Mức độ sẵn sàng cho IPv6 của một số doanh nghiệp chưa cao

Trước sự cạn kiệt địa chỉ IPv4, việc chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ IPv6 là cần thiết. Theo kết quả khảo sát của Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đa số các doanh nghiệp internet Việt Nam cho rằng việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu thế thế giới, tuy nhiên, sự thiếu vắng của nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung khiến cho IPv6 chưa thực sự lan tỏa.

img

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Doanh nghiệp mới chỉ sẵn sàng trong phòng thí nghiệm
 
Năm 2012, Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tiến hành khảo sát 54 doanh nghiệp internet tại Việt Nam về việc mức độ sẵn sàng với IPv6 của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, có 22/22 doanh nghiệp nhận thức rằng cần phải bắt đầu lên kế hoạch triển khai IPv6, một số cho rằng việc tích cực triển khai ứng dụng IPv6 ngay là cần thiết. 19/22 doanh nghiệp nhận định Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6 của Việt Nam có lộ trình và thời gian phù hợp. Còn lại 32 doanh nghiệp không có phản hồi trả lời khảo sát.
 
Theo đánh giá của Thường trực Ban công tác, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel và Công ty NetNam là các doanh nghiệp điển hình tích cực trong việc triển khai IPv6. Các doanh nghiệp này đã hoàn tất các nhiệm vụ cơ bản giao cho doanh nghiệp Giai đoạn 1 và đã thiết lập được đường kết nối thuần IPv6 ra quốc tế góp phần nâng cao lưu lượng và chất lượng các dịch vụ thử nghiêm trên IPv6, trong đó Công ty NetNam đã sẵn sàng cung cấp một số dịch vụ thương mại trên nền IPv6 cho khách hàng như dịch vụ hosting, dịch vụ kết nối... Về công tác sản xuất thiết bị, Viện thiết kế của Viettel đã thiết kế sản xuất mẫu USB IPv6. Viettel cũng đang nghiên cứu sản xuất điện thoại di động, thiết bị cho mạng truyền hình cáp,...hỗ trợ IPv6.
 
Tuy nhiên, một số khó khăn chung đối với các doanh nghiệp trong triển khai IPv6 đó là dịch vụ IPv6 chưa được phổ biến rộng rãi nên các hoạt động triển khai vẫn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa nắm được hiệu năng thực tế của thiết bị khi triển khai trên diện rộng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Chưa có nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung quan tâm tham gia để tạo được sự lan tỏa cần thiết. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ IPv6 của thiết bị đầu cuối khách hàng. Đại diện Viettel ước tính, hiện có khoảng 85% thiết bị đầu cuối khách hàng không hỗ trợ IPv6 khi chuyển đổi.
 
Để giải quyết vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia chỉ đạo trong thời gian tới các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đầu tàu trong nước như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cần tích cực đẩy mạnh sản xuất các thiết bị đầu cuối ngay tại Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin cũng cần đẩy mạnh xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn, lộ trình hợp quy hợp chuẩn đối với thiết bị dịch vụ IPv6, đặc biệt là các thiết bị đầu cuối. Thứ trưởng cũng cho biết, trong giai đoạn 1, Ban công tác đã phối hợp với Ban soạn thảo Nghị định về internet xây dựng riêng 1 điều về thúc đẩy ứng dụng IPv6, theo đó, coi công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và các hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Công nghệ cao.
 
Hành động trước khi quá muộn
 
Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4, với hai mục đích cơ bản: Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động internet; khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.
 
Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bít chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.
 
Trong khi đó, địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua.
 
Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu. Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 đã cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên internet.
 
Trước sự cần thiết phải chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ IPv6, ngày 29/03/2011, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6. Mục tiêu chung của Kế hoạch là bảo đảm trước năm 2020 toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6).
 
Lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2011 - đến 2012): Giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ 2013 - đến 2015): Giai đoạn khởi động. Giai đoạn 3 (từ 2016 - đến 2019): Giai đoạn chuyển đổi.