Tạo đột phá cho thị trường viễn thông năm 2014

Từng có thời điểm được đánh giá là phát triển quá "nóng" với sự tham gia của bảy doanh nghiệp (DN), giờ đây thị trường di động Việt Nam hầu như chỉ còn là sân chơi của ba "ông lớn" là VinaPhone, MobiFone và Viettel, chiếm tới hơn 90% thị phần. Năm 2014, việc tái cơ cấu các DN này đang là đòi hỏi bức thiết nhằm đem lại sự phát triển bền vững cũng như tạo ra bước đột phá mới cho thị trường và các DN viễn thông.

img

Tái cơ cấu VNPT là động lực mới cho sự phát triển viễn thông Việt Nam

Nan giải bài toán tái cơ cấu
 
Ðề án tái cơ cấu Viettel giai đoạn 2013 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt và đang được triển khai thực hiện. Trong khi đó, đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ðiểm quan trọng nhất trong đề án này chính là phương án tính toán lại mô hình phát triển của VinaPhone và MobiFone. Và đây cũng là yếu tố mang tính định hướng cho thị trường viễn thông năm 2014 và các năm tiếp theo.
 
Theo quy định của Nghị định 25/2011/NÐ-CP, VNPT sẽ không được sở hữu cùng lúc hai mạng di động mà bắt buộc phải cổ phần hóa một trong hai, trong đó VNPT chỉ được nắm giữ không quá 20% giá trị cổ phần hóa. Nhưng bài toán được cân nhắc là liệu Vinaphone hay Mobifone sẽ được cổ phần hóa. Một số chuyên gia cho rằng, Vinaphone, vốn là đơn vị hạch toán phụ thuộc và chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động độc lập thì khả năng cổ phần hóa thành công, để trở thành một DN viễn thông lớn mạnh là không cao. Mặt khác, việc xác định giá trị DN sẽ rất khó khăn, vì VinaPhone chưa từng là đơn vị kinh doanh độc lập, tài sản vốn có sự đan xen với hệ thống VNPT ở các địa phương. Trong khi đó, việc cổ phần hóa MobiFone dường như sẽ có nhiều thuận lợi hơn, vì đây đã là DN hạch toán độc lập, từng nhiều năm kinh doanh và quản lý độc lập, cộng với tiềm lực tài chính mạnh nên khả năng cổ phần hóa thành công, trở thành DN vững mạnh sẽ có nhiều hứa hẹn. Về mối lo ngại khi cổ phần hóa MobiFone, VNPT sẽ mất đi 70% tổng lợi nhuận hằng năm do DN này mang lại, một số chuyên gia cho rằng nguy cơ là không đáng có, vì VNPT vẫn sở hữu 20% giá trị của MobiFone. Thêm vào đó, nguồn vốn từ quá trình cổ phần hóa MobiFone và sức ép cạnh tranh của thị trường sẽ là động lực thúc đẩy Vinaphone và các VNPT địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho VNPT nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Về phần các công ty nhỏ khi đã mất dần khả năng cạnh tranh, thì việc tìm cơ hội sáp nhập có thể là giải pháp thích hợp nhất cho việc bảo toàn vốn và tiếp tục tồn tại trên thị trường.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son: "Ðề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2013-2015" đã hoàn thiện, theo hướng tách Công ty MobiFone ra khỏi Tập đoàn VNPT, hình thành TCT Viễn thông MobiFone, đồng thời với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNPT sau khi tách. Hiện Ðề án đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi Ðề án được triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới và cơ hội vàng để thị trường viễn thông phát triển đúng hướng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Phát triển các dịch vụ gia tăng
 
Năm 2013 đã chứng kiến sự "đổ bộ" của các nhà mạng vào thị trường truyền hình trả tiền với thế mạnh về công nghệ và hạ tầng nhưng còn yếu về mảng nội dung chương trình, tạo sức ép cạnh tranh lên các "nhà đài" vốn mạnh về sản xuất chương trình, nhưng lại yếu về công nghệ và hạ tầng kỹ thuật. Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết: Nhà mạng tham gia làm truyền hình sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các dịch vụ truyền hình, theo đó khách hàng sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng. Bộ TT&TT đang tập trung nghiên cứu, hướng các bên tăng cường hợp tác, đồng thời sẽ ban hành những quy định làm cơ sở pháp lý cho việc hợp tác hiệu quả hơn.
 
Bên cạnh thị trường truyền hình trả tiền, thị trường ứng dụng thoại và nhắn tin miễn phí qua mạng (OTT) cũng vẫn là điểm nóng của thị trường viễn thông năm nay. Các tính năng thoại trực tiếp và SMS miễn phí, tiện lợi của OTT đã tác động xấu đến doanh thu của các nhà mạng. Ðiều đáng nói là các DN OTT hiện nay đang hoạt động và phát triển hoàn toàn miễn phí trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của các nhà mạng. Ðiều đó đã thúc đẩy các nhà mạng không thể tiếp tục "làm ngơ" trước thị trường OTT. Giải pháp chính được các nhà mạng lựa chọn hiện nay là hợp tác với những tên tuổi đã có sẵn trên thị trường, thay vì phải tự phát triển ứng dụng OTT tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Các DN OTT có thể chia sẻ một phần chi phí hạ tầng và trợ giúp nhà mạng có thêm nhiều thuê bao, còn nhà mạng sẽ hỗ trợ lại các DN OTT thu lợi từ các ứng dụng và công nghệ trực tuyến. Cục trưởng Phạm Hồng Hải cho biết thêm: OTT là xu hướng khách quan, cho nên việc quản lý phải bảo đảm thị trường OTT phát triển lành mạnh, không gây tác động xấu đến xã hội. Muốn vậy, các nhà mạng cùng các DN OTT nên tìm kiếm cơ hội và mô hình hợp tác tối ưu, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên và khách hàng. Về phía Bộ, trong quá trình xây dựng chính sách quản lý cũng sẽ lắng nghe, tham vấn ý kiến của DN và người dân, để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
 
Nguồn: Nhân Dân