Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là “sân chơi” dành cho người có quyết tâm và sự đam mê

Để giành được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ngoài việc giỏi về kiến thức, nếu đi kèm với đó là ý chí, lòng quyết tâm chinh phục công nghệ, chắc chắn mơ ước trở thành một “Nhân tài Đất Việt” là không quá khó để trở thành hiện thực.

img

Đó là chia sẻ của Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu với gần 1.000 sinh viên của Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012 (NTĐV) khu vực phía Nam vừa được tổ chức tối qua

“Sân chơi” dành cho người có sự kiên trì

Khi một bạn sinh viên rất tha thiết “Bác đã là Chủ tịch hội đồng giám khảo Nhân tài Đất Việt trong 7 năm, năm nay là năm thứ 8, bác có thể chia sẻ cho chúng cháu, làm thế nào để giành Giải thưởng?”.  Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã rất vui vẻ chia sẻ những kỷ niệm, những lần gặp thất bại khi nghiên cứu, triển khai các công trình khoa học trong suốt những năm làm công tác nghiên cứu khoa học của ông.  Và theo ông, để giành được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ngoài việc giỏi về kiến thức, nếu đi kèm với đó là ý chí, lòng quyết tâm chinh phục công nghệ, chắc chắn mơ ước trở thành một “Nhân tài Đất Việt” là không quá khó để trở thành hiện thực.

Trong buổi giao lưu, nhiều sinh viên và đại biểu tham dự còn không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng, từ cái nôi Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, trong 7 năm qua, đã có những cá nhân, tập thể tiêu biểu giành được giải cao của Nhân tài Đất Việt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Long, người gắn bó trong suốt chặng đường 7 năm phát triển của Giải thưởng, ngay trong năm 2005 - năm đầu tiên khi Nhân tài Đất Việt được tổ chức, thí sinh giành được giải cao nhất - giải Nhì của cuộc thi chính là một sinh viên của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Một sinh viên khác của trường còn có tới hai lần giành giải thưởng của Nhân tài Đất Việt. Đó là sinh viên Phạm Hữu Ngôn. Năm 2005, Phạm Hữu Ngôn giành được giải Ba. Hai năm sau, năm 2007, Phạm Hữu Ngôn đã giành giải quán quân của Nhân tài Đất Việt lĩnh vực sản phẩm CNTT có tiềm năng ứng dụng. Từ những tấm gương này, đại diện ban giám khảo đã kỳ vọng và tin tưởng, sinh viên CNTT của các trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học CNTT, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh… tham gia giao lưu hôm nay còn đạt được thành công hơn thế.

 Cơ hội giành Giải thưởng ngày một rộng mở

Tại buổi giao lưu tối qua, đại diện Ban tổ chức cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc được đặt ra từ báo giới và các em sinh viên xung quanh những sự thay đổi của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2012. Năm nay, “sân chơi” Nhân tài Đất Việt đã mở rộng chờ đón các doanh nghiệp có sản phẩm CNTT thành công mang thương hiệu Việt. Theo Ban tổ chức, đây là một điểm đổi mới nổi bật trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt mùa thứ 8.

Đến với sân chơi này, các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ thông tin thành công sẽ được Hội đồng Ban Giám khảo xét tuyển dựa trên các yếu tố chính: Tính phổ biến và thành công; Hàm lượng công nghệ và khoa học; Tính ưu việt và thương hiệu; Tăng trưởng và chất lượng; Tôn vinh giá trị Việt Nam.

Với những sản phẩm CNTT đã và đang thành công trên thị trường bao gồm sản phẩm phần mềm, phần cứng, sản phẩm dịch vụ CNTT-TT, các giải pháp mạng và tích hợp công nghệ, các sản phẩm đã đoạt giải trong các kỳ thi khác ở trong và ngoài nước đều được BTC khuyến khích tham gia và mong muốn được tôn vinh các sản phẩm này tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Những đổi mới của Nhân tài Đất Việt 2012 thể hiện sự mong muốn của Ban tổ chức đó là có những sản phẩm CNTT bản quyền Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam xứng đáng được vinh danh Nhân tài Đất Việt.

Cùng với đó, Nhân tài Đất Việt 2012 tiếp tục là nơi tôn vinh sản phẩm CNTT có tính ứng dụng cao. Những năm qua, điểm khác biệt giữa Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với các giải thưởng trong lĩnh vực CNTT khác đó là việc tìm kiếm các sản phẩm CNTT hoàn thiện có tính ứng dụng cao.

Tất cả các sản phẩm hoàn thiện dù trong nhóm Có tiềm năng ứng dụng hay Đã ứng dụng rộng rãi đều được BTC Giải thưởng NTĐV tiếp nhận và đánh giá dựa trên các tiêu chí chung của Giải thưởng. Và năm nay, các sản phẩm khi tham gia dự thi trong lĩnh vực Đã ứng dụng rộng rãi hay Có tiềm năng ứng dụng có cùng tên gọi chung là sản phẩm Công nghệ Thông tin Triển vọng.

Khi tham gia vào sản phẩm CNTT Thành công hay sản phẩm CNTT Triển vọng, các nhóm sản phẩm sẽ có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba với trị giá giải thưởng tương đương là 100 triệu đồng, 50 triệu đồng và 30 triệu đồng cùng phần thưởng của các đơn vị tài trợ.

Cùng với 2 nhóm Giải thưởng chính của chương trình là sản phẩm CNTT Thành công và sản phẩm CNTT Triển vọng, năm nay, BTC đã thống nhất dành 2 giải riêng để tôn vinh các sản phẩm CNTT góp phần góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang được quan tâm (giáo dục, y tế, giao thông…) và Giải thưởng dành cho các bạn trẻ ở độ tuổi dưới 20, sinh từ năm 1992 trở lên có các sản phẩm CNTT tham dự xuất sắc…

Ngoài Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT, BTC tiếp tục dành những giải thưởng có giá trị tôn vinh những nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực Khoa học Ứng dụng và Y dược. Các nhà khoa học hoặc tập thể khoa học đạt được thành tích xuất sắc trong nghiên cứu về các vấn đề thuộc một lĩnh vực trong các lĩnh vực toán học, cơ học, vật lý học, hóa học, sinh học, các khoa học về trái đất và môi trường; các công trình Khoa học, nghiên cứu ứng dụng vào thực tế; các Công trình đã đạt giải thưởng trong các hoạt động khác của ngành y tế ở trong và ngoài nước đều được BTC xét tuyển và tôn vinh.

VNPT sẽ luôn đồng hành cùng Giải thưởng

Đại diện của Tập đoàn VNPT, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng khẳng định, VNPT sẽ luôn đồng hành với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Ngay từ khi Giải thưởng ra đời, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và CNTT, VNPT đã nhận thấy tiêu chí và định hướng của Giải thưởng rất phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Theo ông Việt, đó là lý do VNPT với vai trò là nhà tài trợ chính và đồng tổ chức Giải thưởng trong suốt thời gian qua.

“Tham gia đồng tổ chức, đồng tài trợ Giải thưởng, VNPT còn nhằm mục tiêu tìm kiếm các tài năng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chính sự phát triển của VNPT. Mong muốn của chúng tôi đó là tiếp tục phát triển thêm được nguồn nhân lực CNTT, Viễn thông dồi dào cùng các lĩnh vực khác nữa ” - ông Việt chia sẻ. Được biết, trong 7 năm qua, đã có hơn 20 sản phẩm CNTT được trao Giải thưởng NTĐV, nhiều sản phẩm trong đó hiện đang được ứng dụng và phát triển tại VNPT.

Cũng trong buổi Giao lưu, VNPT đã trao tặng 100 suất học bổng cho 100 bạn sinh viên vượt khó học giỏi thuộc đang học tập ngành CNTT, điện tử viễn thông tại các trường đại học TP.HCM.

Việc trao học bổng hôm nay của Tập đoàn VNPT cũng chính là nhằm tìm kiếm và hỗ trợ, phát triển những tài năng CNTT, nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Với những suất học bổng này, VNPT mong muốn tạo niềm hứng khởi, khích lệ và phát động sinh viên hưởng ứng phong trào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm CNTT ứng dụng trong cuộc sống.

Quỹ Khuyến học “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” do VNPT tài trợ, Báo điện tử VnMedia là đơn vị thực hiện phối hợp với Quỹ Khuyến học Việt Nam tổ chức từ năm 2006, đến nay bước sang năm thứ 7 liên tiếp. Trong những năm qua, VNPT đã dành hơn 9 tỷ đồng tổ chức trao hơn 10.000 suất học bổng đến hơn 10.000 học sinh, sinh viên trên khắp cả nước.

Nguồn: Theo VNPT.com.vn