Sóng di động nối gần Trường Sa với đất mẹ

Phát triển hệ thống viễn thông trên quần đảo Trường Sa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng để phục vụ đời sống của ngư dân trên biển, nhân dân trên các đảo cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

img

Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mang tiện ích của viễn thông từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu và vùng xa, trong đó khu vực biển đảo là hướng ưu tiên đặc biệt. Trường Sa là nơi mà Viettel tập trung phát triển dich vụ viễn thông và đã đem lại những thành công ngoài mong đợi.

Viễn thông đã nối gần khoảng cách giữa gia đình, vợ con và bạn bè với cán bộ, chiến sỹ ngoài Trường Sa gần nhau hơn. Đặc biệt, cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa không còn cảnh hàng tháng mới có báo đọc, hàng quí mới được gọi điện thoại về nhà. Có viễn thông là có dịch vụ internet, có sóng điện thoại di động để cán bộ, chiến sỹ thường xuyên được cập nhật những thông tin nhanh nhất từ chính trị, kinh tế, xã hội… ở trong nước và thế giới.

Vậy làm thế nào Viettel lại triển khai, lắp đặt thành công dịch vụ viễn thông ngoài Trường Sa, nơi mà nhiều doanh nghiệp viễn thông đã nhiều năm nghiên cứu mà vẫn chưa thực hiện được?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, người trực tiếp tham gia thi công, lắp đặt trạm phát sóng của Viettel tại Trường Sa.

Thưa ông, đâu là lý do Viettel quyết định lắp đặt dịch vụ viễn thông ở Trường Sa?

- Đây là dự án mà Viettel đã ấp ủ từ lâu. Từ đầu 2007, Viettel đã cử cán bộ ra khảo sát vị trí, điểm đặt các trạm BTS ở quần đảo Trường Sa. Với quyết tâm mang sóng điện thoại đến với các cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa và thực hiện chỉ đạo của ban giám đốc, Công ty Mạng lưới Viettel đã cử cán bộ ra khảo sát vị trí, điểm đặt các trạm BTS ở quần đảo Trường Sa.

Mục đích lắp đặt các trạm viễn thông tại Trường Sa là nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đồng thời phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa. Đây là những nỗ lực của Viettel nhằm đưa đảo và biển ngày càng gần đất liền, vừa trực tiếp góp phần phát triển kinh tế biển, vừa tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Ngoài dịch vụ di động ở Trường Sa, Viettel còn những dịch vụ và tiện ích gì nữa?

- Tại những điểm có sóng di động của Viettel ở Trường Sa đều có thể truy cập internet không dây với công nghệ Edge 2,75G.

Xuất phát từ đề nghị của Quân chủng Hải Quân và ý kiến của Bộ Thông tin & Truyền thông là làm thế nào để cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa được đọc báo một cách nhanh nhất và cập nhật các thông tin từ đất liền, nhưng phải kiểm soát được. Từ lý do đó, tháng 4-2010, Viettel đã đồng ý tài trợ 58 bộ máy tính, USB và sim nghiệp vụ cho bộ đội trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Bộ thiết bị này sẽ giúp cán bộ, chiến sỹ ở hai đơn vị trên đọc được 39 đầu báo điện tử và tạp chí theo thông tư số 24/TT của Bộ Quốc phòng.

Viettel đã lắp đặt được bao nhiêu trạm phát sóng di động, dùng công nghệ 2G hay 3G tại Trường Sa?

- Hiện tại ở Trường Sa, Viettel đã lắp đặt thành công trạm BTS tại 15/21 điểm đảo, trong đó có 9 đảo nổi, 6 đảo chìm. Tại khu nhà giàn DK1, Viettel có 8 trạm phát sóng trải dài ở 8 cụm nhà giàn. Ngoài ra, Viettel còn lắp thêm 1 trạm phát sóng nữa ở giàn khoan Mỏ Rồng.

Việc duy trì, bảo dưỡng và bảo vệ trạm phát sóng hiện nay được Viettel thực hiện như nào, thưa Phó giám đốc?

Hiện nay, Viettel đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam với bán kính cách đất liền từ 80-100km. Phạm vi phủ sóng của các trạm là cách các đảo 20km. Các trạm phát sóng ở Trường Sa được thiết kế theo mẫu riêng để phù hợp với điều kiện thời thời tiết ở Trường Sa. Cột được mạ kẽm, bổ sung thêm tầng dây co, dây níu để bảo đảm chống gió bão, ăn mòn của nước biển. 100% các trạm tại đây đều dùng điện máy nổ và pin năng lượng mặt trời.

Hai chi nhánh ở Vũng Tàu và Khánh Hòa, được giao nhiệm vụ theo dõi, đồng thời hướng dẫn, phối hợp với cán bộ, chiến sỹ trên đảo duy trì và bảo dưỡng các trạm phát sóng. Với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa,  mỗi năm Công ty Mạng lưới Viettel đều tổ chức bảo dưỡng tổng thể các trạm BTS.

Lưu lượng thoại của Viettel hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, nhân dân hay không, thưa ông?

- Viettel hoàn toàn đáp ứng được lưu lượng thoại ở các điểm đảo phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ. Tuy nhiên, khi có các đoàn công tác và kiểm tra ra, nhu cầu lượng thoại tăng cao thì có thể xảy ra hiện tượng nghẽn mạng cục bộ.

Việc triển khai, phối hợp với các đơn vị có thuận tiện không?

- Khâu chuẩn bị là mất thời gian nhất, từ sản xuất thiết bị, khảo sát được kiểm tra cẩn thận sau đó đóng gói các thiết bị, kết hợp với Hải Quân Vùng 4 để đưa thiết bị ra các điểm lắp đặt.

Về nhà trạm, Viettel phối hợp với cán bộ, chiến sỹ của các điểm đảo để xây dựng các nhà trạm và làm các móng cột. Thông thường khi có đầy đủ các thiết bị, việc lắp đặt một trạm BTS mất khoảng 5 ngày là hoàn thành xong.

Viettel đặc biệt cảm ơn cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân đã phối hợp và hỗ trợ Viettel trong việc đưa sóng viễn thông ra Trường Sa. Công việc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những người lính biển đã cùng chia sẻ những khó khăn với Viettel trong việc mang sóng di động đến các điểm đảo và nhà giàn thành công.

Dự kiến trong năm 2011, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng, triển khai lắp đặt trạm BTS tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và mộ số giàn khoan dầu khí.

Xin cám ơn ông!

Nguồn: Theo www.qdnd.vn