Cuộc hội ngộ xúc động của hơn 1.000 chiến sĩ giao bưu, thông tin

Hơn 1.000 chiến sĩ thuộc Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng ngày 15/8/2013

img
Hơn 30 năm mới gặp lại nhau
 
Có mặt tại Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh từ rất sớm, người chiến sĩ già Lê Văn Thắng đưa mắt đi tìm những đồng đội một thời nếm mật nằm gai với mình. Khi nhìn thấy người chỉ huy năm xưa từng là Phó ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam, ông Tráng không kìm được nước mắt hô to: “Anh Ba già! Em Thắng nè, lính thông tin của anh nè. Em kiếm anh nãy giờ. Em mới từ Bình Dương lên sáng nay…” rồi tiến tới ôm chầm lấy người chỉ huy.
 
Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, mắt đã không còn thấy đường nhưng người chỉ huy ấy vẫn minh mẫn vỗ vai những người đồng chí nói: “Hơn 30 năm rồi đấy nhỉ, hơn 30 năm mới gặp được nhau. Chắc có lẽ đây là lần đầu và cũng là lần cuối anh em mình còn thấy nhau. Mà thôi, gặp được nhau là quý lắm rồi”. Rồi từng đợt người cứ ùa tới tay bắt vị chỉ huy kính mến của mình.
 
Hầu hết họ nay đã trên 70, một số người đã trên 90 tuổi, bước đi chậm chạp, phải có người dìu dắt, tai nghễng ngãng. Nhưng được gặp lại các đồng đội, ôn lại kỷ niệm xưa cũ, ai nấy đều vui mừng.
 
“Gặp lại anh em thấy mình như trẻ ra chục tuổi. Tôi còn nhớ rõ những năm 1968 - 1970, Mỹ điên cuồng bố ráp, cho mật thám rình rập để bắt bớ những chiến sĩ của ta. Trước tình hình bất lợi ấy, để đảm bảo an toàn, đài phải lên tục chuyển chỗ ở và phải ngụy trang, đào hầm cất giấu máy và làm việc ngoài ven rừng.
 
Ban ngày, anh em làm nghề đốn củi bán hoặc đi cạo mủ cao su. Ban đêm vào rừng, xuống hầm làm việc. Vào một ngày đầu tháng 7/1970, đơn vị còn tất cả 7, 8 người chuẩn bị làm bữa cơm chiều cuối cùng để ăn rồi chuẩn bị chuyển đơn vị thì máy bay địch đến. Chúng bắn phá dữ dội. Lúc này, hai đồng đội bị trúng bom đã vĩnh viễn nằm xuống trong rừng. Giá như…”, ông Nguyễn Văn Tráng, từng làm việc trong Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam rưng rưng nhớ lại.
 
Ông Nguyễn Thành Danh, tức Sáu Đại, nguyên Trưởng Đài Vô tuyến điện Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng Ban Thông tin liên lạc miền Nam, tuy đã ở tuổi 85 và gắn liền với nhiều thành tích xuất sắc. Nhưng ông không muốn nói nhiều về thành tích năm xưa mà chỉ bảo: “Đồng đội tôi hy sinh rất nhiều. Buổi gặp mặt hôm nay, chỉ có một phần rất nhỏ của đồng đội tôi thôi”.
 
Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến ông, những người bạn, người đồng chí của ông vẫn còn nhớ như in những ngày ông bị địch vây ráp và thoát chết trong gang tấc ra sao, và cũng là người đã giữ cho sóng điện của đài thông tin Trung ương Cục không bao giờ tắt, bảo đảm cho các chỉ đạo của lãnh đạo vượt qua sóng gió của chiến tranh biên giới 1970.
 
Dấu son chói lọi
 
Riêng đối với những chiến sĩ Ban Giao bưu vận, họ không chiến đấu trực diện với kẻ thù như lực lượng quân sự mà họ chỉ đảm bảo đưa đón khách, vận tải vũ khí, hàng hóa, công văn và tài liệu an toàn. Thế nhưng, khi đụng địch, họ đã mưu trí lập nhiều chiến công và đã có không ít đồng chí đã hy sinh anh dũng. Trong đó, có những đồng chí ngã xuống khi tuổi đời mới đôi mươi.
 
Ông Nguyễn Quốc Trung (Út Trung), đơn vị C20 giao liên Khu ủy miền Đông Nam Bộ vẫn còn nhớ như in cái chết của đồng đội mình. Đó là vào năm 1966, khi đồng chí Minh Đức, đội vận tải hàng chiến lược của Trạm B23, Ban Giao Bưu vận đi công tác cách đơn vị 500m thì đụng biệt kích Mỹ. Cuộc chiến đấu nổ ra, Đức bị đạn bắn thương nặng.
 
Thấy vậy, đồng chí Phạm Thanh Dân, sau này là Trưởng Ban Bảo vệ Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh đã đến đỡ đồng đội để kiểm tra vết thương thì Đức thều thào: “Trái lựu đạn tôi đã rút chốt sẵn cài dưới người, hãy cẩn thận… Tiền đảng phí tôi để trong bòng nhớ lấy đóng giùm…”.
 
Khi Ba Dân định xé áo Đức để băng bó vết thương thì Đức ngăn lại nói: “Cái áo tôi mới lãnh hồi chiều, để lại cho anh em mặc” rồi vĩnh viễn ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn và cảm phục của đồng đội.
 
Có thể nói, trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt ấy, cả Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, nhân dân, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ “mạch máu” liên lạc và vận chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ an toàn…
 
img
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước,  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gắn Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lên lá cờ truyền thống của Ngành Thông tin và Truyền thông
 
Để làm nên những chiến công oai hùng ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin liên lạc trung ương cục miền Nam đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn người đã phải mang thương tật suốt đời. Đến hôm nay, người mất, người còn nhưng những hy sinh của họ đã được bù đắp khi được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Phần thưởng cao quý ấy đã được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trân trọng gắn huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lên cờ truyền thống của hai đơn vị này.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định, các cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện và Thông tin, Truyền thông hôm nay vô cùng tự hào trước những thành quả, sự hy sinh xương máu của các thành viên Ban giao Bưu vận và Ban Thông tin liên lạc trung ương cục miền Nam. Điều này góp phần hun đúc thêm truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của ngành.
 
Trong thời kì đổi mới, ngành bưu điện đã làm những kì tích trong sự tăng tốc và phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm với các nước trên thế giới, được Đảng, Nhà nước ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.