Việt Nam tiên phong sử dụng viễn thông làm từ thiện

Theo đánh giá của ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam thì Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có hình thức kêu gọi ủng hộ nhân đạo bằng cách nhắn tin.

img
Nhắn tin qua đầu số 1405 đã được nhiều đồng bào ủng hộ. (Ảnh: VTC News)

Chương trình nhắn tin “Chung sức vì đồng bào miền Trung” qua 45 ngày gây quỹ từ ngày 15/10/2010 đến ngày 30/11/2010 bằng dịch vụ nhắn tin qua cổng nhân đạo quốc gia 1400 đã có hơn 1,8 triệu tin nhắn ủng hộ với số tiền hơn 20,825  tỉ đồng. Những tin nhắn ủng hộ được gửi đến hai đầu số 1405 và 1409 tương ứng giá trị tin nhắn là 10 ngàn đồng và 18 ngàn đồng/tin.

Chương trình được phối hợp thực hiện giữa Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cùng Tổng Công ty Truyền thông Đa Phương tiện (VTC) và các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, Vinaphone…
Xung quanh ý tưởng nhắn tin ủng hộ nhân đạo được thực hiện qua cổng nhân đạo 1400 và việc ứng dụng nội công nghệ viễn thông và dung số trong hoạt động nhân đạo này, VTC News có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
img
ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam
 
 
- Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cùng Tổng công ty Truyền thông Đa Phương tiện (VTC) thực hiện chiến dịch “Chung sức vì đồng bào miền Trung”?
 
- Tại buổi lễ tổng kết thực hiện chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” vào tháng 5/2010,Thứ trưởng Bộ TT –TT Lê Nam Thắng có nói một ý mà chúng tôi nhớ mãi là làm thế nào để vận dụng CNTT - TT trong việc gây dựng và tạo nguồn lực thêm tiền để ủng hộ người nghèo.
Và khi thiên tai, bão lũ xảy ra vào tháng 10/2010, chúng tôi nghĩ đến những vấn đề Thứ trưởng Thắng nói nên sau đó, chúng tôi đã sang làm việc với Bộ TT-TT.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cũng hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này. Chúng tôi đã làm việc với Bộ TT-TT và VTC và được 2 đơn vị hết lòng ủng hộ. Sau đó, việc hợp tác này đã mang đến kết quả tốt đẹp là quyên góp được gần 21 tỉ đồng ủng hộ đồng bào khu vực bị lũ.
 
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của CNTT-TT hiện nay trong hoạt động nhân đạo?
 
- Theo tôi, vai trò của CNTT-TT trong hoạt động này rất quan trọng. Vì đây là phương tiện để mọi người dân ở bất kỳ đâu đều có thể tham gia.Người không giàu có vẫn có thể ủng hộ người không may mắn trong đợt lũ vừa qua tại miền Trung.
Thí dụ một người ở tp Hồ Chí Minh muốn ủng hộ 10 ngàn họ không thể bay ra Hà Nội để ủng hộ mà chỉ cần ngồi tại nhà nhắn tin ủng hộ.
Chúng tôi thấy CNTT-TT đây là phương tiện quan trọng. Nếu phát huy tốt thì chúng ta sẽ huy động được nguồn lực trong dân và công tác nhân đạo từ thiện thì sẽ tốt hơn.
Khi chúng tôi trao đổi với các bạn ở tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế và Trăng lưỡi liềm đỏ, họ đánh giá rất cao về hoạt động này. Họ cũng khẳng định việc sử dụng CNTT - TT trong việc gây quỹ thì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện và họ đánh giá cao.
Năm ngoái, khi xảy ra cơn bão số 9 và bão số 11 gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung và Tây Nguyên ,Hội chữ thập đỏ cũng ra lời kêu gọi trong nước và quốc tế. Nguồn ủng hộ từ quốc tế thì rất lớn với hơn 10 triệu USD nhưng trong nước chỉ được hơn 7 tỉ đồng.
Nhưng năm nay khi sử dụng CNTT – TT trong vận động quỹ thì tỉ suất đó thay đổi hoàn toàn vì nguồn trong nước nhiều hơn so với nguồn quốc tế. Từ quốc tế chúng tôi vận động được  khoảng trên 1 triệu USD, còn nguồn trong nước chỉ riêng chương trình nhắn tin “Chung sức vì đồng bào miền Trung” đã được hơn 20 tỉ chỉ trong vòng 1,5 tháng.
Như vậy nguồn lực ủng hộ của nhân dân trong nước rất lớn, chỉ có điều chúng ta có biết khơi dậy sức mạnh đó một cách hợp lý và bằng những phương tiện phù hợp.
 
- Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của chiến dịch nhắn tin này?
 
- Sau chương trình này, chúng ta đã thu được rất nhiều kết quả. Thứ nhất là đem lại một nguồn lực to lớn cho hoạt động nhân đạo. Mà đây là hoạt động cứu trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng đợt lũ bão vừa qua. Thứ 2 chương trình có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thông qua kết quả chương trình này có thể thấy sự chia sẻ của đồng bào trên cả nước. Thứ 3, qua hoạt động này, Hội chữ thập đỏ đã có được kinh nghiệm trong việc vận động nguồn lực vật chất cho người gặp khó khăn. Thứ 4, thông qua cổng 1400, Bộ TT-TT, VTC cùng các công ty viễn thông Viettel, MobiFone, Vinaphone…đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo.
 
- Những người nhắn tin ủng hộ rất quan tâm là những người nào sẽ nhận được số tiền này cũng như có tiêu chí nào để xác định đúng người được nhận tiền cứu trợ không, thưa ông?
 
- Khi chúng tôi nhận được tiền thì theo quy trình của Hội chữ thập đỏ Việt Nam là công khai, dân chủ từ khâu bình xét địa bàn, đối tượng hưởng lợi đến công khai dân  chủ trong việc mua sắm hàng hóa và chuyển đến bà con. Sau mỗi hoạt động, Hội chữ thập đỏ VN công khai minh bạch số tiền đó đi đến đâu với bao nhiêu đối tượng và địa bàn nào qua các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan địa phương hoàn toàn có thể kiểm chứng được.
Danh sách lập nên được gửi từ địa phương. Riêng với gạo thì chúng tôi kiểm tra từ khâu đấu thầu khi đóng vào bao. Khi cấp phát, chúng tôi kiểm tra lần nữa.
Ngoài ra, bên Hội chữ thập đỏ còn tổ chức đoàn đi kiểm tra xem đối tượng được hỗ trợ có đúng không.  Số lượng và khối lượng đồ cấp phát có chính xác không?
 
- Việc phối hợp để làm chiến dịch này, phía Hội chữ thập đỏ Việt Nam có gặp khó khăn gì không?
 
- Trong quá trình làm việc, chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì mà còn nhận được những nhiều sáng kiến làm thế nào để tổ chức chiến dịch có hiệu quả hơn.
Chương trình này rất được quan tâm, từ Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đến các  Thứ trưởng  vì đều coi đây là trách nhiệm của Bộ TT-TT. Thấy tinh thần đó tôi thực sự xúc động. Với VTC, đặc biệt là các anh chị làm việc tại VTC Intecom và VTC14 đều cố gắng làm hết sức mình.
Nếu chúng ta chỉ nói mà không truyền bá được thì chương trình không thể quảng bá và không thể có được kết quả như hôm nay. Việc phối hợp với các đơn vị viễn thông nhịp nhàng, cán bộ củaVTC Intecom thông báo với tôi là chỉ bằng những cú điện thoại thì việc đối soát đều được tiến hành nhanh.
 
- Về hoạt động nhắn tin ủng hộ nhân đao, Thứ trưởng Lê Nam Thắng có nói cần có kế hoạch dài hơi, vậy phía Hội chữ thập đỏ Việt Nam có kế hoạch gì để phối hợp với cổng thông tin 1400 trong hoạt động nhân đạo thưa ông?
 
- Chúng ta không mong bão lũ xảy ra nhưng chúng ta cần nguồn vật lực thường xuyên để giúp đỡ người nghèo. Nếu chúng ta không trợ giúp thường xuyên thì họ còn nghèo.
Vì vậy, Hội chữ thập đỏ Việt Nam muốn phát triển “Ngân hàng bò” để có thể giúp đỡ người nghèo một cách bền vững chứ không đơn giản là tặng họ một khoản tiền và cấp cho họ ít gạo rồi mình đi. Như vậy thì sau đó thì họ vẫn cứ nghèo. Có ngân hàng bò thì những người nghèo nhất sẽ được nhận con bò từ đó họ phát triển thêm kinh tế gia đình.
 
- Vậy qua hoạt động này, Hội có rút ra kinh nghiệm gì trong việc phối hợp với các đơn vị để nhắn tin qua cổng thông tin 1400?
 
- Qua hợp tác này, chúng tôi có kinh nghiệm trong việc xây dựng, tổ chức nguồn lực trong vận dụng gây quỹ nhân đạo, kinh nghiệm trong phát triển đối tác. Chúng tôi quan niệm hoạt động nhân đạo không phải chỉ của riêng Hội chữ thập đỏ Việt Nam mà còn là hoạt động của mọi tổ chức, mọi cá nhân.
Thông qua chiến dịch nhắn tin này, mối quan hệ đối  tác của Hội tốt hơn và nhiều người hiểu hơn về Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo. Và khi họ đã hiểu và đã tin thì  chắc chắn họ sẽ cùng chúng tôi tham gia tổ chức vận động gây quỹ.

-Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Theo VTCNews