Hạn chế tác hại của game, “cởi trói” cho doanh nghiệp

Với nội dung về trò chơi điện tử trên mạng được quy định tại Nghị định số 72/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (game) khấp khởi mừng thầm vì việc được cấp phép game trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải quản lý giờ chơi, độ tuổi người chơi chặt chẽ để tránh tác động xấu cho xã hội

img

Nghị định 72 sẽ cởi trói cho doanh nghiệp nhưng sẽ quản chặt tác hại của game. (Ảnh: Minh Tú - TTXVN)

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Trong một cuộc hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến mới đây tại Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp game online than phiền về việc cả 3 năm nay không được cấp phép game, khiến họ “không biết đường nào mà đi.”

Trong khi đó, việc không cấp phép cho game nội địa đã khiến các game không phép tràn lan. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài  lợi dụng kẽ hở pháp luật, cung cấp game trái phép vào Việt Nam không qua sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Hoàng Vĩnh Bảo (Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử) khẳng định, hầu hết các game này có hình ảnh đánh nhau, đậm chất bạo lực.

Với việc Nghị định 72/NĐ-CP ra đời, quy định rõ ràng về điều kiện cấp phép cho game online, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là sự “cởi trói” cho các đơn vị sản xuất, phát hành game nội địa làm ăn chính đáng. Theo ông Phạm Công Hoàng-Phó Tổng Giám đốc FPT Online, việc cấp phép trở lại sẽ khiến các doanh nghiệp phải chú trọng hơn vào sản phẩm, tránh hiện tượng làm ăn manh mún, chộp giật.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ game phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Hải (Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC khẳng định rằng, điều này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp game, từng bước ngăn chặn game không phép.

Lãnh đạo của VDC cũng cho rằng, bản chất của nhà sản xuất, cung cấp game chính là việc thu được lợi nhuận. Bởi thế, ông Hải nói rằng cơ quan quản lý cần có những chế tài nghiêm khắc với những cổng thanh toán, ngân hàng… tiếp tay cho game không phép. Về việc Nghị định quy định doanh nghiệp cung cấp game phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ và cung cấp thông tin theo yêu cầu, ông Hải cho rằng việc này là cần thiết. Theo ông, ngoài việc kiểm soát, việc doanh nghiệp có hệ thống máy chủ tại trong nước sẽ giải quyết nhanh quyền lợi của người chơi khi hệ thống có sự cố và đỡ mất chi phí lưu lượng đi quốc tế.

Cả ông Hải và ông Hoàng đều cho rằng, quy định đã có, nhưng phải chờ sự mạnh tay trong việc thanh kiểm tra khi Nghị định này được áp dụng từ 1/9 tới thì việc dẹp game không phép mới có thể thực hiện triệt để.

Quản chặt tiêu cực.

Bên cạnh việc “cởi trói” cho doanh nghiệp, Nghị định cũng đưa ra những quy định chặt chẽ, hạn chế những tiêu cực nảy sinh của game tới đời sống xã hội.

Điều 32 của Nghị định nêu rõ doanh nghiệp được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử khi nội dung kịch bản “không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức…”

Ngoài ra, doanh nghiệp phải thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp game gồm đầy đủ thông tin như phân loại game theo độ tuổi người chơi, quy tắc của từng game… Đối với game online, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực như thực hiện đăng ký thông tin cá nhân của người chơi, áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18 tuổi; triển khai các biện pháp kỹ thuật quản lý nội dung hội thoại giữa các người chơi theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông…Điều kiện để đại lý cung cấp dịch vụ game là phải cách trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200m trở lên, có đăng ký kinh doanh, bảo đảm đủ ánh sáng, thiết bị phòng cháy-chữa cháy theo quy định…

Đại diện Công ty VNG cho rằng việc quy định khung pháp lý cụ thể sẽ giúp hoạt động ngành game online sẽ tốt hơn. Ông Phạm Công Hoàng thì nói, Nghị định đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp biết rõ những nghĩa vụ cụ thể để điều tiết kinh doanh cho phù hợp. Doanh nghiệp làm game online sẽ phải chú trọng hơn nữa đến lợi ích của người chơi.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng cho rằng việc duyệt kịch bản game… còn khá chung chung bởi câu chuyện “thế nào là bạo lực, khêu gợi…” đã được đặt ra khá nhiều. Ngoài ra, việc quy định về độ tuổi của người chơi cũng rất khó khăn khi Việt Nam chưa hoàn tất hệ thống chứng minh thư điện tử./.

Nguồn: (Vietnam+)