Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 15 (từ ngày 6-12/04/2013)

Tuần qua, thông tin được các báo điện tử quan tâm và đưa tin về ngành thông tin và truyền thông là việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức và quản lý viễn thông ASEAN - Hội nghị có sự tham dự của các quan chức về viễn thông và CNTT của 10 nước ASEAN. Tái cơ cấu doanh nghiệp VNPT, số hóa truyền hình tại Việt Nam, cuộc đua giá cước 3G của các nhà mạng. Việc khởi công xây dựng đô thị CNTT hiện đại tại miền Trung cũng được các báo đưa tin phản ánh khá rõ nét. Các Website tại Việt Nam bị hacker xâm nhập tiếp tục được các báo tập trung khai thác…

img

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)


VIỄN THÔNG

+Hội nghị quan chức và quản lý viễn thông ASEAN

Hội nghị Quan chức và các nhà quản lý viễn thông ASEAN (TELSOM-ATRC Leaders Retreat) diễn ra trong hai ngày 11/4/2013 và 12/4/2013, tại thành phố Hải Phòng. Hội nghị có sự tham dự của các quan chức về viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) 10 nước ASEAN. Đây là một trong những hoạt động thường niên trong khuôn khổ hợp tác về ICT giữa các nước ASEAN. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trần Đức Lai đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà các nước ASEAN đã đạt được trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác nội khối về ICT, với ngày càng nhiều dự án được đề xuất triển khai có tính hiệu quả cao. Ngay trước Hội nghị này, theo cơ chế luân phiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức phiên họp Nhóm công tác Các nhà quản lý Viễn thông ASEAN (ATRC JWG/WGs) từ ngày 8 đến 10/4/2013 và phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức diễn đàn chính sách phổ tần ASEAN lần thứ 2.

+Cuộc đua 3G, mạng nhỏ lo “sập bẫy”

3G được nhận định là xu hướng của di động Việt Nam. Thế nhưng, 3G lại đang được ví như chuyện đầu tư làm thương hiệu hơn là chuyện lợi nhuận cho nhà mạng bởi đầu tư quá lớn nhưng thu hồi vốn lại khá mịt mờ. Sau khi tung ra gói cước 3G không giới hạn áp dụng cho máy tính khi các khách hàng chỉ phải trả tối đa là 120.000 đồng/tháng; tháng 12/2011, MobiFone, VinaPhone và Viettel đều đồng loạt giới thiệu gói cước không giới hạn cho người dùng điện thoại di động với mức giá siêu rẻ chỉ còn 40.000 đồng/tháng. Mức giá cước 3G của Việt Nam đang thuộc diện rẻ nhất thế giới, so sánh Thái Lan, cước 3G của Việt Nam rẻ hơn khoảng 10 lần. Nói như nhận định của lãnh đạo MobiFone “Nếu cạnh tranh quá mức thì không phát triển được và không có lợi nhuận để tái đầu tư.”

Tuy thị trường di động Việt Nam đang có 5 mạng di động nhưng 3G lại là cuộc chơi của những đại gia. Năm ngoái, Vietnamobile nhập cuộc đua 3G nhưng chỉ phủ sóng ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Một câu hỏi được đặt ra là 3G là xu hướng của tương lai tại sao các mạng di động nhỏ không thể tham chiến? Theo thống kê của Bộ TT&TT cuối năm 2012, sau 3 năm phát triển thị trường di động Việt Nam đang có khoảng 16 triệu thuê bao 3G. Nếu tính trung bình mỗi thuê bao trả cho nhà mạng 50.000 đồng/tháng thì nhà mạng sẽ thu về khoảng 800 tỷ đồng/tháng (tương đương với 20 triệu USD). Như vậy, mỗi năm cả thị trường di động Việt Nam đạt được khoảng 120 triệu USD từ 3G/năm.

+VNPT không nên giữ chân thuê bao cố định bằng mọi giá

Bộ TT&TT cho rằng sự sụt giảm thuê bao cố định là xu thế tất yếu, vì vậy VNPT không nên giữ thuê bao cố định bằng mọi giá, nhưng cần phát triển hạ tầng cố định băng rộng đa dịch vụ vì đây là xu hướng tương lai. Ngày 9/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Sở TT&TT Hoà Bình, Bưu điện tỉnh Hòa Bình và Viễn thông Hòa Bình. Phát biểu tại buổi làm việc với Viễn thông Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao nỗ lực của Viễn thông Hòa Bình, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải như gánh nặng nhân lực đông, độ tuổi cao - đây cũng là đặc thù chung của nhiều viễn thông tỉnh thành thuộc VNPT. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ cố định vốn là chủ lực lại giảm mạnh. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho rằng, phải tính dựa trên bài toán tổng thể của VNPT, cần xem xét lại việc cứ đơn vị nào làm ăn có lãi thì lại tách ra hạch toán độc lập. Trong bối cảnh sụt giảm của dịch vụ điện thoại cố định như hiện nay thì các viễn thông tỉnh không nên giữ chân thuê bao cố định bằng mọi giá, nhưng cần phát triển mạnh hạ tầng cố định. Thực tế tại Viễn thông Hòa Bình doanh thu từ dịch vụ băng rộng đang phát triển tốt chiếm 32% tổng doanh thu và có thể tăng lên. Vì vậy, nếu doanh thu băng rộng tốt sẽ bù đắp phần sụt giảm từ doanh thu điện thoại cố định.

+ Thế giới cũng ngạc nhiên vì giá 3G của Việt Nam

Theo tính toán của các mạng di động, cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu. Ngay cả những "đại gia" tên tuổi như Google và Qualcomm cũng tỏ ra ngạc nghiên với cước 3G của Việt Nam. Mức chi phí sử dụng 3G "tẹt ga" nhưng chỉ phải trả chưa đến 2 USD mà các mạng di động Việt Nam đưa ra đã khiến nhiều đại gia CNTT thế giới cũng phải ngạc nghiên. Tại buổi tọa đàm về Internet Việt Nam được tổ chức hồi tháng 6/2012, đại diện của Google tỏ ra ngạc nhiên một đất nước như Việt Nam lại có thể triển khai 3G rộng khắp đến gần 100% dân số và có nhiều gói cước 3G khoảng 2 USD.Còn tại Việt Nam, phía Qualcomm đưa ra nhận định cơ sở hạ tầng 3G ở Việt Nam là một trong những nước tốt nhất Châu Á, số thuê bao 3G trong nước đạt khoảng 20 triệu và theo số liệu từ Bộ TT&TT mạng 3G đã phủ tới 90% dân số Việt Nam.

+Tái cơ cấu nhưng vẫn giữ thương hiệu MobiFone và VinaPhone

 "Trong quá trình tái cơ cấu sẽ phải giữ các thương hiệu mạnh như Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có giá trị hàng tỷ USD và cũng để giữ thế chân kiềng cho viễn thông Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh. Ngày 8/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Bộ T&TT Lê Nam Thắng cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ đã tới thăm và làm việc với MobiFone.Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá cao tính chuyện nghiệp của MobiFone qua thời gian hợp tác với đối tác Comvik (Thụy Điển) vẫn giữ được bộ gen “Tây” nhưng được Việt hoá. MobiFone hiện đứng trong Top 10 thương hiệu lớn của Việt Nam. Những năm qua, MobiFone liên tục có doanh thu và lợi nhuận tăng tốt, đặc biệt là đạt năng suất cao nhất trong các doanh nghiệp viễn thông và cũng là doanh nghiệp được xếp hạng đóng thuế cao nhất cho nhà nước. Bộ trưởng cho biết, tái cơ cấu VNPT gồm 3 nội dung: mục tiêu, nội dung và lộ trình thực hiện. Việc này được làm thận trọng, dân chủ công khai nhưng không chậm trễ. Bộ sẽ lấy ý kiến các đơn vị của VNPT về đề án tái cơ cấu. Đây là sản phẩm trí tuệ tập thể của cán bộ, công nhân viên chức VNPT nên mỗi cán bộ, mỗi doanh nghiệp phải ý thức trách nhiệm đối với việc xây dựng đề án.


BÁO CHÍ

+ Số hóa truyền hình sẽ mở đường cho 4G tại VN

Lựa chọn công nghệ truyền hình số mặt đất, sử dụng phổ tần hài hòa hậu số hoá,... là các vấn đề được thảo luận tại Hội nghị diễn đàn chính sách tần số vô tuyến điện (ASPF) lần thứ 2 tại Hải Phòng, sáng 8/4 do Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ TT&TT tổ chức. Trong bối cảnh hiện tại, để có thể triển khai số hóa truyền hình, đòi hỏi các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khai thác và sản xuất thiết bị tham gia công tác quy hoạch, xây dựng và chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ tương tự sang truyền hình số. Đặc biệt cần nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp, đài phát thanh truyền hình triển khai thuận lợi quá trình số hóa. Để tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có cơ hội thảo luận các vấn đề lựa chọn công nghệ truyền hình số mặt đất, kinh nghiệm về chuyển đổi truyền hình tương tự sang truyền hình số, bộ chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia cho truyền hình số cũng như sử dụng băng tần sau số hóa truyền hình số, ngày 8/4, Cục Tần số Vô tuyến điện đã tổ chức Hội nghị diễn đàn chính sách tần số vô tuyến điện (ASPF) lần thứ 2 tại Hải Phòng với chủ đề: Quản lý tần số liên quan đến truyền hình số mặt đất.Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia tần số đến từ châu Âu và Đông Nam Á. Ngoài ra Hội nghị cũng thu hút được sự quan tâm của các đài truyền hình, các nhà sản xuất thiết bị, phát triển giải pháp viễn thông. Các nội dung của Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình số hóa truyền hình, xây dựng quy hoạch, lựa chọn công nghệ truyền hình số cũng như sử dụng phổ tần hài hòa trong khu vực.

+ Đạo đức người làm báo khi khai thác, xử lý nguồn tin

Các phóng viên, biên tập viên, kể cả cộng tác viên cần cẩn trọng, không nên vội vàng khai thác, xử lý thông tin trên mạng Internet (cả báo điện tử được cấp phép lẫn các trang, mạng xã hội), mà chỉ nên xem đó là nguồn tham khảo để có thông tin nhiều chiều, đa dạng cho bài viết của mình. “Ngay cả khi thông tin do các báo điện tử (được cấp phép) đăng đúng sự thật 100% thì phóng viên cũng không nên “copy,” sao chép nguyên bản lại. Nếu chỉ vì để kịp đăng tải trên báo của mình mà liều lĩnh “copy” rồi thêm mắm, thêm muối, xào nấu, biến thành tin bài của mình là rất tai hại. Chính việc thêm mắm, thêm muối đã biến cái tin có một thành hai, ba, thậm chí làm sai bản chất sự kiện, đưa thông tin không đúng tới bạn đọc," nhà báo Nguyễn Chí Long, Tổng biên tập Tạp chí Langbiang, nhấn mạnh.Tại Lâm Đồng cũng đã xảy ra nhiều trường hợp đưa tin sai, khai thác lại thông tin thiếu kiểm tra, kiểm chứng vì người làm báo chưa ý thức sâu sắc về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Lâm Đồng, bà Trần Thị Mai Phương chia sẻ về trường hợp một tờ báo đăng tin sau cơn mưa người ta vớt được hàng tấn rác ở hồ Xuân Hương, kèm theo ảnh minh họa. Tin này được nhiều báo điện tử đăng lại. Nhưng sự thật là Công ty Quản lý Công trình đô thị Đà Lạt cắt cỏ xung quanh hồ Xuân Hương và nhân viên công ty đang thu gom số cỏ đã cắt để chờ xe chở đi.


+ VCTV: Độc... nhiều quyền nên không cần khách hàng?

“Bỗng dưng bị… cắt cáp truyền hình,” khách hàng gọi điện nhiều lần, đến khi gặp được tổng đài viên của Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) để phản ánh nhưng khách hàng phải đợi rất lâu mà vẫn chưa được phục vụ. Sau chuyến công tác trở về, bật tivi xem thời sự, chị T (sinh sống tại tòa nhà Keangnam,Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy rất bực bội khi thiết bị này không thể kết nối với đường cáp của đài truyền hình mà chị vẫn thường sử dụng. Chị T cũng cho rằng, sở dĩ VCTV coi thường khách hàng như vậy cũng bởi đơn vị này đang nắm thế thượng phong trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện cả nước có trên 40 công ty truyền hình trả tiền. Song trên thực tế, thị trường đang nằm ở một số đơn vị lớn mà tiêu biểu là VTV và đối tác với khoảng 3 triệu thuê bao trên tổng số 4,5 triệu thuê bao trên cả nước (3 đơn vị là VCTV, SCTV, K+).
Trong khi dự báo của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thì dự báo, đến năm 2015 sẽ có 6,4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Con số này sẽ đạt trên 14,2 triệu vào 2020. Và, doanh thu từ phương thức truyền hình trả tiền sẽ bắt kịp và vượt qua truyền hình quảng bá. (Doanh thu truyền hình quảng bá năm 2012 dự kiến vào khoảng 11.500 tỷ đồng, truyền hình trả tiền là 3.772 tỷ đồng, đến 2020 lần lượt là 17.065 tỷ đồng và 20.478 tỷ đồng). Đây rõ ràng là một mảnh đất béo bở. Song, khi các doanh nghiệp viễn thông như FPT, Viettel, VNPT xin gia nhập, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam lập tức “giãy nảy,” nộp đơn kiến nghị và tìm mọi cách “ngăn sông cấm chợ.”

 ‘Phổ cập’ truyền hình ở miền núi qua… chảo lậu

Các huyện miền núi Nghệ An chiếm số lượng dân cư khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa được tiếp cận với truyền hình có chất lượng vì sóng rất kém. Muốn xem tivi, không còn cách nào khác ngoài dùng chảo lậu. Qua rồi cái thời xem tivi với giàn ăng-ten cao vút trên nóc nhà, giờ đây nhà nào cũng trang bị chảo thu với số lượng kênh ít thì 19, nhiều thì lên đến 40 kênh, từ các kênh Trung ương đến địa phương, từ thời sự đến giải trí.Được biết ở đây người dân chủ yếu sử dụng loại đầu thu sóng truyền hình được bán với giá dao động từ 550 – 650 nghìn đồng, tuy giá thành rẻ nhưng loại sản phẩm này tỏ ra khá hiệu quả và rất được “ưa chuộng” tại đây. Cho nên loại đầu thu mà người dân ở đây quen gọi là “chảo lậu” vừa rẻ vừa đáp ứng tốt nhu cầu của bà con được coi là lựa chọn sáng suốt, bên cạnh đó loại sản phẩm này khi sử dụng không hề mất phí hàng tháng, một điều ít thấy tại các khu vực “dưới xuôi”.


CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+Hơn 300 website tại Việt Nam bị hacker xâm nhập

Thống kê từ hệ thống giám sát của Công ty An ninh mạng Bkav cho thấy, trong tháng ba đã có 315 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập. Đây là một trong những công bố quan trọng mà Bkav đưa ra trong Bản tin an ninh mạng của đơn vị này. Trao đổi với phóng viên Vietnam+ sáng 9/4, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của Bkav, trong số các website bị hacker “động chạm” nói trên, có 10 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước và 305 trường hợp do hacker nước ngoài. Trước đó, trong Bản tin an ninh mạng tháng hai, Bkav cũng cho biết có 216 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập; trong đó có 14 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 202 trường hợp do hacker nước ngoài. Tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật diễn ra vào cuối tháng ba vừa qua, Đại tá Trần Văn Hòa (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An), số lượng tội phạm công nghệ cao tăng nhanh. Thậm chí thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra trong năm 2012 cho thế giới khoảng 400 tỷ USD, đứng sau ma túy (460 tỷ USD).

+Xây khu CNTT Đà Nẵng giống Thung lũng Silicon

Ngày 6/4, lễ khởi công Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng đã diễn ra tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Công trình có tổng diện tích 341ha, do Tập đoàn Rocky Lai & Associates (Hoa Kỳ) đầu tư với tổng vốn 278 triệu USD. Giai đoạn 1 (131ha) của dự án được triển khai trong 4 năm (từ 2013 đến 2017) với vốn đầu tư 82 triệu USD; giai đoạn 2 (210ha) triển khai trong 6 năm (2017-2023) với vốn đầu tư 196 triệu USD. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở khu công nghiệp mà hứa hẹn trở thành nơi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ thông tin, trở thành cộng đồng công nghệ thông tin, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một khu công nghệ thông tin (bao hàm cả khu công nghiệp, khu công nghệ cao) do Tập đoàn tư nhân nước ngoài thực hiện.

Tin liên quan:

-Khu đô thị CNTT đầu tiên và hiện đại bậc nhất miền Trung được khởi công


BƯU CHÍNH

+ Quyết giữ khách, cước bưu chính chưa tăng theo giá xăng

 Năm 2013, mặc dù chi phí của các doanh nghiệp bưu chính tăng lên hàng tỷ đồng do phải đóng phí phương tiện và giá xăng tăng đột biến, nhưng không một doanh nghiệp nào nghĩ tới chuyện tăng cước dịch vụ do sợ mất khách. Ông Nguyễn Văn Tú - Tổng giám đốc Kerry TTC Express cho biết, doanh nghiệp này vẫn "án binh bất động" chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước. Bởi nếu tăng cước dịch vụ bưu chính trong điều kiện kinh tế đang khó khăn như hiện nay, rất có thể khách hàng sẽ chuyển những dịch vụ vận chuyển chất lượng thấp hơn để tiết kiệm chi phí. Tháng 4/2012, Express đã điều chỉnh lại giá cước ở nhiều tuyến. Những tuyến vùng xa hoặc đi qua hàng không thì cước có tăng, còn những tuyến mà có đường trục của hãng này chạy qua sẽ được giảm cước đáng kể. Với chính sách này các tỉnh miền Tây được giảm giá khá nhiều, còn tuyến Hà Nội - TP.HCM đi các tỉnh miền núi phía Bắc thì cước tăng ở nấc khối lượng lớn. "Thực chất mức tăng không đáng kể vì chúng tôi cũng lo giữ khách hàng", ông Tú nói. Cũng từ năm 2013, Bưu chính Viettel bắt đầu mở rộng cung cấp những dịch vụ vận chuyển hàng hóa và thu tiền cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Đồng thời, Bưu chính Viettel đã hợp tác với Viễn thông Viettel để sử dụng 15.000 cộng tác viên thu cước viễn thông đảm nhiệm thêm khâu phát hàng hóa, bưu gửi cho ViettelPost.

+15.000 cộng tác viên viễn thông phát hàng cho ViettelPost

Từ tháng 4/2013, khi khoảng 15.000 cộng tác viên của Viettel Telecom tham gia phát bưu gửi cho Bưu chính Viettel thì mạng lưới của doanh nghiệp này sẽ được mở rộng tới tận các xã, thôn, bản trên toàn quốc. Thỏa thuận hợp tác sử dụng đội ngũ cộng tác viên viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính giữa Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) và Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) được chính thức ký kết ngày 28/3/2013. Còn 15.000 cộng tác viên của Viettel Telecom sẽ có thêm việc làm, thu nhập và tích lũy thêm được kinh nghiệm của một “nhân viên đa nhiệm”. Điều này càng có ý nghĩa khi Viettel Telecom vẫn muốn đảm bảo thu nhập ổn định cho lực lượng cộng tác viên trong bối cảnh thị trường viễn thông có xu hướng bão hòa. Trước đó, từ cuối năm 2010, Viettel Telecom và ViettelPost đã “bắt tay” triển khai mô hình cửa hàng đại lý ủy quyền viễn thông - bưu cục của Bưu chính Viettel tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông của Viettel Telecom. Tính đến cuối năm ngoái, ViettelPost đã đưa vào hoạt động 18 cửa hàng đại lý ủy quyền tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu, Thái Bình, Phú Thọ, Gia Lai, TP.HCM, Cà Mau…

+Ra mắt tem A.Yersin trong khuôn khổ "Mùa Pháp tại Việt Nam"

Sự kiện ra mắt tem bưu chính chung kỷ niệm quan hệ Pháp - Việt Nam về nhà khoa học Pháp có nhiều năm gắn bó với Việt Nam Alexandre Yersin ngày 20/9/2013 tại Hà Nội là 1 trong hơn 50 sự kiện chính của "Mùa Pháp tại Việt Nam". Danh sách những sự kiện tiêu biểu của “Mùa Pháp tại Việt Nam” (Năm Pháp-Việt Nam 2013) vừa được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam công bố. Chính thức khai mạc ngày 9/4/2013 tại Hà Nội, “Mùa Pháp tại Việt Nam” gồm một chuỗi các sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, quốc phòng, thể thao, văn hóa, sáng tạo nghệ thuật… diễn ra tại một số tỉnh, TP lớn của Việt Nam từ tháng 4 đến tháng 12/2013 nhằm giới thiệu tới người dân Việt Nam những nét đặc trưng nhất của nước Pháp.


 

Nguồn: Tổng hợp từ Internet