Giám sát, phản biện giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đề nghị báo chí tập trung giám sát và phản biện xã hội đối với các hoạt động cải cách hành chính, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

img

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều 2/3 tại Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong phiên họp Chính phủ ngày 24/2 và 2/3, Chính phủ đánh giá cao vai trò của báo chí trong thời gian qua, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
 
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2015, báo chí đã đồng hành, góp phần tuyên truyền những giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong dịp Tết vừa qua, báo chí đã đem đến cho người dân những món ăn tinh thần rất đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức thông tin, góp phần mang lại một cái Tết thật đầm ấm, vui vẻ, lành mạnh, thực hành tiết kiệm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
 
Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong phiên họp ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần đẩy mạnh thông tin về những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015 cũng như Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, vượt qua khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong điều kiện hiện nay.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở báo chí cần thực hiện tốt chức năng của mình là giám sát và phản biện xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương báo chí trong thời gian qua đã làm tốt chức năng này. 
 
Ví dụ như báo chí đã làm tốt công tác phản biện xã hội qua việc đưa thông tin về một số doanh nghiệp bán sữa với mức giá quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Điều này đã góp phần làm bình ổn giá sữa, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
 
Khi giá xăng đã giảm nhiều lần nhưng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông vẫn chần chừ trong việc giảm giá hoặc có mức giảm không đáng kể, báo chí đã đấu tranh, góp phần phản biện xã hội về vấn đề này, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
 
Thủ tướng đề nghị ngoài những lĩnh vực trên, báo chí cần tiếp tục vai trò phản biện và giám sát xã hội cùng với MTTQ, các đoàn thể đối với các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện cải cách hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Báo chí cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội nhất là trong những lĩnh vực mà các cơ quan Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính, để làm sao chúng ta có một nền hành chính lành mạnh hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn nữa. Điều này sẽ làm tăng sức cạnh tranh của Nhà nước, doanh nghiệp mà rộng hơn là của đất nước chúng ta.
 
Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của báo chí khi đã "đồng thanh" lên tiếng phản đối các hiện tượng không bình thường trong các lễ hội, để tạo nên những lễ hội thực sự văn hóa.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, lễ hội là cầu nối của lịch sử, của quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhưng cầu nối đó cần đem lại cho người dân, cho đất nước những giá trị đáng trân trọng, những gì là tinh hoa. Còn những gì là hủ tục, lạc hậu thì báo chí cần giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu để thay đổi.
 
Tuy vậy, việc đưa thông tin về các hủ tục cũng cần ở mức độ và cách tiếp cận đủ để phản ánh nhưng cũng phải giúp cho xã hội thấy rằng việc tổ chức lễ hội là cần thiết. "Điều quan trọng là khâu tổ chức lẫn người tham gia phải có văn hóa, để hướng tới một xã hội lành mạnh, văn minh hơn", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói.
Nguồn: Theo Cổng TTĐT Chính phủ