Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 16 (từ ngày 13-18/04/2013)

Tuần qua, thông tin nổi bật được các báo điện tử đưa tin phản ánh là việc MobiFone kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, tổng kết cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42. Bên cạnh đó là các thông tin khác như: cuộc chiến chống tin nhắn rác của các nhà mạng, cảnh báo chiêu lừa trên mạng hay số hóa truyền hình đã được các báo điện tử đưa tin và phản ánh khá chi tiết.

img

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


BÁO CHÍ

+ Số hóa truyền hình: Cả nước cần đầu thu

Đến năm 2020, hơn 18 triệu hộ gia đình VN đang có tivi sẽ phải chuyển sang xem truyền hình số dù muốn hay không. Riêng với truyền hình số mặt đất, lộ trình này sẽ gần hơn. Giả định rằng 1/3 của hơn 18 triệu hộ ấy có khả năng mua mới tivi có sẵn đầu thu số thì cũng còn đến 12 triệu hộ cần được trang bị đầu thu. Chưa kể, mỗi nhà có thể có hơn một tivi, với truyền hình cáp analog một sợi cáp có thể dùng chung nhiều tivi nhưng với truyền hình kỹ thuật số, mỗi tivi phải dùng một đầu thu. Như vậy, đến năm 2020 cả nước bắt buộc phải tiêu thụ ít nhất 12 triệu đầu thu các loại, đủ cho một dây chuyền sản xuất nội địa khởi động và phát triển.

Bài viết liên quan đến thông tin này:

Số hóa truyền hình: Lộ trình ngàn tỉ

K+ độc quyền khiến “người trong nhà” cũng bức xúc

Ngày 15.4, việc K+ chính thức công bố độc quyền những trận đấu hấp dẫn nhất của giải Ngoại hạng Anh (EPL) giai đoạn 2013-2016 đã khiến ngay cả những thuê bao cũ của họ cũng cảm thấy bức xúc... HLV Hoàng Văn Phúc cho biết: “Nhà tôi đã có đầu thu K+ từ hơn 1 năm nay. Những người làm nghề như chúng tôi, nhu cầu xem EPL là rất cần thiết. Nhưng theo tôi, việc độc quyền là bình thường ở nước ngoài, còn ở nước ta, giá thuê bao quá cao, lại độc quyền như vậy là chưa phù hợp. Tôi mong muốn những kênh quảng bá được chọn vài trận hay mỗi buổi cuối tuần để phục vụ người dân”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, Triệu Việt Vương, Hà Nội) tâm sự: “Tôi là bộ đội đã về hưu, và cả gia đình tôi đều mê EPL, đặc biệt là Manchester United, Chelsea. Dù kinh tế có khó khăn nhưng những năm qua đã cố gắng mắc truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) để được tận hưởng niềm đam mê. Khi K+ độc quyền Super Sunday đã buồn rồi, giờ còn độc quyền tất cả những trận hay nhất nữa thì không còn gì để nói, Giả như tôi cố gắng mua thêm đầu K+ thì trong tương lai, khi có một nhà đài X, Y, Z… nào đó ra đời và có bản quyền EPL, tôi lại phải mua thêm đầu thu X, Y, Z nữa sao?”.

+Nhà báo học cách khai thác thông tin mạng thế nào?

Nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí" do chính phủ Thụy Điển tài trợ, trong hai ngày 15 - 16/4, Cục báo chí phối hợp Viện đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển tổ chức khóa học Mạng xã hội và báo chí. Dự lễ khai giảng khóa học, Cục trưởng cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông), ông Hoàng Hữu Lượng, cho biết, Việt Nam là nước hội nhập Internet khá muộn, nhưng sự phát triển của công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng lại rất mạnh. Việt Nam hiện có gần 200 trang mạng xã hội, với sự bùng nổ thông tin. Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo là các trang mạng hiện nay không chịu sự điều chỉnh về tính trung thực như yêu cầu đối với báo chí. Trong hai ngày diễn ra khóa học, các học viên sẽ cùng nhau trả lời câu hỏi: Những người làm báo sẽ tận dụng thông tin mạng xã hội như thế nào?. Làm thế nào để có những sản phẩm thật sáng tạo?. Làm thế nào để nhiều người đọc ấn tượng với tác phẩm của mình?. Kiếm tiền từ báo mạng như thế nào?...


VIỄN THÔNG

+ S-Fone sẽ không được “cứu” như EVN Telecom

Hiện mạng di động S-Fone đã tê liệt, không còn hoạt động do làm ăn thua lỗ, mất khả năng chi trả như EVN Telecom trước đây. Tuy nhiên S-Fone sẽ không được “cứu” như EVN Telecom. Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vì sao S-Fone không được “cứu” như với EVN Telecom, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, lý do là EVN Telecom là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và có mạng lưới hạ tầng lớn với 5.000 - 6.000 trạm thu và phát sóng, có hệ thống cáp quang biển quốc tế với hàng chục ngàn kilomet... nên EVN Telecom được cho phép sáp nhập với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác là Viettel. Những doanh nghiệp viễn thông di động có hạ tầng lớn như EVN Telecom có ảnh hưởng đến lợi ích công cộng... mà có nguy cơ đổ vỡ thì Nhà nước mới phải can thiệp. Đồng quan điểm trên, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cho rằng các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ “chết” là hoàn toàn bình thường. Nếu buộc phải “cứu”, Chính phủ các nước cũng sẽ chỉ ưu tiên cho những tập đoàn viễn thông lớn, có sức ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

+MobiFone với thông điệp "Kết nối tương lai” nhân kỷ niệm 20 năm

Hôm nay 16/4, tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), Công ty Thông tin di động - MobiFone đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16/04/1993 - 16/04/2013) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đến dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận, Tổng Giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng.
Ngày 16/04/1993 là một ngày đáng nhớ của công ty Thông tin di động  và của ngành viễn thông Việt Nam khi MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức được thành lập. Khi mới hình thành, mạng MobiFone mới chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng tại 4 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu. Đến thời điểm này, MobiFone đã được xây dựng mạng lưới lớn mạnh với 20.000 trạm 2G, 11.000 trạm 3G đáp ứng đủ năng lực phục vụ cho hơn 40 triệu thuê bao di động hoạt động.

Liên quan đến thông tin này, còn có một số bài viết trên các báo điện tử:

-Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cho MobiFone được tự chủ

- Chúc mừng MobiFone tròn 20 tuổi

-Chuyện “thời tiền sử” của ngành di động Việt Nam

+Viettel "đấu" với 11 "đại gia" viễn thông để lấy giấy phép tại Myanmar

Viettel có tên trong danh sách 12 công ty tham gia vòng cuối đấu thầu giấy phép di động tại Myanmar cùng với liên minh của “đại gia” Vodafone, China Mobile. Hôm 11/4, Chính phủ Myanmar thông báo danh sách 12 công ty cuối cùng được tham dự đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động tại Myanmar. Viettel, đại diện của Việt Nam, cũng có mặt trong danh sách bên cạnh tên tuổi lớn như SingTel (Singapore), Qatar Telecom (Qatar), Sumitomo (Nhật Bản) và đặc biệt là liên minh Vodafone (Anh) – China Mobile (Trung Quốc). Các công ty còn lại bao gồm: Bharti Airtel (Ấn Độ), Axiata (Malaysia), KDDI (Nhật Bản), Telenor (Na-uy), MTN Dubai (Nam Phi), Digicel (Jamaica), Millicom (Luxembourg). Myanmar công bố kế hoạch cấp thêm 2 giấy phép viễn thông (mỗi giấy phép có thời hạn 15 năm) vào tháng 1/2013 nhằm cải thiện cục diện viễn thông nước này. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng thị trường viễn thông Myanmar cho các đối tác nước ngoài.

+ Cuộc chiến chống tin nhắn rác: Khi nhà mạng mạnh tay?

Tệ nạn tin nhắn rác đã được người dùng, các phương tiện truyền thông phản ánh dày đặc. Từ năm 2012 trở về sau, các nhà mạng mới có những biện pháp “mạnh tay” để trừ khử, mật độ tin nhắn rác phát tán có giảm nhưng để triệt tiêu tận gốc, theo nhiều nhà mạng: đó là nhiệm vụ bất khả thi. Liệu có đúng như thế? Đầu tháng 3.2013, thanh tra bộ Thông tin và truyền thông đã phạt bốn nhà cung cấp dịch vụ nội dung (content provide – CP): Tinh Vân Telecom (với số tiền phạt là 683 triệu đồng) với các hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn sai cú pháp và ba công ty liên kết gồm Hà Thành, E-Way và Lạc Hồng (số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng) do hành vi phát tán tin nhắn rác với các mục đích lừa đảo, đồi truỵ… Trước sức ép của người tiêu dùng, trong những tháng đầu năm 2013, lần đầu tiên các nhà mạng thẳng tay với các CP và những thuê bao tham gia phát tán tin nhắn rác. Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng giá cả tiếp thị Mobifone cho biết, trong ngày 12.3.2013, nhà mạng đã khoá đầu số dịch vụ của 18 CP có liên quan phát tán tin nhắn rác.

+ Người tiêu dùng phải được bảo vệ

Trước những nỗ lực của các nhà mạng, tin nhắn rác đã giảm nhưng không hoàn toàn triệt tiêu. Các nhà mạng đều hiểu rằng, cuộc chiến chống tin nhắn rác là “cuộc chiến lâu dài” vì chặn được hình thức phát tán tin nhắn rác này, thì đối tượng phát tán lại tạo ra những công cụ khác để “lách”. Hiện nay, ngoài việc phản ánh với báo chí, chưa có trường hợp nào người sử dụng yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các đối tượng có liên quan về hành vi phát tán tin nhắn rác. Tổng thư ký hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho rằng: “Hành lang pháp lý để nhà mạng xử lý tin nhắn rác đã rõ ràng, vấn đề nhà mạng có thực hiện đầy đủ hay không. Nhà mạng là nơi cung cấp dịch vụ (có thu phí) cho cả khách hàng lẫn các CP nên họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tin nhắn rác trước người sử dụng đầu cuối. Nếu người dùng cuối có thiệt hại vì tin nhắn rác, theo tôi, có quyền kiện nhà mạng vì họ đã trả tiền cho nhà mạng để được sử dụng dịch vụ với những cam kết đã được hai bên ký trong hợp đồng”. Ông Thanh giải thích thêm, CP thuê nhà mạng để đưa thông tin quảng cáo đến thuê bao, theo luật, nhà mạng phải được các thuê bao đồng ý về việc này. Nếu thuê bao không đồng ý, nhà mạng phải có biện pháp để điều chỉnh hành vi của CP.

+ Dịch vụ gọi điện miễn phí nở rộ, nhà mạng lo cuống cuồng

Trước sự phát triển nở rộ của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí như Zalo, Viber, hay Wala, KakaoTalk... một số nhà mạng tại Việt Nam đã lên tiếng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải có biện pháp hạn chế các loại dịch vụ này vì làm ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng. Việc các nhà mạng thất thu vì các loại dịch vụ này là điều có thể nhìn thấy, tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên điện thoại di động đang mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng người dùng.  Khi người dùng tiết kiệm được chi phí thoại và nhắn tin thì hiển nhiên doanh thu từ dịch vụ này của các nhà mạng bị ảnh hưởng. Mobifone từng cho rằng, họ bị thất thu cả ngàn tỷ đồng hàng năm vì điều này. Tương tự là các nhà mạng khác cũng vậy.

+ IPv6 đã được thừa nhận như một thực tế tất yếu tại Việt Nam

Việc phổ cập kiến thức cơ bản về IPv6 cho cộng đồng CNTT và Truyền thông đã được hoàn thành. Tất cả các doanh nghiệp (DN) Internet, các tổ chức, DN lớn có hạ tầng CNTT thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực về IPv6. Đây là kết quả quan trọng nhất đã đạt được trong Giai đoạn 1 mà Ban Thường trực Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho biết tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 sáng nay 16/4 tại Hà Nội. Giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được bắt đầu bằng quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Kế hoạch ngày 29/3/2011 định hướng, xác định các mục tiêu, lộ trình cụ thể chuyển đổi sang IPv6 của Việt Nam. Kế hoạch hành động này được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012), Giai đoạn khởi động (2013 - 2015); Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019).

Bài viết liên quan:

- Sau 2 năm, ứng dụng trên IPv6 vẫn "dậm chân tại chỗ"

- Kiến nghị đưa IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy


CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Giảm khiếu kiện kéo dài nhờ Hệ thống quản lý đơn thư

Lọc đơn trùng lặp để tránh tình trạng một vụ việc có nhiều kết luận xử lý "chọi" nhau, xác định rõ tiến trình giải quyết "dừng" ở khâu nào... những tính năng chính này của Hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ giúp giảm bớt số vụ khiếu kiện kéo dài. Tính đến tháng 5/2012 vẫn còn 528 vụ tồn đọng, kéo dài do nhiều nguyên nhân như chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, chính quyền địa phương giải quyết không dứt điểm, rõ ràng và cũng có trường hợp người dân tiếp tục khiếu nại dù đã được giải quyết đúng luật. Cá biệt, có những vụ kéo dài tới 35 - 36 năm. Từ 2007, Thanh tra Chính phủ đã nhận thấy vai trò của ứng dụng CNTT trong việc giảm thiểu thời gian cũng như tăng chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Song nghiệp vụ này khá phức tạp nên không có nhiều doanh nghiệp CNTT sẵn sàng tham gia.

+Cảnh báo chiêu lừa trúng thưởng trên mạng

Gần đây, nhiều người tham gia vào các trò giải trí trên mạng lại trở thành nạn nhân của chiêu lừa trúng thưởng khi đăng kí vào các trang web thông báo cơ hội trúng thưởng.Theo đó, khi truy cập vào web games thì xuất hiện trang www.lienminh24h.com có giao diện giống giao diện của trang hay dùng. Khi đăng nhập tài khoản xong thì nhận được thông báo trúng thưởng xe máy và hàng chục triệu đồng. Lúc này, họ nhận được yêu cầu phải nạp tiền điện thoại để làm thủ tục nhận giải rồi rất nhiều yêu cầu đóng phí vận chuyển, thủ tục nhận giải. Chỉ sau khi vào diễn đàn của trang web chính thông báo có nhiều trang web mạo danh họ mới biết mình bị lừa. Đại diện một doanh nghiệp sở hữu một trang web game cảnh báo, các trang lừa đảo thường xuyên spam các thông tin khuyến mãi để gửi đến các game thủ nhằm phát tán virus, ăn cắp giao diện của trang web chính nhằm mục đích xấu. Do vậy, người dân cần cảnh giác với các chiêu trò yêu cầu ứng tiền, nạp card điện thoại để nhận thưởng, quà tặng… đang được các đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến hiện nay.


BƯU CHÍNH

+Học sinh Đà Nẵng lại đoạt giải Nhất thi viết thư UPU 

Với việc hóa thân thành thần nước Thủy Tinh để viết thư gửi thần núi Sơn Tinh, học sinh Đào Thụy Thùy Dương, lớp 6/10 trường THCS Tây Sơn (Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã giành giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42. Có chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý” (Write a letter about why water is precious), tại Việt Nam, cuộc thi viết thư quốc tế UPU 42 dành cho thiếu nhi cả nước từ 15 tuổi trở xuống, đã được phát động từ ngày 1/11/2012 và kết thúc nhận bài thi vào 8/3/2013. Năm nay có trên 1,2 triệu bức thư tham gia cuộc thi viết thư UPU 42, nhiều hơn khoảng 312.000 bài so với năm ngoái. Theo kết quả chấm thi mới được BTC, BGK quốc gia thông qua, sau 2 năm học sinh Đà Nẵng “lỗi hẹn” với ngôi vị Quán quân cuộc thi viết thư UPU, năm nay em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh lớp 6/10 trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng đã mang về địa phương này giải Nhất cuộc thi viết thư UPU 42, nối dài thêm bảng thành tích của các thế hệ học sinh Đà Nẵng trong 23 lần tham gia thi viết thư UPU.
 

Nguồn: Tổng hợp từ Internet