Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 33(từ ngày 10/8 đến ngày 16/8/2013)

Trong tuần qua, sự kiện Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam; ngành Bưu điện kỷ niệm ngày truyền thống 15/8, TP.Hồ Chí Minh trao Giải thưởng CNTT-TT năm 2013,... là những thông tin được các báo điện tử tập trung phản ánh.

img

Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng. Ảnh: Mạnh Hùng/VGP

 BÁO CHÍ

+ Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan báo chí ở nước ngoài

Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015, 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam. Đến năm 2020, tối đa 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam. Theo Quy hoạch, các cơ quan được mở văn phòng thường trú ở nước ngoài gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số các cơ quan báo chí khác. Trong đó, đơn vị chủ lực là Thông tấn xã Việt Nam. Các văn phòng thường trú được ưu tiên mở tại các địa bàn trọng điểm: Các nước láng giềng, các nước ASEAN; những nước có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu; những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; những nước có đông người Việt Nam sinh sống...

+ Bổ sung Tạp chí Cộng sản vào danh mục báo chí công ích

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Tạp chí Cộng sản vào danh mục báo chí công ích phát hành qua mạng bưu chính công cộng. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.


  XUẤT BẢN

+ Báo nước ngoài đưa tin về Classbook ở Việt Nam

Mới chỉ ra mắt được hơn một tháng nhưng sản phẩm sách giáo khoa điện tử (Classbook) đầu tiên ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm chú ý của hàng loạt các trang tin nước ngoài, trong đó có cả những trang uy tín chuyên về công nghệ và giáo dục. Nhìn chung, các báo nước ngoài đều khẳng định những lợi ích không thể phủ nhận của việc sử dụng công nghệ đối với giáo dục trẻ em: “Có thể nói, lợi ích từ những chiếc máy tính xách tay, máy tính bảng đối với việc giáo dục trẻ em là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, với một minh chứng cụ thể là chương trình “Mỗi trẻ em một laptop” của Nicholas Negroponte. Theo thời gian, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, khi mà chi phí sản xuất phần cứng giảm dần một cách rõ rệt, phần mềm đang được tùy biến một cách dễ dàng đã minh chứng cho bước đi này là một hướng đi đúng đắn. Thậm chí nó còn được dự báo sẽ trở thành xu hướng mới của lĩnh vực công nghệ thông tin: cung cấp các thiết bị và nội dung số có tính giáo dục dành cho trẻ em" - Chuyên trang công nghệ Tech In Asia cho biết. Tuy nhiên, trang tiếng Việt của Đài phát thanh Úc Châu (ABC Radio Australia) bày tỏ quan ngại, với giá bán hơn 4 triệu đồng, Classbook chưa thật sự phù hợp với mặt bằng chung thu nhập của người Việt Nam, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn.

+ Khẩn trương hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản, trong đó có quy định cụ thể về hướng xử lý đối với các nhà xuất bản đã được thành lập trước đây. Ngày 20/11/2012, tại Kỳ họp thứ 4, Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XIII thông qua theo Luật số 19/2012/QH13 và được công bố theo Lệnh số 21/2012/L-CTN của Chủ tịch nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013, thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12. Luật Xuất bản năm 2012 bao gồm 6 chương 54 điều với nhiều điểm mới so với Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008. Trong đó, có một số thay đổi về thủ tục xuất bản; chuẩn hóa các yêu cầu đối với biên tập viên, đưa ra một số quy định cụ thể về vai trò của các Tổng biên tập, biên tập viên; đối tác liên kết chính thức được tham gia rộng hơn vào lĩnh vực xuất bản; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm…Đặc biệt là Luật Xuất bản mới dành riêng một chương quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.


  CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ TPHCM: Trao giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông 2013

Ngày 9/8, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông TP. Hồ Chí Minh lần V. Đây là giải thưởng chính thức của UBND TP. Hồ Chí Minh, được tổ chức thường niên kể từ năm 2008. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông hoặc có triển khai ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Giải thưởng lần này được trao cho 17 đơn vị, cá nhân, được chia thành 6 nhóm giải: Đơn vị có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; Đơn vị có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; Đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; Đơn vị có ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông tiêu biểu; Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển công nghệ thông tin-truyền thông của thành phố và sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông có thành tích nghiên cứu, học tập suất sắc trên địa bàn thành phố.

 Tin bài liên quan:

- Trao giải công nghệ thông tin - truyền thông

- TP.HCM: Lần đầu vinh danh sinh viên CNTT

+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng nông thôn mới

Ngày 9-8, tại Sóc Trăng, hơn 300 cán bộ của gần 30 Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh, thành phía Nam, các hiệp hội công nghệ thông tin (CNTT), các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng CNTT các tỉnh, thành và các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự hội thảo “Ứng dụng CNTT xây dựng nông thôn mới và an ninh mạng”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng một hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành (văn phòng điện tử) theo kiểu mô hình kết nối, liên thông dữ liệu giữa các sở, ban ngành, chú trọng lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ứng dụng CNTT cho khu vực nông thôn. Dịp này, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đã ký kết “Biên bản ghi nhớ” hỗ trợ Hội Nông dân Sóc Trăng triển khai chương trình ứng dụng CNTT vào xây dựng nông thôn mới.

+ Nguy cơ mất thông tin khi sử dụng các phần mềm miễn phí

Người dùng có thể bị mất thông tin cá nhân khi sử dụng các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí như Whatsapp, Viber, WeChat… do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp. Phát biểu tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, đại diện một nhà mạng cho biết, vấn đề chủ quyền quốc gia trên mạng viễn thông tuy đã được quy định, nhưng với xu hướng chuyển từ môi trường kinh doanh thuần túy sang kinh doanh trên mạng Internet băng rộng nên khái niệm biên giới không còn rõ ràng. Theo đó, các doanh nghiệp OTT (Over The Top) nước ngoài như Viber, Line… đang kinh doanh giống như các mạng viễn thông của Việt Nam (cung cấp dịch vụ thoại và sms miễn phí) nhưng không chịu bất cứ sự quản lý nào. Do vậy, để chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, người sử dụng nên chú ý những cam kết, ràng buộc từ nhà cung cấp dịch vụ, trước khi cài đặt những phần mềm miễn phí để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

+ Nghị định 72: Nâng cao quyền lợi, ý thức người dân

Khi đi vào cuộc sống vào ngày 1/9 tới, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được kỳ vọng sẽ đem lại một “không gian Internet sạch” cho người dùng Việt. Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về Nghị định 72, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Nghị định này được xây dựng dựa trên Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tham khảo các quốc gia khác về các vấn đề có liên quan. Nó nâng cao quyền làm chủ cũng như ý thức của người dân về những gì mình được phép hay không được phép làm trên mạng Internet, để họ không vi phạm và biết quyền của mình cụ thể được đến đâu? Thế nhưng, để Nghị định phát huy tối đa sức mạnh của nó đòi hỏi các cấp, ngành xắn tay vào cuộc. Những cơ chế quản lý, chế tài… phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì mới mong có một không gian mạng "sạch,” đáp ứng mong mỏi của người dân. Theo Bộ Thông tin Truyền thông, sắp tới đây sẽ có những văn bản quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể để Nghị định có thể đi vào đời sống theo đúng tinh thần "hướng quyền" của nó.

  Tin bài liên quan:

- Bảo vệ bản quyền thông tin cho các cơ quan báo chí

+ Tội phạm Internet và nguy cơ tấn công trên diện rộng

Tội phạm tấn công mạng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục tiêu chung của loại tội phạm này là lấy cắp thông tin, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc phá hủy dữ liệu. Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, mỗi năm thiệt hại do loại tội phạm gây ra là rất lớn, tuy chưa thể thống kê nhưng ước tính là hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy Việt Nam từng hứng chịu rất nhiều cuộc tấn công mạng. Việc các trang báo điện tử: Vietnamnet, Dân trí và Tuổi trẻ bị tấn công đồng loạt kéo dài liên tục hơn 3 tuần vừa qua, cho thấy đây là cuộc tấn công mạng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho các báo này và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động bình thường của hệ thống mạng máy tính trong nước. Vì sao cuộc tấn công này lại kéo dài như vậy? Đây có phải là cuộc thử nghiệm để chuẩn bị cho những cuộc tấn công tiếp theo có quy mô lớn hơn hay không?

+ Đà Nẵng phủ sóng Wi-Fi: Người mừng, kẻ lo

Việc phủ sóng Wi-Fi của TP. Đà Nẵng được doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn xung quanh dự án này. khi sóng Wi-Fi miễn phí được phủ rộng khắp thành phố, du khách đến Đà Nẵng sẽ dễ dàng tìm kiếm các địa chỉ như: nhà ga, bến tàu, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí... Theo đại diện CMC Telecom, về lý thuyết dự án Wi-Fi của Đà Nẵng sẽ không ảnh hưởng đến việc phát triển các gói dịch vụ đường truyền Internet tốc độ cao, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp, hệ thống các ngân hàng, cơ quan ban ngành… Song do thông tin dự án phủ sóng Wi-Fi miễn phí của Đà Nẵng chưa được truyền thông rõ ràng trên các phương tiện truyền thông, nên một phần nào đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân đối với dịch vụ Giganet Home (dịch vụ Internet trên truyền hình cáp phục vụ hộ gia đình). Đây là dịch vụ mà CMC phát triển rất tốt trong thời gian qua nhờ khách hàng ưa chuộng và đón nhận. Hiện nay, do tâm lý người dân đặt kỳ vọng về phạm vi phủ sóng, được dùng miễn phí Wi-Fi của thành phố với tốc độ truy cập cao nên đã tác động tạm thời đến việc phát triển thuê bao của nhà mạng.

+ 84% tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có Giám đốc CNTT

Nghiên cứu của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cho thấy, không ít doanh nghiệp nhà nước nhận thức chưa đầy đủ khi triển khai đầu tư ứng dụng CNTT và nhiều doanh nghiệp còn thiếu chức danh giám đốc CNTT (CIO). Điển hình nhất là hiện chỉ có 16% số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có CIO. CNTT được xem là một giải pháp hiệu quả để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới phương thức vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhà nước chưa đầu tư và nhận thức đầy đủ cho việc ứng dụng CNTT. Cũng theo kết quả khảo sát, khó khăn lớn nhất của ứng dụng CNTT là do nhận thức của nhân viên chưa đầy đủ (chiếm 67%), kế đó 50% doanh nghiệp cho rằng môi trường chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư về CNTT còn thiếu và 40% cho rằng chi phí cho ứng dụng CNTT cao, 39% cho rằng thiếu nhân sự để vận hành. Đặc biệt hơn, rất ít doanh nghiệp có chức danh CIO (giám đốc CNTT), chỉ 3/19 doanh nghiệp khảo sát có chức danh CIO (chiếm 16%).

+ Tranh chấp tên miền “.VN” nguy cơ tăng mạnh

Ông Trần Minh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp đơn vị này giải quyết vấn đề tranh chấp tên miền .VN dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế. Cùng với tình hình phát triển Internet cũng như số lượng tên miền quốc gia Việt Nam .VN được đăng ký mới và cấp phát theo nguyên tắc “đăng ký trước, xét cấp trước” hàng tháng là trên 8.000 tên miền như hiện nay, các vụ việc tranh chấp về tên miền do có sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Nhìn vào con số doanh nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động với số lượng tên miền đã được các doanh nghiệp đăng ký thì chúng ta có thể thấy rõ nguy cơ tranh chấp về tên miền là rất cao và đồng thời cũng thấy được nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế.

+ Việt Nam dẫn đầu khu vực về lượng người dùng Internet

Theo báo cáo về tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7/2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore, với 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng, Việt Nam là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng Internet nhanh thứ 2 tại khu vực. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm đến 14%. Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia có lượng người dùng Internet ở độ tuổi trẻ nhất khu vực, với 42% người sử dụng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 15-24, và ở Thái Lan tỷ lệ tương ứng là 45%. Độ tuổi người dùng Internet từ 25 đến 34 ở Việt Nam và Thái Lan lần lượt chiếm 32% và 29%.

 


 VIỄN THÔNG

+ Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân

Ngày 15/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý c.ủa Đảng, Nhà nước tặng Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam, vì đã có các thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gắn Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên Cờ truyền thống của Ban Giao bưu vận và Ban thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: Các cán bộ, công nhân viên ngành bưu điện và thông tin, truyền thông hôm nay vô cùng tự hào trước những thành quả, sự hy sinh xương máu của các thành viên Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. Trong thời kỳ đổi mới, ngành bưu điện đã đạt được những kỳ tích trong sự tăng tốc và phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính - viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm với các nước trên thế giới.   

  Tin bài liên quan:

- Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc nhận danh hiệu Anh hung

- VNPT tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ban Giao bưu vận T.Ư cục miền Nam

- Hai ban thuộc T.W Cục miền Nam nhận danh hiệu Anh hung

+ Độc quyền viễn thông đang quay trở lại?

 Bóng ma của độc quyền và lợi ích nhóm trong ngành viễn thông đang quay trở lại, khi các mạng di động đồng loạt lên tiếng về ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) ảnh hưởng đến doanh thu mà không quan tâm đến người tiêu dùng. Vài năm trước đây, khi cuộc chạy đua giành khách hàng giữa các mạng di động lên tới đỉnh điểm, việc bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện một cách tự động hoàn hảo thông qua cạnh tranh. Mạng di động nào cũng đua nhau lên tiếng gia tăng lợi ích của người dùng và chống lại lợi ích cục bộ để thể hiện uy tín. Lúc đó, nếu mạng di động nào nói về lợi ích cục bộ của mình mà không quan tâm tới người tiêu dùng sẽ trở thành một điểm đen trên thị trường và khó được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận. Phải chăng thị trường viễn thông sẽ quay trở lại thời độc quyền khi mà lợi ích nhóm của một số đại gia di động có khả năng chi phối, chứ không phải dựa trên lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam? Thời gian sẽ cho câu trả lời. Tuy nhiên, một điều vô cùng rõ ràng là hàng chục triệu người Việt Nam cũng có quyền lên tiếng về những dịch vụ tốt nhất cho quyền lợi của họ, chứ không phải chỉ có các công ty kinh doanh dịch vụ điện thoại di động mới hiểu về điều đó.

+ Thuê bao di động phát tán tin nhắn rác có thể bị thu hồi

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (Vncert) cho biết đơn vị này đang chấp bút cho dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định 77/2012/NĐ-CP, trong đó quy định thuê bao di động phát tán tin nhắn rác có thể bị thu hồi. Dự thảo cũng quy định các doanh nghiệp di động phải cung cấp các công cụ tiếp nhận thông báo tin nhắn rác từ người sử dụng; cung cấp công cụ đăng ký nhận, từ chối tin nhắn quảng cáo theo hướng dẫn của Bộ Thông tin Truyền thông; hướng dẫn thuê bao gửi thông báo tin nhắn rác và phản hồi các thông báo về tin nhắn rác tiếp nhận được; triển khai hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác tối thiểu có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo nguồn gửi và từ khóa trong nội dung tin nhắn gửi…Thống kê tình hình tin nhắn rác từ đầu năm tới nay của Vncert cho thấy số lượng tin nhắn rác đã giảm khoảng 60% so với năm 2012. Từ đầu năm tới nay, các mạng di động đã ngăn chặn khoảng 300.000 thuê bao phát tán tin nhắn rác. Bộ Thông tin Truyền thông đã điều phối xử lý gần 200 trường hợp phát tán tin nhắn rác; thanh tra 21 công ty, xử phạt 2,6 tỉ đồng.

+ Những anh hùng nối mạch thông tin

Ngành bưu điện lớn lên cùng mỗi bước phát triển của cách mạng, của đất nước. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ và ác liệt, với tinh thần kiên trung, lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam đã dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi hiểm nguy để giữ vững thông tin liên lạc luôn thông suốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành bưu điện, VNPT hôm nay đang tiếp tục phấn đấu để giữ vững vai trò là Tập đoàn viễn thông, CNTT chủ lực luôn bảo đảm tốt thông tin đối nội, đối ngoại, phục vụ quốc phòng, an ninh của đất nước. Với bề dày truyền thống của mình, VNPT đang quyết tâm đổi mới toàn diện, xây dựng và thực hiện Ðề án tái cơ cấu theo hướng tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Ðề án "Ðưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT" của Chính phủ và công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Tin bài liên quan:

- Nền tảng lịch sử của dịch vụ, công nghệ hôm nay

- Những chiến sĩ bảo vệ mạch máu liên lạc

- VNPT quyết tâm đổi mới để phát triển bền vững

+ Thay đổi lãnh đạo VNPT: Sóng mới

“Việc thay đổi lãnh đạo VNPT được xem là điều tất yếu” -  Đó là lời mở đầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại buổi lễ trao quyết định chức danh Tổng giám đốc VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng - thành viên Hội đồng Thành viên VNPT, Giám đốc Viễn thông Hà Nội. Đây là sự kiện đầu tiên của quá trình tái cơ cấu VNPT, và quyết định thay đổi nhân sự tại VNPT của Bộ là để góp phần cho VNPT phát triển trong tương lai và lấy lại khí thế của mình trong làng viễn thông VN. Ngoài ra, VNPT cũng đóng góp về mặt nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trưởng thành trong một môi trường kinh doanh hiện đại, cập nhật trong làng viễn thông quốc tế, đem lại dịch vụ tiện ích trong hoạt động kinh tế năng động, sáng tạo công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đóng góp, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp ngân sách rất lớn cho đất nước. Tuy vậy, tại buổi thay đổi nhân sự trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn nêu những nhược điểm, hạn chế của VNPT, khi nhiều doanh nghiệp phát triển vươn lên thì VNPT tuy có phát triển, nhưng chưa đạt như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của xã hội đặt vào tập đoàn.

  Tin bài lien quan:

Tạo sức mạnh cho tái cơ cấu VNPT

+ “Ngã rẽ” mới của nhà mạng với tư vấn qua tổng đài

Bên cạnh chức năng tư vấn, giải đáp thông tin nhằm tăng tính kết nối với cộng đồng và khách hàng, tổng đài còn được xem là một trong những dịch vụ nhiều tiềm năng, mang lại doanh thu không nhỏ cho các doanh nghiệp viễn thông. Ra đời từ rất sớm, tổng đài 1080 của VNPT từng là kênh giải đáp thắc mắc trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, 1080 có khá nhiều nhược điểm như khách hàng phải nhớ mã vùng, số lượng nhân viên trực hạn chế và nội dung giải đáp thắc mắc chủ yếu xoay quanh một số vấn đề về dịch vụ, thông tin xã hội. Với nền tảng là “nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam,” MobiFone đã cho ra đời tổng đài tư vấn 9080 từ tháng 6/2012. Theo đó, khách hàng trên toàn quốc có thể quay đầu số 9080 là được kết nối với đội ngũ điện thoại viên tiếp nhận cuộc gọi và giải đáp thông tin trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí… Với số lượng thuê bao di động vượt ngưỡng 143 triệu tại Việt Nam, tổng đài tư vấn, giải đáp thắc mắc được xem là một trong những dịch vụ còn nhiều tiềm năng phát triển, vừa là kênh kết nối cộng đồng hiệu quả, vừa mang lại doanh thu không nhỏ và bền vững cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông./.

+ Viettel là nhà mạng quyết liệt chống tin nhắn rác nhất

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Viettel là nhà mạng quyết liệt nhất trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, còn VinaPhone đang bị phản ánh có tin nhắn rác nhiều nhất. Thống kê tình hình tin nhắn rác từ đầu năm tới nay của VNCERT cho thấy số lượng tin nhắn rác đã giảm khoảng 60% so với năm 2012. Các nhà mạng đang xây dựng hệ thống kỹ thuật cho phép phát hiện, ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất cho từ khóa trong nội dung. Viettel là nhà mạng quyết liệt nhất trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, tổng lượng phản ánh tin nhắn rác 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm khoảng 90%. VinaPhone là nhà mạng bị phản ánh về tin nhắn rác nhiều nhất (chiếm 70% tổng lượng phản ánh về tin nhắn rác), trong đó có rất nhiều tin nhắn quảng cáo do chính VinaPhone gửi đi.

+ Xuất hiện tin nhắn gửi từ quốc tế giả mạo di động lừa người dung

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho hay, tại Việt Nam đã xuất hiện một số trường hợp tin nhắn gửi từ quốc tế giả mạo thuê bao di động, thậm chí giả mạo cả doanh nghiệp di động để lừa đảo người dùng. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) cho biết hiện nay tin nhắn gửi từ quốc tế về thuê bao Việt Nam rất dễ dàng và hệ hống của một số doanh nghiệp di động hoàn toàn không xác minh được số thuê bao gửi. VNCERT nhấn mạnh tại Việt Nam đã xuất hiện một số trường hợp tin nhắn gửi từ quốc tế giả mạo thuê bao di động, thậm chí giả mạo cả doanh nghiệp di động để lừa đảo người dùng. Đây cũng là đối tượng mà các doanh nghiệp di động quản lý lỏng lẻo nhất hiện nay, trong khi nguy cơ rủi ro rất lớn.


  BƯU CHÍNH

+ Đòn bẩy để nâng hiệu quả hệ thống BĐVHX

Với việc Thông tư quy định về hoạt động của điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đầu tháng 8/2013, địa vị pháp lý của điểm BĐVHX đã được khẳng định. Thông tư sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan, đơn vị chung sức nâng hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐVHX. Tháng 1/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX nhằm tìm hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐVHX. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định lại vị trí, vai trò của hệ thống BĐVHX trong tình hình mới, đó là: BĐVHX tiếp tục là thiết chế quan trọng, là nơi tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đây cũng là nơi cung ứng các dịch vụ công ích cho người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có người dân tộc thiểu số nhằm kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet... phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn.

+TP.HCM trả lương hưu qua bưu điện

Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi (trên 80 tuổi) hoặc đau yếu, bệnh tật không tiện đi lại sẽ được nhân viên bưu điện phát tiền tận nhà và miễn phí. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng (trợ cấp) về các đại lý ở UBND 322 xã, phường. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội và Bưu điện TP.HCM đang tiến hành triển khai chương trình chi trả lương hưu và trợ cấp thông qua hệ thống các bưu cục, bưu điện trên địa bàn thành phố. Dự kiến chương trình này sẽ chia làm hai giai đoạn. giai đoạn 1 (từ 1-9) sẽ triển khai chi trả tại bảy quận, huyện gồm Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân, quận 12. Giai đoạn 2 sẽ triển khai chi trả tại 17 quận còn lại.  Hiện nay, có 43 bưu điện tỉnh, thành (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre…) tham gia vào công tác chi trả lương hưu và chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó, một số tỉnh, thành triển khai trên toàn địa bàn, một số chi trả tại một số huyện, thị xã.

+ Hà Nội: chuyển kết quả thủ tục hành chính tư pháp qua Bưu điện

Đây là cơ quan đầu tiên của TP. Hà Nội thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ chuyển phát nhanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại khi làm các thủ tục hành chính tư pháp. Theo đó, tất cả cá nhân, cơ quan sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký xác minh hồ sơ tại bộ phận “Một cửa” của Sở Tư pháp Hà Nội, nếu có nhu cầu chuyển phát kết quả thủ tục hành chính qua đường bưu điện thì tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ và trả cước phí chuyển phát theo quy định của bưu điện. Để triển khai dịch vụ này, Sở Tư pháp đã chọn ra 6 loại thủ tục mà người dân không phải ký vào sổ lưu để chuyển phát, bao gồm các kết quả thủ tục hành chính: cấp phiếu Lý lịch tư pháp; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch; các thủ tục về bổ sung, cải chính, điều chỉnh, thay đổi hộ tịch, xác nhận lại dân tộc, xác định tại giới tính; cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam và cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; các thủ tục về bổ nhiệm, cấp thẻ, cấp lại thẻ, miễn nhiệm công chứng viên; các thủ tục về thành lập văn phòng công chứng, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng.

  Tin bài liên quan:

- Hà Nội: Chuyển phát kết quả thủ tục hành chính qua Bưu điện

+ Âm nhạc là chủ đề cuộc thi viết thư UPU 43 năm 2014

Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) vừa công bố chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014 tạm dịch là “Hãy viết thư để nói âm nhạc có tác động như thế nào tới đời sống” (Tiếng Anh: "Write a letter describing how music can touch lives"). Bức thư đoạt giải Nhất của mỗi quốc gia năm 2014 sẽ được gửi tới Văn phòng của UPU trước ngày 30/4/2014. Cuộc thi cũng là dịp để các em thiếu nhi hiểu biết về ngành Bưu chính, vai trò của Bưu chính cũng như việc sử dụng các dịch vụ Bưu chính trong đời sống xã hội. Tại cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42 năm 2013 vừa được UPU công bố, em Daniel Korcak, 15 tuổi đến từ Ostrava, Cộng hòa Séc, đã dành giải Nhất, Huy chương Vàng cuộc thi này với bức thư gửi đến dòng sông Trung Âu, Oder. Lá thư của em Đào Thụy Thùy Dương, Việt Nam đoạt giải Khuyến khích. Trước đó, lá thư của em Đào Thụy Thùy Dương học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42 của Việt Nam. Cuộc thi năm 2013 có khoảng 1,5 triệu học sinh từ 60 quốc gia đã tham gia. Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc thi quốc tế này từ năm 1987. Đến nay, Việt Nam đã 24 lần tham gia các cuộc thi viết thư UPU và 9 lần vinh dự đoạt giải quốc tế: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet