Đối thoại trực tiếp và trực tuyến: Chúng tôi yêu Hà Nội

Buổi đối thoại trực tiếp trên truyền hình, trực tuyến trên internet với chủ đề "Chúng tôi yêu Hà Nội" đã bắt đầu từ 9h sáng nay, thực hiện bởi Kênh VTC2 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, phối hợp với Báo điện tử VTC News và một số báo, trang tin điện tử mic.gov.vn.

img
Nhà báo Nguyễn Thu Thủy (phải) và anh Nguyễn Hoàng Anh (giữa) đang đối thoại với khán giả tại trường quay S4 Đài Truyền hình KTS VTC (Ảnh: Phạm Thịnh). 

"Chúng tôi yêu Hà Nội" không phải chỉ là cảm xúc mà còn bằng cả hành động và việc làm. Đó là tình yêu được chắp cánh bởi những ý tưởng sáng tạo và thể hiện dưới ánh sáng của công nghệ.

Buổi đối thoại đang được tường thuật trực tiếp trên Kênh VTC2 và kênh truyền hình độ nét cao VTC-HD9, đúng trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, chương trình cũng được tường thuật trực tuyến trên các Báo điện tử VTC News, VietNamNet, VnMedia và trang tin điện tử ICT News của Báo Bưu điện Việt Nam, trang tin MIC.gov.vn của Bộ TT&TT.

Đã có rất nhiều những công trình, dự án hướng về Hà Nội của những con người trẻ tuổi. Đã có dự án phim 3D về HN, phục dựng phố cổ, tái hiện di sản kiến trúc Pháp ở HN bằng công nghệ 3D, xây dựng Bảo tàng 3D về Hoàng thành Thăng Long của nhóm 3D HN. Đã có ý tưởng dựng lại cầu Long Biên bằng ánh sáng Laser của một nhóm sinh viên kiến trúc. Đã có một dự án phim ngắn “HN em yêu anh” của những bạn trẻ yêu HN… Đã có rất nhiều những công trình, ý tưởng như thế, khiến mỗi chúng ta không khỏi nức lòng trước tình cảm của tuổi trẻ hôm nay dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến...

Những vị khách mời tham gia chương trình đều có một điểm chung là tình yêu sâu sắc của họ dành cho Hà Nội và có những hành động rất ý nghĩa hướng về Đại lễ 1000 năm.

Đó là nhà báo Nguyễn Thu Thủy, người đã rất thành công với dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng, lập nên kỷ lục Guiness Thế giới, chị cũng là tác giả ý tưởng của dự án phim 3D “Thăng Long - Thành phố rồng bay”. Đó là một dự án phim khoa học nghệ thuật dài 45 phút tái hiện lịch sử và kiến trúc HN bằng công nghệ 3D.

Đó là anh Nguyễn Hoàng Anh - quản trị website 36pho.vn, một website rất hữu ích và thú vị về HN, nơi người dùng không chỉ tra cứu được mọi thông tin về HN mà còn đóng góp những kiến thức,hiểu biết mới về HN… Là ngài Mark Kent - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam, một người đã gắn bó với HN nhiều năm và có tình cảm sâu nặng với HN qua những trang viết trên blog bằng tiếng Việt.

Còn rất nhiều, rất nhiều những con người trẻ tuổi khác, với những dự án, công trình và ý tưởng khác hướng về HN, tôn vinh và làm đẹp hơn cho HN. Ở họ ngoài sức trẻ và sự nhiệt huyết trong trái tim còn có sự năng động, sáng tạo, biết ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học để thắp sáng hơn cho tình yêu đối với thành phố ngàn năm tuổi. Và trong số đó, tiêu biểu có 3 vị khách mời của chúng ta.

Độc giả quan tâm có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho 3 vị khách mời qua email toasoan@vtc.vn:

1. Nhà báo Nguyễn Thu Thủy, tác giả “con đường gốm sứ” và kịch bản phim 3D “Thăng Long thành phố rồng bay”.

2. Ngài Mark Kent, Đại sứ Anh tại Việt Nam, nhà ngoại giao viết blog bằng tiếng Việt.

3. Anh Nguyễn Hoàng Anh, admin của website 36pho.vn, một cuốn bách khoa toàn thư, kho tư liệu mở về Hà Nội.

Nội dung giao lưu

- Chúng ta đang ở trong những ngày tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là một thời điểm lịch sử không những của thủ đô mà là của cả dân tộc. Nhà báo Thu Thủy, chị cảm nhận thế nào về Hà Nội như thế nào trong những này?

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy: Những người dân Hà Nội và nhân dân cả nước đã mong đợi 1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ rất lâu rồi. Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc thật khó tả. Tình yêu, cảm xúc tự hào trào dâng... thật khó nói cảm xúc. Đẹp quá Hà Nội ơi, Hà Nội linh thiêng hội tụ toả sáng dân tộc, tự hào!

- Còn anh Hoàng Anh, chắc hẳn một admin thì sẽ có cảm nhận về Hà Nội theo cách hoàn toàn khác?

Anh Hoàng Anh: Tôi may mắn được sống trong phố cổ, được chứng kiến những thay đổi rõ nhất của Thủ đô. Tôi hạnh phúc vì mình cũng đang được hưởng những giây phút linh thiêng đang diễn ra tại Hà Nội.

- Câu hỏi của độc giả Lê Quỳnh Mai ở địa chỉ email maiquynh691@yahoo.com gửi cho nhà báo Nguyễn Thu Thủy. Chào bạn Thủy, tôi tò mò muốn biết đôi chút về bộ phim Thăng Long Thành phố rồng bay. Tại sao đó lại là phim 3D mà không phải là một bộ phim điện ảnh truyền thống. Tôi được biết là làm phim 3D rất khó, nhất là với điều kiện công nghệ ở Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy: Để hoàn thiện bộ phim 3D về Thăng Long Hà Nôi, chúng tôi làm việc theo môt êkip rất chuyên nghiệp. Bản thân tôi là phóng viên viết văn hoá báo Hà Nội mới, khi biết được những thông tin xong quanh việc phát lộ thành cổ năm 2003, tôi đã nung nấu ý tưởng tái hiện nét đẹp Kinh thành Thăng Long, từ những hiện vật thu thập được. Và tôi nghĩ, chỉ có công nghệ 3D mới có thể tái hiện được quy mô hoành tráng cua Hoàng Thành, từ nét đẹp kiến trúc đến hình ảnh.

img

- Viết kịch bản cho phim 3D thì có gì khác với kịch bản cho phim bình thường? Đó là câu hỏi của độc giả Nguyễn Vũ Quang gửi về cho báo điện tử VTC News. Một độc giả khác cũng có câu hỏi tương tự, đó là độc giả Nguyễn Minh Hằng ở Cần Thơ: Để biến những tư liệu trên giấy thành một bộ phim với hình ảnh chân thật, sống đống, tái hiện được đầy đủ và chi tiết thì có khó không chị Thủy ơi?

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy: Khi bắt tay viết kịch bản cho phim 3D, tôi nghĩ đến kỹ thuật làm phim của kênh Discovery. Những hình ảnh bộ phim 3D tái hiện hình ảnh tưởng tượng của Thăng Long Hà Nội, dựa trên lịch sử và sự tư vấn của các nhà khoa học. Tôi muốn phục dựng lại những hình ảnh của Thăng Long, Hà Nội với một quy mô, kiến trúc hoàn chỉnh.

Còn về ý tưởng "Con đường gốm sứ", tôi dùng công nghệ Photoshop và kỹ xảo 3D để tái hiện những hình ảnh đẹp bên bờ sông Hồng. Tại một cuộc triển lãm năm 2007, những hình ảnh đầu tiên về con đường gốm sứ, tôi đã sử dụng hình ảnh 3D.

- Với một bộ phim 3D về Hà Nội - nhiều người đánh giá rằng đó là một ý tưởng táo bạo. Cũng tương tự như thế, nhiều người nhìn nhận, một website lưu giữ các khoảnh khắc của Hà Nội nghìn năm là điều hết sức ý nghĩa. Anh Hoàng Anh, tại sao tên miền của website này lại là 36pho.vn. Phải chăng, phố cổ Hà Nội có cái gì đó thực sự gắn bó với những kỷ niệm của anh?

Anh Hoàng Anh: Tôi may mắn có được một tuổi thơ rất đẹp. Đó là từ khi còn bé, ông nội tôi đã cho tôi thăm các con phố cổ và ông đã giới hiệu cho tôi nghe về lịch sử hình thành cũng như ý nghĩa của từng con phố. Với những gì tôi thu nhận được từ ông nội và những kỷ niệm về Hà Nội của riêng tôi, tôi đã quyết định chọn "36 Phố" là tên Website của mình. Đây cũng là cụm từ dễ nhớ nhất cũng như nói đến Hà Nội mọi người sẽ nói đến 36 phố.

Ngoài ra chúng tôi tận dụng lợi thế của CNTT để xây dựng 36 phố là từ điểm mở về Hà Nội, điều đó rất cần sự đóng góp của mọi người, giống như từ điển mở Wikipedia đã thành công nhờ sự đóng góp của mọi người trên thế giới.

- Một số tờ báo ví website 36pho.vn của anh giống như một bức bách khoa toàn thư mở về Hà Nội. Tôi cho rằng đó là một cách ví von, cũng có thể là một tham vọng. Nhưng thực tế, xây dựng cuốn bách khoa toàn thư trên mạng là một khối lượng công việc quá lớn. Một mình anh liệu có kham nổi công việc này? Câu hỏi này của độc giả Phùng Khắc Lợi ở Ngọc Hiển, Cà Mau gửi tới chương trình.

img

Anh Hoàng Anh: Trong công việc, tôi được tiếp xúc với CNTT cùng với sự giúp đỡ của một số người am hiểu về Hà Nội nên tôi đã nảy sinh ý tưởng làm trang CNTT về Hà Nội. Năm 2007, tôi có một số thay đổi đó là công ty nơi tôi làm chuyển văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh cùng thời điểm đó tôi lập gia đình, nên tôi đã rời công việc để thực hiện những ý tưởng của riêng mình, đó là websie 36pho.vn với mong muốn quảng bá văn hóa Hà Nội đến với công chúng.

- Bất kỳ một ý tưởng, một dự án hay một việc lớn nào đó thì sẽ luôn khởi đầu với những khó khăn. Điều này cũng được cha ông ta đúc kết bằng câu nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Nhà báo Thu Thủy, bộ phim 3D của chị có “Vạn sự khởi đầu nan” hay không?

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy: Đúng như bạn nói, điều gì khởi đầu cũng gian nan, vất vả. Với bộ phim 3D của mình, thì do đất nước ta từng trải qua chiến tranh, tư liệu lịch sử còn lại không nhiều, nhất là về mặt vật thể, nên chúng tôi phải tìm tòi nghiên cứu rất nhiều qua sách vở. Đặc biệt, chúng tôi may mắn đuợc Giáo sư Phan Huy Lê cùng các thành viên khảo cổ học cung cấp, giúp đỡ rất nhiều thông tin. Tôi vô cùng xúc động vì sự nhiệt tình hết lòng của mọi người, những người yêu Hà Nội.

- Một bộ phim 3D về Hà Nội. Một cuốn bách khoa toàn thư mở online về Hà Nội. Đó là cách thể hiện tình yêu thủ đô nghìn năm văn hiến của những người Việt trẻ. Ông Mark Kent, ông có cảm nhận như thế nào về tình cảm đặc biệt này?

Ông Mark Kent: Xin chào tất cả các bạn, rất xin lỗi các bạn vì tôi vừa tham dự giải chạy báo Hà Nội Mới và vào ngay cuộc giao lưu trực tuyến này nên trang phục của tôi là đồ thể thao.

Quay lại câu hỏi của nhà báo, tôi rất ấn tượng vì thế hệ trẻ Hà Nội. Các bạn đang hào hứng tham ra rất nhiều hoạt động như bảo vệ môi trường cũng như các sự kiện thể thao văn hóa.

- Cháu đang bắt đầu những bài học đầu tiên với thầy Alex, con trai của ngài đại sứ, hiện đang dạy tiếng Anh và học tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại thương. Khá thú vị. Cháu cũng được biết, ông đã bắt đầu viết blog tiếng Việt được hơn hai năm. Chắc hẳn là rất yêu Việt Nam và gắn bó với Hà Nội mới có những quyết định như thế. Và sau hơn 2 năm viết blog tiếng Việt, điều ông thu lượm lớn nhất từ việc viết blog, giao lưu thảo luận với những bạn trẻ Việt là gì? Câu hỏi của độc giả Nguyễn Ngọc Minh, hiện đang là sinh viên tại Đại học Ngoại thương.

img

Ông Mark Kent: Trước hết, tôi rất vui vì con trai tôi là Alex đang học tiếng Việt và dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại thương. Tôi rất thích viết blog vì tôi có thể liên lạc và đối thoại với các bạn Việt Nam. Tôi có thể học về văn hóa Việt Nam cũng như trao đổi ý tưởng và ý kiến với các bạn Việt Nam. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng và rất tốt.

- Bạn Hương Giang ở Đà Nẵng có một câu hỏi khá thú vị với ngài đại sứ. Tôi vừa đọc bài viết “Sắp hết rồi”, bài viết kể về việc chấm dứt nhiệm kỳ, chia tay với Việt Nam của ngài đại sứ. Tháng 11 là thời điểm kết thúc chính thức, vậy “sắp hết rồi” có đồng nghĩa với việc “sắp đóng cửa” trang blog bằng tiếng Việt này của ông không? Ông Mark Kent, nếu đưa lên mạng một bài viết về Hà Nội trước thời điểm chia tay, ông sẽ viết điều gì?

Ông Mark Kent: “Sắp hết rồi” nhưng mà “chưa hết” (cười). Tôi sẽ xa Việt Nam vào tháng 11  tới. Tôi rất tiếc vì điều này. Việt Nam là đất nước tuyệt vời và Hà Nội là thành phố rất tuyệt vời. Tôi rất vui vì những  ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi đã có mặt tại đây.

Blog của tôi là blog của đại sứ Anh tại Hà Nội, khi tôi không là đại sứ tại Việt Nam thì sẽ có đại sứ Anh khác. Và  thời gian tới, tôi hy vọng sẽ không nói chia tay mãi mãi mà sẽ chỉ là lời tạm biệt.

- Câu hỏi của độc giả Trần Văn Tuấn ở Đông Triều, Quảng Ninh. 36pho.vn có điểm gì khác biệt so với các website khác về Hà Nội?

Anh Hoàng Anh: Tôi cân nhắc rất kỹ để từ khi xây dựng ý tưởng cho đến khi công bố với mong muốn mọi người dễ hiểu về Hà Nội qua những thông tin được chúng tôi cập nhật, cũng như của độc giả đóng góp cho chúng tôi, từ các mạng xã hội, đặc biệt là những bộ phim do chính 36pho.vn thực hiện. Ngay sáng nay tôi vào mạng 36pho.vn thống kê đã có 11.000 độc giả đóng góp cho chúng tôi về những thông tin về Hà Nội.

- Câu hỏi của anh Phan Hữu Quỳnh, hiện đang công tác tại Đà Nẵng, gửi đến ông Mark Kent: Trên nhiều tờ báo, tôi thấy ông có nhắc tới ngoại giao kỹ thuật số. Tôi không rõ lắm ngoại giao kỹ thuật số là gì? Và tôi muốn hỏi thêm là Nếu người Việt muốn đưa văn hóa Hà Nội ra toàn thế giới bằng ngoại giao kỹ thuật số thì theo ông, chúng tôi phải làm những gì?

Ông Mark Kent: Tôi nghĩ ngoại giao kỹ thuật số là ngoại giao hiện đại. Tôi dùng ngoại giao kỹ thuật số để liên lạc với các bạn ở Việt Nam để nói về các vấn đề thế giới, các chính sách của chính phủ. Và các bạn Việt Nam có thể dùng ngoại giao kỹ thuật số để giới thiệu với thế giới về Việt Nam để thúc đẩy hợp tác về du lịch, văn hóa…

Tôi nghĩ là nên luôn luôn phải dùng công nghệ mới và tôi rất ấn tượng với website 36pho.vn và facebook. Chúng rất quan trọng cho tương lai của đất nước.

- Câu hỏi của của bạn Lê Quý Đông ở địa chỉ email donglq1@gmail.com: Nếu bộ phim Thăng Long thành phố rồng bay không được người xem đánh giá cao thì chị Thủy nghĩ thế nào? Chị có dự định làm tiếp một điều gì đó cho Hà Nội nữa không?

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy: Đầu tiên, chúng tôi vui rất tự hào vì đã hoàn thành được dự định đặt ra là đóng góp cho đại lễ kỷ niệm Thủ đô nghìn năm tuổi. Quá trình thực hiện bộ phim 3D tương đối ngắn, chừng một năm rưỡi, bắt đầu từ năm 2009. Kết quả được như vậy phải nói là rất hài lòng. Tuy nhiên, có một chút chưa được hoàn hảo, ở đoạn phim về thành phố hiện đại vì chúng tôi quá tập trung vào công nghệ 3D.

- Thưa chị Thủy, vai trò công nghệ thông tin trong việc hoàn thành dự án của mình?

Nhà báo Nguyễn Thu Thuỷ: Thật khó tưởng tượng trong cuộc sống hiện tại thiếu đi máy tính, điện thoại, internet. Ngay cả những người làm trong nghệ thuật như tôi cũng sử dụng rất nhiều công nghệ. Con đường gốm sứ hoàn thành sớm như vậy chính là nhờ công nghệ. Bạn thử tưởng tượng xem, nếu sửa 50m bản thảo bằng tay sẽ rất mất thời gian, còn xử lý trên máy tính sẽ rất nhanh. Hoặc, khi chúng tôi có một ý tưởng mới, hay xem trên máy tính sẽ thấy ngay được tính khả thi của nó.

Nguồn: nguồn VTC.vn