Chuyện về người "nối sóng" Bắc-Nam trong cuộc chiến giành độc lập

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng Tư lịch sử, trong ngôi nhà ở quận 2, ông Sáu Đại (tên thật là Nguyễn Thành Danh) say mê kể về cuộc đời công tác thông tin liên lạc thời chiến với người khách lạ nói giọng Bắc.

img

 Ông Sáu Đại (trái) ôn lại lịch sử với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. (Nguồn: VNPT TP.HCM)

Ký ức ùa về, những mạch chuyện cứ nối nhau không dứt, cho dù người kể đã ở độ tuổi hơn 87 mùa xuân…
 
Làm “hầm” trong… cây rơm
 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), ông nội nuôi cán bộ Việt Minh, bố từng là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Mỹ Tho; ngay từ nhỏ, Sáu Đại đã sớm có tinh thần yêu nước. 
 
Ngày ấy, có một nhà cách mạng nổi tiếng là ông Nguyễn Văn Côn (còn gọi là Chín Côn - nguyên Bí thư An Nam Cộng sản Đảng ở Gò Công, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công năm 1945; Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV và khóa V) bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Sau đó, địch quản thúc ông Chín Côn tại Gò Công.
 
Để giúp ông Chín Côn sinh sống, bố của ông Sáu Đại đã vận động học sinh đến nhà Chín Côn ở và Sáu Đại cũng nằm trong số các học sinh này.
 
Dù bị địch quản thúc, song ông Chín Côn vẫn tiếp tục hoạt động, nhờ đó, Sáu Đại đã được giác ngộ cách mạng. Một thời gian sau, ông Chín Côn gọi Sáu Đại và giao nhiệm vụ đi học để về xây dựng đài vô tuyến điện, giúp việc thông tin liên lạc được dễ dàng.
 
Tới năm 1954, Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Sáu Đại ở lại phụ trách đài bí mật của Xứ ủy Nam Bộ. Hoạt động trong lòng địch khó khăn, lại không có tập thể để dựa lưng, ban ngày Sáu Đại cùng anh em phải ở hầm, ban đêm mới làm việc (tại Chợ Gạo, Tiền Giang). Thậm chí, đài phải di chuyển nhiều nơi để tránh tai mắt của địch.
 
Thời gian này có nhiều lần tưởng đã nằm trong tay địch, thế nhưng nhờ sự cưu mang của bà con và mưu trí, ông Sáu Đại không bị rơi vào tay kẻ thù.
 
Ngày ấy, máy móc thiếu thốn đòi hỏi phải giăng anten cao thì mới liên lạc được, trong khi Đài vô tuyến ông Sáu Đại phụ trách chỉ cách bốt địch vài km. Bởi thế, ông Sáu Đại nghĩ cách “làm hầm” trong cây rơm lớn để giấu anten, quanh nhà có hàng rào tre để tạm ngăn địch, nuôi ngỗng, chó để “cảnh giới”… Tới 8 giờ tối, ông lại lôi anten từ trong cây rơm rồi lắp vào cây sào, giăng lên để làm việc.
 
img
 
Những cán bộ thông tin liên lạc phải để thiết bị dưới hầm làm việc. (Ảnh: VNPT TP.HCM)
 
Đi bộ trên… cây
 
Ba năm sau, Sáu Đại bị bệnh, Xứ ủy Nam Kỳ chỉ chị đưa ông sang Campuchia chữa trị. Sau ba tháng, ông đã đòi về đài làm việc. Khi đó, đài đã về Châu Thành (Tây Ninh), đặt trong rừng mây để tránh sự nhòm ngó của người lạ. Mỗi lần ra vào, những người làm thông tin liên lạc phải… đi trên cành cây một đoạn xa rồi mới dám xuống đất đi bộ bằng đường mòn…
 
Tới năm 1960, Xứ ủy chuyển về Tây Ninh, đài cũng chuyển về cạnh văn phòng Xử ủy. Thế nhưng chẳng bao lâu, địch mở con đường Trần Lệ Xuân nên Xứ ủy phải dời về Đồng Nai và bắt đầu lo phát triển ngành thông tin liên lạc bằng việc mở trường đào tạo. Ông Sáu Đại khi đó ở lại phụ trách trường.
 
“Lúc ấy, anh em học sinh tự chặt cây bện lại làm bàn, hái lá trung quân làm nhà, mắc võng để ở, thiết bị máy móc, học cụ phải mua từ Campuchia gửi về. Học sinh vừa lo học, vừa lo sống nhưng không ai có ý định chùn bước,” ông Sáu Đại nhớ lại.
 
Tới tháng 10/1961, Trung ương Cục Miền Nam được. Ban Thông tin liên lạc Trung ương cục (thường gọi tắt là Ban Thông tin R) được thành lập với bốn người phụ trách hai đài. Ông Sáu Đại trở thành Trưởng ban đầu tiên.
 
Ban Thông tin R có nhiệm vụ tổ chức cụm đài thông tin phục vụ Trung ương cục, chỉ đạo xây dựng mạng lưới thông tin toàn miền Nam, đào tạo cán bộ nghiệp vụ, cung cấp trang thiết bị, thông tin cho các chiến trường. 
 
Lúc đầu, hai cụm đài chỉ mới có hai bộ máy thu phát 15w sử dụng nguồn điện ragonot, hoạt động thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Máy móc điện đài được sử dụng lâu ngày nên rất cũ kỹ. Do đó, cán bộ nghiệp vụ làm việc phải hết sức cố gắng, có tinh thần trách nhiệm cao mới đảm bảo giữ thông tin liên lạc với Trung ương và các khu toàn Miền.
 
Vừa làm việc, các cán bộ thông tin liên lạc vừa phải chiến đấu trước những toán biệt kích hay những trận bom B52 của kẻ thù. Ông Sáu Đại nhớ như in những lần vừa xuống hầm thì trận bom đạn của địch rải tới tàn sát. Thế nhưng, dù vất vả, gian khổ và nguy hiểm tới đâu, những người làm thông tin vẫn quyết bám trụ chiến trường, sáng tạo để bảo đảm mạch máu thông tin được xuyên suốt.
 
img
 
Dù gian khó đến mấy, những "chiến sĩ" trên mặt trận thông tin liên lạc vẫn giữ vững vị trí, nối liền huyết mạch thông tin phục vụ chiến đấu. (Nguồn: VNPT TP.HCM)
 
Ông Sáu Đại nhớ như in khi nhận được bức điện vào ngày 30/4/1975 của đồng chí Võ Văn Kiệt báo cáo với Trung ương Cục tin chiến thắng. Lúc ấy, tất cả mọi người reo hò, ôm chầm lấy nhau vì sung sướng.
 
Kể đến đây, trên khuôn mặt hằn lên vết thời gian của ông Sáu Đại tươi sáng lạ thường. Theo ông, dù biết trận này ta sẽ chiến thắng, nhưng ở thời khắc quan trọng của cả dân tộc ấy thì mỗi người đều có một niềm vui khôn tả. Sau những năm dài trường kỳ kháng chiến, non sông đã về một mối, đất nước được nối liền Nam-Bắc.
 
Chia tay tôi, ông Sáu Đại bảo chỉ mong những thế hệ sau này biết và kế thừa truyền thống dũng cảm của cha ông để viết tiếp nên những trang sử mới trong thời bình, đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước./.