VNPT nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông

Với vai trò là một doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoạch định những chiến lược phát triển dài hạn để góp phần thúc đẩy tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) trong thời gian sớm nhất.

img

Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin – Truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2010. Cơ sở hiện thực hóa Đề án này liên quan đến nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT-TT.

Với đặc thù là doanh nghiệp có lịch sử phát triển 66 năm, chặng đường phát triển của VNPT gắn liền với lịch sử cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước. Những thành tựu của VNPT trong quá trình hình thành, xây dựng mạng lưới được ví như những viên gạch đặt nền móng cho ngành viễn thông (VT), CNTT hôm nay. Xác định rõ nhiệm vụ tiên phong, VNPT đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 

Hiện VNPT là doanh nghiệp dẫn đầu trong phát triển hạ tầng VT, CNTT. Cụ thể, đối với mạng cố định, VNPT hiện là nhà cung cấp dịch vụ phát triển hạ tầng tốt nhất và chiếm thị phần lớn nhất gần 80%. Từ năm 2005, VNPT đã hoàn thành chỉ tiêu 100% xã có điện thoại. Trong lĩnh vực di động, VNPT hiện đang sở hữu hai mạng di động lớn nhất là Vinaphone và Mobifone. Hai mạng di động này hiện đang chiếm giữ gần 60% thị phần và liên tục được đánh giá là mạng di động có chất lượng tốt tại Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2010, VNPT cũng là doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai mạng di động 3G.

Bên cạnh đó, hoạt động gia công phần mềm đã bước đầu gặt hái được thành công và đây cũng sẽ là một lĩnh vực đem lại một nguồn doanh thu đáng kể cho VNPT trong tương lai.

Chiến lược phát triển nông thôn mới cũng là một  trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta quan tâm trong những năm qua và giai đoạn sắp tới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược này, VNPT đã xây dựng kế hoạch phát triển đặc thù mạng lưới bưu chính viễn thông (BCVT), CNTT tại khu vực nông thôn theo hướng đồng bộ hóa, hiện đại hóa và trên cơ sở đó cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đến tận địa chỉ của người dân.

Tính đến thời điểm hiện nay, mạng lưới thông tin liên lạc của VNPT đã phủ kín đến 100% các xã trên toàn quốc, tất cả những người dân ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo đều được hưởng các dịch vụ viễn thông, CNTT, xem các chương trình phát thanh, truyền hình một cách thuận lợi, thông suốt có chất lượng cao. Đến nay,  chương trình đưa CNTT về nông thôn đang được VNPT tích cực triển khai thông qua các chương trình như phổ cập Internet, đưa CNTT về nông thôn bằng các hoạt động như: phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn, 1 triệu giờ đồng hành, chương trình viễn thông công ích, chương trình hỗ trợ kết nối Internet đến tất cả các trụ sở xã, phường, trường học, cơ sở y tế…
Cùng với các dịch vụ di động, băng rộng, mô hình các điểm phục vụ BCVT, CNTT của VNPT trên toàn quốc tiếp tục giữ vai trò là một cầu nối thông tin tại nông thôn, giúp người dân nâng cao dân trí, tiếp cận với nguồn tri thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt,… Tại nhiều địa phương, mô hình này đã trở thành nét đẹp văn hóa của nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách giá cước đối với đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn; tặng thiết bị đầu cuối, miễn phí thuê bao cho nông dân tại các khu vực vùng sâu, vung xa, biên giới hải đảo của VNPT đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung của toàn xã hội, và cũng trực tiếp thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế xã hội, CNH-HĐH, xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn.

Để trở thành một quốc gia mạnh về CNTT-TT, một vấn đề then chốt là phải tự chủ được việc sản xuất thiết bị. Nắm bắt được tinh thần đó, trong nhiều năm qua VNPT đã thành lập các công ty cổ phần, liên doanh sản xuất các thiết bị công nghiệp và đến nay đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và bước đầu phục vụ xuất khẩu.

Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Học viện Công nghệ BCVT (PTIT) cùng với hệ thống các trường cao đẳng và trung cấp chuyên ngành Công nghệ Viễn thông trên cả nước trong hàng chục năm qua là cái nôi đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường VT-CNTT. VNPT bên cạnh mục tiêu kinh doanh trong những năm đã liên tục hỗ trợ kinh phí cho các trường để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực này cho cả xã hội. Đây chính là một trong những nguồn lực tiềm năng đóng góp cho tiến trình thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT”.

Xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh luôn gắn liền với định hướng chung của quốc gia. VNPT đã kịp thời đưa giá trị ứng dụng của VT, CNTT vào phát triển đời sống của khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chiến lược phát triển nông thôn mới.

Do đó, để thực sự đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT còn rất nhiều việc phải làm với sự nỗ lực của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và các doanh nghiệp. Tuy nhiên với vai trò đầu tàu, VNPT cần cố gắng nhiều hơn nữa để trong tương lai không xa sẽ góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ các quốc gia mạnh về CNTT - TT./.

Nguồn: Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam