Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 5/2013 (từ ngày 26/01- 1/2/2013)

Cuộc họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 và buổi gặp gỡ báo chí của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là những thông tin nổi bật được các báo đưa tin tuần qua. Bên cạnh đó là những thông tin về hoạt động của toàn ngành như các doanh nghiệp di động chống nghẽn mạng dịp Tết, Viettel công bố doanh thu và vốn đầu tư tại nước ngoài và mở tổng đài dành cho người dân tộc…

img

 

 

BÁO CHÍ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời báo chí ngày 30/01/2013
"Lãnh đạo cơ quan Nhà nước phải gương mẫu ứng dụng CNTT"

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, một trong những giải pháp chính để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong thời gian tới là người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải gương mẫu ứng dụng CNTT. Tại cuộc gặp gỡ báo giới tối 30/1/2013, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng song vẫn còn nhiều hạn chế và nhiều việc cần phải làm.
Cụ thể, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã góp phần nâng cao năng suất, đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính công minh bạch và hiệu quả. 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã có Cổng thông tin điện tử sẵn sàng cung cấp thông tin và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân.  Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết để tạo những bứt phá ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; nói cách khác, người đứng đầu phải quan tâm, nêu gương trong việc ứng dụng CNTT và có sự cam kết trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Ngoài ra, còn có một số bài viết liên quan đến thông tin này:
- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
"Chủ động trong việc cung cấp thông tin chính thống kịp thời và đầy đủ; tích cực phát triển nội dung lành mạnh trên mọi phương tiện thông tin truyền thông theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son trả lời phỏng vấn báo chí về các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT tối 30/1/2013, trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013.
 -“DN viễn thông không được phép kinh doanh ngoài ngành”
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong năm 2013, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thúc đẩy việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ không được phép kinh doanh ngoài ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hà Nội: Khai mạc Hội Báo xuân Quý Tỵ năm 2013
Sáng 29/1, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã khai mạc Hội Báo xuân Quý Tỵ 2013 và trao giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố năm 2012 cùng một số giải thưởng khác.
27 gian hàng của các cơ quan báo chí Thủ đô, Trung ương và các ngành với hàng trăm ấn phẩm đặc sắc được trình bày một cách sinh động, hấp dẫn đã thu hút đông đảo khách tham quan.
Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, ông Trần Gia Thái nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội Báo Xuân là một trong những việc làm thiết thực đưa báo chí đến với bạn đọc, lắng nghe ý kiến của công chúng để báo chí được cải tiến và nâng cao chất lượng.
Tại buổi lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải báo chí Ngô Tất Tố, bao gồm: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 20 giải khuyến khích.


+ VTC hướng tới mục tiêu thoát lỗ
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) đặt mục tiêu doanh thu năm 2013 đạt khoảng 5.606 tỷ đồng, tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận chỉ khiêm tốn ở mức 12 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc VTC cho biết, ngoài mức doanh thu và lợi nhuận trên, ở khối dịch vụ truyền hình và nội dung số VTC đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 10% so với năm 2012. Đây là năm đầu tiên Tổng công ty này thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2012 – 2015 vừa mới được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt (hôm 11/1). Trước đó, ba năm nay, từ 2010- 2012, VTC gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các dịch vụ lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí trong hai năm 2011 - 2012, VTC đã liên tục bị thua lỗ. Theo đề án tái cơ cấu được phê duyệt, VTC sẽ sắp xếp lại chỉ còn 9 đơn vị trực thuộc theo ba nhóm ngành kinh doanh chính là truyền hình, nội dung số và viễn thông.

 

VIỄN THÔNG
+ Không được khóa mã kênh truyền hình quảng bá
Khi triển khai số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được khóa mã các kênh truyền hình thiết yếu, phục vụ thông tin chính trị, xã hội. Thông tin trên được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong buổi Họp báo công bố triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 vào chiều ngày 31/1, tại Hà Nội.Theo đó, Đề án số hóa truyền hình mặt đất đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ phủ sóng để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Ngoài ra, 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.Theo lộ trình của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là DVB-T và các phiên bản tiếp theo (theo tiêu chuẩn truyền hình số châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.
Một số bài viết liên quan đến thông tin này:
- Từ 1/1/2014 áp dụng tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T
- VTV, VTC, AVG sẽ “độc quyền” dịch vụ truyền dẫn phát sóng

+ VinaPhone, MobiFone khẳng định không chặn tin nhắn miễn phí
Trước những thông tin cho rằng nhà mạng đang "làm khó" các ứng dụng nhắn tin miễn phí qua mạng Internet như Line và Kakao Talk, đại diện VinaPhone và MobiFone khẳng định không làm việc này và sẵn sàng hợp tác để khắc phục nếu thực sự đã xảy ra sự cố. Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn như Heaveniphone... đã có một số topic than phiền về hiện tượng sử dụng mạng 3G của VinaPhone hoặc MobiFone không thể gửi tin nhắn qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí như Line và Kakao Talk và chỉ có thể dùng khi sử dụng các ứng dụng VPN (mạng riêng ảo) trong khi những ai dùng mạng của Viettel thì vẫn đang gửi tin được bình thường. Gần đây, người dùng tại Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều hơn những phần mềm gọi điện Internet miễn phí thông qua mạng WiFi hay 3G giữa các smartphone, trong đó tiêu biểu là các phần mềm WhatsApp, Viber, Line... hay các phần mềm "made in Vietnam" như Zalo (VNG), FPT Chat (FPT)... Người dùng chỉ cần vào Appstore hay Google Play để tải phần mềm về, đăng nhập số điện thoại, máy sẽ tự động gửi mã xác thực và tìm kiếm trong danh bạ những bạn bè đã dùng ứng dụng. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng gọi điện, nhắn tin miễn phí với nhau thông qua kết nối Internet.

+ Tết Quý Tỵ sẽ không nghẽn mạng
25/1, MobiFone đã thông báo hoàn tất công tác bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng, tối ưu hóa mạng lưới, đào tạo và bố trí nhân lực trực, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin di động tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, bảo đảm không xảy ra tình trạng nghẽn mạng trong những ngày này. Đại diện của nhà mạng khẳng định, hệ thống mạng lưới của MobiFone đã được chuẩn bị sẵn sàng, MobiFone đã bố trí nhân lực, triển khai các phương án kịp thời ứng cứu thông tin khi có sự cố để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho hơn 43 triệu khách hàng của MobiFone trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Trước đó, ngày 21/1, mạng di động VinaPhone cũng đã đưa ra thông báo hoàn tất công tác nâng cấp, mở rộng mạng lưới, bổ sung các trạm thu phát sóng, tối ưu hóa các tổng đài, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Dung lượng mạng hiện tại của VinaPhone có thể đáp ứng được 200% - 300% nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin di động hàng ngày. Hệ thống tổng đài cũng được nâng cấp sẵn sàng đáp ứng cho khoảng 60 triệu thuê bao đang hoạt động.
Bài viết liên quan đến thông tin này:
- "Đại gia" di động khuyến cáo thuê bao cùng chống nghẽn

+ Hà Nội: Sẽ phủ wifi miễn phí tại khu phố thông minh
Theo quy hoạch đang được Sở TT&TT trình UBND thành phố, Hà Nội sẽ chọn làm điểm một khu phố thông minh và phủ sóng wifi miễn phí tại đó.Trao đổi với phóng viên ICTnews, bà Kim Lan Hương, Trưởng Phòng Ứng dụng CNTT, Sở TT&TT Hà Nội cho biết Hà Nội không thể phủ sóng wifi miễn phí trên phạm vi toàn thành phố như Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long vì phạm vi của Hà Nội quá rộng. Việc phủ sóng wifi miễn phí có thể kích thích phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần xác định rõ nên phủ sóng ở địa điểm nào để tránh lãng phí bởi khoản đầu tư cho hệ thống wifi không nhỏ. Theo công bố cuối năm ngoái của Sở TT&TT Đà Nẵng, hệ thống kết nối không dây (wifi) trên toàn thành phố Đà Nẵng được đầu tư với tổng kinh phí lên tới 1 triệu USD. Với tiềm năng của một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế thì chi phí đầu tư này sẽ giúp đem lại một nguồn doanh thu lớn hơn rất nhiều từ hoạt động du lịch cho ngân sách thành phố. “Trong quy hoạch đang trình UBND thành phố, dự kiến Hà Nội sẽ chọn một khu phố để làm điểm xây dựng khu phố thông minh và phủ wifi miễn phí tại khu phố này để phục vụ du lịch và phát triển kinh tế. Có thể là một khu phố ở quận Hoàn Kiếm. Dự kiến cuối tháng 1/2013 hoặc sau Tết Âm lịch sẽ có quyết định phê duyệt quy hoạch này”, bà Hương chia sẻ.

+ Khi 3G tiến gần với cuộc sống
Kết nối ở mọi nơi, đáp ứng mọi nhu cầu cho học tập, công việc, giải trí hay giao lưu với cộng đồng, công nghệ 3G ngày càng trở nên thông dụng và hữu ích trong cuộc sống người dân Việt Nam. Chiếc USB 3G nhỏ gọn, cơ động mang bên mình; hay chiếc sim xinh xắn gắn vào tablet cùng với những thiết bị cá nhân di động đã trở thành “bảo vật” không thể thiếu của nhiều người. Kết nối ở mọi nơi, đáp ứng mọi nhu cầu cho học tập, công việc, giải trí hay giao lưu với cộng đồng, công nghệ 3G ngày càng trở nên thông dụng và hữu ích trong cuộc sống người dân Việt Nam. Theo đánh giá của đại diện các nhà phân phối thiết bị di động lớn, trong số các hệ điều hành như Android, Windows Phone, iOS, thì các sản phẩm dùng Android đang “áp đảo” nhờ giá thành ngày càng giảm dần, cùng với chất lượng và hiệu năng khá cao, mẫu mã đa dạng. Thống kê gần đây của Hãng nghiên cứu Thị trường IDC cũng cho thấy, Android hiện đang chiếm khoảng 79% thị phần tại thị trường Việt Nam. Cùng đó, giá dịch vụ 3G cũng ngày càng “hợp lý hơn”, với nhiều khuyến mãi, ưu đãi cho các đối tượng học sinh, sinh viên để thu hút người dùng. Dù chính sách cước và dịch vụ nội dung có chút khác biệt, song mức giá phổ thông để một thuê bao có thể online 24/7 chỉ vào khoảng từ 15 nghìn đồng / tháng (dành cho nhu cầu đọc báo, lướt web thông thường) cho đến 40 nghìn đồng/ tháng.

+ Từ chối vay tiền Mỹ cho Vinasat-2
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây đã từ chối nguồn vốn vay hơn 100 triệu USD cho dự án vệ tinh Vinasat-2. Cụ thể, lý do VNPT từ chối khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Export-Import Bank) cho dự án vệ tinh Vinasat-2 đã phóng lên quỹ đạo hồi giữa tháng 5/2012 là VNPT và ngân hàng này đã không thống nhất được một số điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn thay thế đã được VNPT thu xếp vay từ một ngân hàng nước ngoài. Trước đó, lãnh đạo VNPT cho biết tập đoàn này dự kiến vay 125,9 triệu USD của Eximbank Mỹ để đầu tư cho Vinasat-2. Bên lề lễ bàn giao vệ tinh Vinasat-2 giữa VNPT và nhà thầu sản xuất vệ tinh Lockheed Martin, sáng 4/7/2012, trả lời VnEconomy, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, việc VNPT dự tính vay vốn của Mỹ cho Vinasat-2 do lãi suất của khoản vay trên khá thấp và hợp lý và thấp hơn nhiều so với lãi suất nếu VNPT vay ở trong nước. Đồng thời, nguồn vốn vay này cũng có sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, vì thông thường, với những dự án của Mỹ, ví dụ như dự án Vinasat-2 do Mỹ sản xuất thì chính phủ nước này sẽ có khoản hỗ trợ lãi suất vay.

+ Cấu trúc nguồn thu của VinaPhone thay đổi lớn
VinaPhone vừa cho biết đạt tổng doanh thu trên 1 tỷ USD (gần 25.000 tỷ đồng) và có tốc độ phát triển thuê bao thực mới có phát sinh cước lên tới 30% trong năm 2012. Tổng thuê bao thực của nhà mạng này đến cuối năm 2012 đạt gần 22 triệu, tăng 6 triệu so với 2011. Đặc biệt, doanh thu từ mảng phi thoại của VinaPhone tăng đột biến và chiếm tới 52% tổng cước thu được. Theo lý giải VinaPhone, có ba lý do dẫn tới kết quả trên. Thứ nhất, năm 2012, họ đã phát triển thành công nhiều dịch vụ gia tăng mới, trong đó có nhiều tiện ích trên nền 3G. Tổng số lượng dịch vụ gia tăng của VinaPhone vào cuối năm đã lên tới con số 80. Đây là nhân tố kích thích tiêu dùng và làm gia tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ phi thoại. Thứ hai, hạ tầng 3G của VinaPhone có sự đầu mạnh về cả vùng phủ lẫn chất lượng, hỗ trợ tốt hơn việc sử dụng các dịch vụ phi thoại của khách hàng. Trong năm trước, VinaPhone đã nâng cấp mạng lưới từ 3G lên 3,5G, đưa tốc độ download tối đa lên 21,6 Mbps và upload tới 5,76 Mbps. Doanh thu từ các dịch vụ 3G tăng tới 60% trong năm 2012 là một kết quả cụ thể cho hướng đầu tư đó.

+ Viettel ra mắt bộ tính năng Buôn làng
Hôm nay (29.1), Viettel đã chính thức ra mắt bộ tính năng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số với hệ thống tổng đài hỗ trợ 7 ngôn ngữ Thái, Tày-Nùng, H’Mông, Dao, Gia-rai, Khơ-me, Ê Đê. Điện thoại viên người dân tộc trực tiếp giải đáp dịch vụ miễn phí qua tổng đài, từ  hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi cho đến cung cấp tin tức tổng hợp, kể chuyện, nghe nhạc trực tuyến bằng tiếng dân tộc. Bộ tính năng Buôn làng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ra mắt kịp thời đúng dịp Tết Nguyên Đán như một món quà xuân dành cho đồng bào Thái, Tày – Nùng, H’Mông, Dao, Gia-rai, Khơ-me, Ê- Đê. Đây cũng là lần đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số có sản phẩm viễn thông di động hỗ trợ ngôn ngữ của mình. Cũng trong dịp mắt bộ tính năng Buôn làng, Viettel dành tặng 500 phần quà là bộ thiết bị đèn và sạc pin năng lượng mặt trời cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn, đặc biệt là bà con sống tại các vùng không có điện lưới. Bộ thiết bị bao gồm đèn thắp sáng, bộ sạc để bà con sạc pin cho điện thoại, đèn, radio…Với nỗ lực xây dựng hạ tầng, mạng lưới đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm đưa dịch vụ viễn thông đến với đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, Viettel đã sở hữu hạ tầng lớn nhất Việt Nam với 56.000 trạm phát sóng 2G và 3G. Toàn bộ 2.685 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cả nước đã có sóng Viettel (đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 trạm BTS) mặc dù chi phí đầu tư và khai thác trạm BTS tại khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn, tốn kém gấp 2-3 lần so với thông thường trong khi hiệu quả kinh tế rất thấp.

+ Viettel tiết lộ doanh thu và vốn đầu tư tại nước ngoài
Số doanh thu trên được Viettel thực hiện tại 7 thị trường mà tập đoàn đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 4 thị trường đã kinh doanh, còn lại đang ở giai đoạn triển khai đầu tư, xây dựng. Một lãnh đạo của Viettel cho VnEconomy biết, trong tổng số vốn đầu tư tại mỗi thị trường, Viettel chỉ mang dưới 50% số vốn trong nước đi đầu tư, còn lại hơn 50% là Viettel tự đi vay ngân hàng tại những quốc gia đầu tư và nợ tiền từ các nhà cung cấp thiết bị, sau đó có lợi nhuận sẽ khấu hao, trừ nợ dần. “Tất nhiên, vay được, nợ được thì Viettel cũng phải có uy tín”, ông nói. Đến hết 2012, theo Tổng giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân, tập đoàn này đã chuyển 84 triệu USD về nước. Trong đó, được biết, chiếm tỷ trọng phần lớn là thị trường Camphuchia.Viettel dự kiến, năm 2013 sẽ chuyển về nước 150 - 160 triệu USD từ bốn thị trường đã kinh doanh gồm Campuchia, Lào, Mozambique và Haiti.
Bài viết liên quan:
-  Lợi nhuận từ nước ngoài của Viettel tăng 4 lần so với năm 2011

 

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
+ Bkav có giải pháp chống nghe lén trên di động

Phần mềm chống nghe lén của Bkav được phát triển sau khi báo chí đưa tin các công cụ nghe trộm trên di động được bán tràn lan, khiến người tiêu dùng lo sợ. Ngay sau khi có thông tin về sự việc, Bkav đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp chống phần mềm nghe lén trên điện thoại di động, tích hợp vào phần mềm bảo vệ smartphone - Bkav Mobile Security. Giải pháp này hỗ trợ các điện thoại dùng hệ điều hành Android, công ty an ninh mạng cho biết. Theo Bkav, để nghe lén điện thoại, thông thường kẻ xấu sẽ tìm cách cài phần mềm có chức năng này lên điện thoại của nạn nhân. Từ đó, mọi cuộc gọi đến và đi sẽ bị ghi âm lại, sau đó chuyển về một máy chủ trên Internet hoặc về địa chỉ email của kẻ nghe lén. Các dữ liệu quan trọng khác như nhật ký cuộc gọi, nội dung tin nhắn, hay vị trí của người sử dụng cũng dễ dàng bị kiểm soát và chuyển đến kẻ xấu. Thậm chí, phần mềm nghe lén còn có thể tự động tạo cuộc gọi đến số máy chỉ định trước, cho phép nghe được mọi âm thanh xung quanh nạn nhân. Bkav cho biết đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển giải pháp hỗ trợ cho những hệ điều hành khác.Cách đây chưa lâu, khi báo chí loan tin việc nhiều người sử dụng điện thoại tại Việt Nam đã bị mất tiền oan vì các cuộc gọi lừa đảo từ điện thoại vệ tinh, ngay sau đó, Bkav cũng công bố đã tích hợp thành công công nghệ tự động chặn các cuộc gọi lừa đảo này vào phần mềm Bkav Mobile Security.

+ Hà Nội trao giải ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước
17 giải tập thể và 7 giải thưởng cá nhân đã được trao cho các đơn vị và cá nhân ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiệu quả nhất trên địa bàn Hà Nội năm 2012. Điểm số của các đơn vị/cá nhân được xét dựa trên bốn lĩnh vực: hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT, nguồn nhân lực và môi trường chính sách. Các đơn vị, tổ chức cũng được chia thành bốn khối là Sở, Ban, ngành; UBND quận, thị, UBND huyện; UBND phường, xã, thị trấn.  Kết quả được công bố tại Lễ trao giải sáng nay, 26/1 tại Hà Nội đã tôn vinh 4 đơn vị đạt giải nhất 4 khối, gồm Cục Thuế (Khối Sở, ban, ngành), Quận Long Biên (Khối các Quận, thị), Huyện Từ Liêm (Khối UBND huyện) và phường Gia Thụy (khối xã, phường, thị trấn).
Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đầu tư trang thiết bị, hạ tầng và triển khai một số ứng dụng, giải pháp như phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc; “một cửa điện tử” liên thông từ quận, huyện đến phường, xã… Tại thời điểm này, 100% cơ quan Nhà nước trên thành phố đã được trang bị băng rộng và 69 dịch vụ công đang được cung cấp ở cấp độ 3 của Chính phủ điện tử.

+ Lần đầu tiên hội nghị phát triển phần mềm tự do nguồn mở được tổ chức

Ngày 26-1, lần đầu tiên Hội nghị phát triển phần mềm tự do nguồn mở (PMNM) ở trong nước được tổ chức với sự tham gia đầy đủ các thành phần từ người sử dụng cho đến lập trình viên và các doanh nghiệp hỗ trợ dịch vụ. Hội nghị nhằm thảo luận các chuyên đề kỹ thuật và định hướng phát triển PMNM, trong đó điểm nhấn là hệ thống CMS Nukeviet, PMNM thuần Việt được coi là tiên phong ở Việt Nam. Nukeviet ra đời từ năm 2004, sau một thời gian dài phát triển tự phát, phải đến năm 2010, cộng đồng những người phát triển và sử dụng mã mở Nukeviet mới đi vào hoạt động chuyên nghiệp với sự ra đời của công ty phát triển nguồn mở đầu tiên tại Việt Nam - VINADES. Sau gần 3 năm đi theo mô hình phát triển chuyên nghiệp, NukeViet đã giành được những thành quả nhất định: Năm 2010 được Bộ GD&ĐT chính thức khuyến khích sử dụng trong Thông tư 08/2010/TT-BGDĐT; tiếp đó NukeViet được trao giải Nhân tài đất Việt 2011 dành cho sản phẩm công nghệ thông tin đã ứng dụng rộng rãi.
Tại hội nghị người dùng lần đầu tiên này, nhiều chuyên gia cũng như người sử dụng PMNM Nukeviet đã trao đổi về các vấn đề như: mô hình phát triển của phần mềm tự do nguồn mở; sử dụng Github và tham gia phát triển code, xu hướng SEO của thế giới; cách thức tham gia, xây dựng cộng đồng PMNM hiệu quả...

 

BƯU CHÍNH
+ 2014: Phát hành tem kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
Theo Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2014, ngày 7/5/2014, bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014)” gồm 1 mẫu tem, sẽ được phát hành và cung ứng trên mạng bưu chính công cộng. Chương trình phát hành tem bưu chính năm 2014 vừa được Bộ TT&TT chính thức ban hành. Theo chương trình này, trong năm tới, Bộ TT&TT dự kiến sẽ phát hành tổng số 9 bộ tem bưu chính, gồm 24 mẫu tem và 2 blốc tem.
Riêng về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, theo danh mục tem Bưu chính Việt Nam, vào tháng 10/1954, chỉ 5 tháng sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), ngành Bưu chính đã kịp ghi dấu sự kiện quan trọng này bằng việc phát hành bộ tem “Chiến thắng Điện Biên Phủ” gồm 4 mẫu tem, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Từ đó đến nay, Bưu chính Việt Nam đã liên tục phát hành 5 bộ tem chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là: “Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, 4 mẫu và 1 blốc tem, phát hành năm 1964; “Kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, 2 mẫu tem, phát hành năm 1974; “Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, 7 mẫu tem và 1 blốc tem, phát hành năm 1984; “Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, 2 mẫu tem, phát hành năm 1994; và “Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, 2 mẫu, 1 blốc tem, phát hành năm 2004.

+ Sắp có thêm 352 điểm BĐVHX phổ cập Internet
Cùng với việc tiếp tục khai thác hiệu quả 323 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đã tham gia giai đoạn 1 Dự án BMGF-VN, dự kiến đến 30/1/2013 VietnamPost sẽ chốt danh sách 352 điểm BĐVHX triển khai thiết lập điểm Internet công cộng trong giai đoạn 2.
Là đơn vị tham gia triển khai Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (BMGF-VN), theo kế hoạch, dự kiến trong 3 giai đoạn của Dự án kéo dài từ cuối năm 2011 đến 2016, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - VietnamPost (trước đây là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) lựa chọn 1.000 điểm BĐVHX tham gia thiết lập điểm truy cập Internet công cộng tại 40 tỉnh trong cả nước. Trong đó, giai đoạn 1 có 323 điểm BĐVHX tại 12 tỉnh; giai đoạn 2 triển khai mở rộng tiếp tại 352 điểm BĐVHX thuộc 16 tỉnh; và giai đoạn 3 là 325 điểm thuộc 12 tỉnh.
Đại diện VietnamPost cũng cho biết, tổng doanh thu dịch vụ Internet của 323 điểm BĐVHX tham gia triển khai giai đoạn 1 Dự án BMGF-VN đạt khoảng hơn 152 triệu đồng/tháng, trung bình mỗi điểm BĐVHX đạt doanh thu khoảng 470.000 đồng/tháng.