sách gối đầu giường đã trở thành huyền thoại. Ở đất nước 90 triệu dân mà bây giờ mỗi đầu sách in ra thường chỉ bán được 1000 bản. Đó là điều đáng buồn đối với các tác giả, soạn giả, đối với những người làm xuất bản và phát hành sách. Tổng biên tập tạp chí Thế giới trong ta - ông Đinh Khắc Vượng nói: “Đó là một lãng phí lớn - lãng phí chất xám, lãng phí thông tin bổ ích, lãng phí kinh tế đầu tư xuất bản…”. Trái lại tình trạng sách in nhái, in lậu, sách lá cải rẻ tiền lại đang được bày bán tràn lan… Ở các nước văn minh không có hoặc rất hiếm chuyện in sách lậu.

Về tác dụng của sách, xét trong phạm vi xã hội, sách vẫn đang âm thầm phát huy. Ví dụ 1000 cuốn sách được in ra, chỉ cần 100 cuốn đến tay các độc giả nghiêm túc “Đọc sách để mà suy nghĩ, đừng đọc sách để khỏi suy nghĩ” (Gibbon) là đã khởi nguồn cho bao sáng kiến thành công, sẽ mang lại bao lợi ích xã hội có khi rất to lớn. Với một độc giả, có khi chỉ bỏ ra 30.000 – 50.000 đồng để mua một cuốn sách, nhưng nó đã gợi cho những suy nghĩ, nó mách bảo cho những cách làm có khi mang lại lợi ích có giá trị gấp trăm, ngàn lần.

Để thực hiện chức năng nhiệm vụ, ta khẳng định các tiêu chí mà sách phải đạt tới là luôn luôn giúp người đọc hướng tới giá trị chân - thiện -  mỹ; hướng tới tình yêu thương gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước; hướng tới tình đoàn kết dân tộc và các giá trị nhân văn cao cả khác. Với tuổi học trò thì “Sách là cây đèn thần soi sáng tâm hồn”, nên các tiêu chí ấy của sách càng phải chú trọng hơn. Bởi vì, nếu một cuốn sách nào đó gieo vào đầu óc tuổi thơ, các em đang ngồi trên ghế nhà trường những điều sai trái, độc hại thì có thể làm hỏng những cuộc đời, để lại những hệ lụy cho gia đình và xã hội, có khi là các tác hại khôn lường.

Qua bài viết ngắn này, tác giả muốn làm rõ hơn vị trí quan trọng của Sách trong đời sống xã hội, rằng Sách chứa đựng hệ thống tri thức ngàn đời, “Có học những câu cổ nhân dạy thì mới hay”, nhất là về đạo lý, nhân nghĩa, cách xử thế; rằng Sách là phương tiện, công cụ không thể thiếu của văn hóa, giáo dục. Và do đó Sách sẽ còn tồn tại lâu dài, bất chấp sự lấn át của mạng Internet và các loại hình văn hóa khác.

Để kết luận, không gì hơn là trích ra đây mấy câu danh ngôn về sách:
- Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của sự thông thái tích lũy lại (G.W. Cơtixơ);
- Sách là kỳ quan vĩ đại nhất trong các kỳ quan do con người sáng tạo ra (M. Gorki).
Còn Nguyễn Bính thì nói rất hay bằng thơ: “Nhà ta coi chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang ở đời”.

Như thế, ta có thể nói Sách là người thầy của muôn đời!