Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông phấn đấu trở thành trường trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin

Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cần phấn đấu trở thành trường trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin và từng bước xây dựng xứng đáng với tiềm năng của Học viện cùng với sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp, các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên của nhà trường. Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại lễ kỷ niệm chào mừng 60 năm thành lập Trường Bưu điện nay là Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (17/9/1953 – 17/9/2013) được diễn ra vào sáng ngày 17/9/2013 tại Hà Nội. Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng cục Bưu điện; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Ban lãnh đạo Học Viện Bưu chính Viễn thông cùng các cán bộ giảng dạy, học viên của trường qua các thời kỳ…

img

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao quà lưu niệm cho Giám đốc Học Viện Công nghệ bưu chính viễn thông Hoàng Lê Minh.

Cách đây 60 năm tại núi rừng Việt Bắc, xã Cao Vân, Đại Từ, Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng đối với đất nước, đó là sự ra đời của trường Bưu điện – Vô tuyến điện theo Nghị định số 165/LB-CT-GD của Bộ Giao thông Công chính và Bộ Giáo dục. Từ đó, trường Bưu điện – Vô tuyến trở thành trường đào tạo cán bộ Bưu điện đầu tiên dưới chế độ mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách tăng cường đội ngũ cán bộ có kỹ thuật nghiệp vụ, phát triển mạng lưới thông tin đáp ứng yêu cầu tác chiến trên các chiến trường.

Trong giai đoạn kháng chiến, hàng vạn học sinh, sinh viên, cán bộ đã hoàn tất đào tạo rời mái trường và có mặt trên khắp các chiến trường, công trường của đất nước để tham gia yêu cầu của cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng đất nước. Một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhà trường về một thời hào hùng với những hình ảnh can đảm, anh dũng giữ liền mạch máu thông tin của cán bộ thông tin khi dùng hàm răng của mình cắn hai đầu dây để nối thông đường dây liên lạc và hình ảnh của các tổng đài viên trực máy trong trận mưa bom bão đạn. Đặc biệt hình ảnh nhiều lớp thầy, trò nhà trường sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Trong những lớp người ra trận ngày ấy đã có nhiều thầy hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp thống nhất non sông…

img

Bước vào những năm đổi mới, nhà trường đã trải qua nhiều lần chuyển đổi với rất nhiều lần thay tên trường, chuyển giao, sáp nhập để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế phát triển đất nước. Thực hiện Nghị quyết trung ương 2 khóa VIII năm 1997 về việc xây dựng mô hình đào tạo gắn kết nghiên cứu, đào tạo hàn lâm với thực tiễn sản xuất kinh doanh, Học Viện Công nghệ bưu chính viễn thông ra đời, trong chặng đường 60 năm của trường Bưu điện, bước đi 15 năm qua của Học viện đã tiếp tục khẳng định sức mạnh truyền thống của một đơn vị đào tạo chuyên ngành. Hiện nay, các thế hệ học viên, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ học tập và nghiên cứu dưới mái trường Học viện đã và đang đóng góp cho sự phát triển của mạng lưới bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của đất nước.

Trong thời gian tới, Học Viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã xác định phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng học viện trở thành một trong các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của đất nước, sánh vai với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đóng góp công sức cho công cuộc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin vào năm 2020. Theo thống kê, với số lượng 917 cán bộ, trong đó có 14 Giáo sư và Phó Giáo sư, 64 Tiến sĩ, 293 thạc sĩ, Học viện đã đào tạo được 45 Tiến sĩ, gần 1.000 thạc sĩ, gần 10.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 250.000 lượt cán bộ đã được đào tạo bồi dưỡng tại Học viện cùng trên 2.900 đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các cấp đã được thực hiện đã nói lên kết quả bước đầu của Học viện trong 15 năm qua.
 
Hiện nay, ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM với 13 khoa đào tạo đại học và sau đại học (có quy mô trên 28.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh); 1 Trung tâm đào tạo quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài; 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thực hiện đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ và bổ túc kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ ngành và các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp khác trong và ngoài nước; 3 viện nghiên cứu khoa học (Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện CNTT-TT, Viện Kinh tế Bưu điện) đều hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ, thực hiện nghiên cứu, sản xuất, tư vấn, chuyển giao công nghệ về khoa học công nghệ và kinh tế chuyên ngành CNTT-TT.

img

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã cho biết: trải qua chặng đường 60 năm hình thành, Học viện đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín là một trong những cái nôi đào tạo lớn của ngành thông tin và truyền thông và của đất nước. Những thành tích của Học viện đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khẳng định thông qua nhiều hình thức khen thưởng, gần đây nhất, Học viện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đối với công tác phát triển, Bộ trưởng yêu cầu Học viện cần quán triệt sâu sắc kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương VI khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời bám sát chiến lược phát triển đào tạo đến năm 2020, Quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2020 để tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng hội nhập, đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, mô hình tổ chức của Học viện sẽ có sự thay đổi cùng với quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông. Đây là cơ hội để Học viện tiếp tục đổi mới và phát triển, tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và chuyển giao theo nhu cầu của xã hội. Trên cơ sở đó, từng bước phấn đấu xây dựng Học viện trở thành một trường trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin, xứng đáng với tiềm năng của Học viện cùng với sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp và của các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên của nhà trường.

Tại lễ kỷ niệm, PGS. TS. Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết “Học viện đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới để ngày càng phát triển. Nhận thức được tất yếu của yêu cầu phải đổi mới, cũng như thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông,  Học viện đã và đang thực hiện những tiến trình đổi mới với mục tiêu chiến lược là xây dựng Học viện thành tổ chức nghiên cứu và đào tạo trọng điểm quốc gia, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng và trình độ quốc tế, trung tâm nghiên cứu đào tạo khoa học kỹ thuật hiện đại, hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới, là địa chỉ đầu tư và hợp tác tin cậỵ, hấp dẫn đối với xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.