Người dân được hưởng lợi từ số hóa truyền hình

Người dùng sẽ có thể xem các chương trình truyền hình số với nội dung phong phú hơn, chất lượng cao hơn trong khi giá thành tivi vẫn giữ nguyên, thậm chí là được ưu đãi từ nhà sản xuất, sau khi Đề án số hóa truyền hình chính thức được triển khai.

img

Ảnh minh họa

Không thể không số hóa
 
Để có thể triển khai số hóa thành công thì một yêu cầu quan trọng đặt ra là người dùng phải thực sự hiểu được những lợi ích mà công nghệ này mang lại, để sự chuyển đổi trở thành "tự thân" chứ không phải "do bị ép".
 
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay, tài nguyên tần số vô tuyến điện của Việt Nam đã gần cạn kiệt.  Đã xảy ra hiện tượng trùng tần số giữa một số kênh truyền hình địa phương trong thời gian qua, khiến cho chương trình bị gián đoạn, gây bức xúc cho khán giả. Hơn nữa, chất lượng hình ảnh của truyền hình tương tự (analog) - một công nghệ đã có tuổi đời hơn 60 năm chắc chắn không thể so sánh với truyền hình số, nhất là với những kênh truyền hình nước ngoài đã phát sóng FullHD.
 
"Số hóa truyền hình mặt đất sẽ giúp truyền tải chương trình truyền hình với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD và 3D (ba chiều), giúp Việt Nam tối ưu hóa hiệu quả sử dụng băng tần. Nếu như với truyền hình analog, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình thì truyền hình số DVB-T2 cho phép một kênh tần số phát được tới 20 chương trình", ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) so sánh.
 
Bên cạnh đó, với việc các nước phát triển trên thế giới đều đã chuyển sang phát sóng số thì số lượng kênh chương trình analog còn lại không nhiều, nội dung không được đầu tư mạnh nên cũng kém đa dạng, đặc sắc.
 
Còn xét từ góc độ phần cứng, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc tivi được tích hợp sẵn DVB-T2 sẽ giúp người dân tiết kiệm được chi phí khi sắm sửa, bởi thay vì phải đầu tư cho cả tivi lẫn đầu thu DVB-T2 một cách riêng rẽ, giờ đây họ sẽ chỉ phải mua một sản phẩm duy nhất. Họ cũng sẽ không phải sử dụng nhiều loại điều khiển như trước. 
 
Từ góc độ nhà đài, đại diện VTC cũng đồng tình rằng "số hóa là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích khi thúc đẩy truyền hình trong nước phát triển theo xu hướng thế giới" và "người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên, khi được thụ hưởng nhiều kênh chương trình và chất lượng dịch vụ cao hơn, công nghệ mới hơn".
 
Chống "sốc" bằng lộ trình
 
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số là một quá trình phức tạp, có tác động xã hội rất lớn, liên quan đến hàng chục triệu hộ đang dùng truyền hình tại Việt Nam. Quá trình đó đòi hỏi nhiều thời gian và sự phối hợp đồng thuận của tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, nhà đài, các hãng sản xuất tivi cho tới bản thân người dùng. Và tất nhiên, một đề án dài hơi, có quy mô quan trọng như vậy cần phải được triển khai theo đúng lộ trình để đạt được hiệu quả khả thi cao.
 
"Số lượng người dùng truyền hình ở Việt Nam hiện còn đông hơn cả số người dùng dịch vụ viễn thông", ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.  Theo Sách trắng của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện 22 triệu hộ gia đình có tivi, trong đó có 2,6 triệu hộ dùng truyền hình cáp và 3,3 triệu hộ dùng truyền hình qua vệ tinh; còn lại 12,5 triệu hộ dùng truyền hình analog và 3,5 triệu hộ đang dùng đầu thu mặt đất DVB-T (là chuẩn công nghệ cũ), chủ yếu tập trung ở nông thôn, miền núi. Một khi chuyển sang số hóa, 16 triệu hộ nói trên sẽ không thể thu hình được. Ngược lại, các hộ gia đình đang xem truyền hình trả tiền sẽ không chịu ảnh hưởng nào cả, ông Hoan khẳng định. 
 
Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình số hóa truyền hình ở Việt Nam sẽ trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn 1: 5 thành phố Trung ương gồm Hà Nội (cũ), Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ phải chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số mặt đất hoàn toàn vào năm 2015; Giai đoạn 2: Năm 2016, 26 tỉnh thành trong đó có Hà Nội (mở rộng), Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, sẽ chuyển đổi hoàn toàn; Giai đoạn 3: Năm 2018, 18 tỉnh tiếp theo sẽ chuyển đổi hoàn toàn; cuối cùng là giai đoạn 4 - năm 2020, 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên sẽ chuyển đổi, tiến tới cả nước dùng truyền hình số mặt đất.
 
Một nguyên tắc quan trọng trong lộ trình số hóa là việc thành lập các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số, ở cả hai quy mô là toàn quốc và khu vực. Tuy nhiên, trong khi đã có 3 doanh nghiệp cấp toàn quốc là VTV, VTC và AVG thì việc hình thành các doanh nghiệp khu vực vẫn chậm trễ. Lý do đưa ra là các địa phương chưa thể thống nhất về việc thành lập một doanh nghiệp chung.
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo tháng 6/2014 phải chốt xong phương án mạng doanh nghiệp cung cấp truyền dẫn phát sóng tại miền Bắc và miền Nam. Trong trường hợp không thể chốt trước thời điểm này, "Đề án không thể tiếp tục chờ" mà sẽ giao cho 3 doanh nghiệp toàn quốc triển khai phát sóng ở 5 thành phố lớn theo phương thức thi tuyển.
 
"Chúng ta phải đảm bảo lộ trình số hóa, đảm bảo mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng truyền hình và phục vụ người dân tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
 
Nguồn: (VietnamNet)