Vietnam ICT Index 2012: Đà Nẵng và Bộ Công thương tiếp tục dẫn đầu

Đà Nẵng năm thứ ba liên tục dẫn đầu chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT khối các tỉnh – thành phố và Bộ Công thương hai năm liền duy trì vị trí số 1 khối Bộ ngành.

img
Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT Nguyễn Trọng Đường (phải) và Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Lê Hồng Hà (trái) tại lễ công bố Vietnam ICT Index 2012.  

Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Index 2012) vừa được Hội Tin học Việt Nam và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT công bố chiều 21-12.

Vietnam ICT Index được đánh giá theo bốn nhóm đối tượng: Bộ ngành, Tỉnh – thành phố, Doanh nghiệp Nhà nước lớn và Ngân hàng thương mại.

Trong khối Bộ ngành, đứng sau Bộ Công thương là Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ tăng đột biến từ vị trí 15 của năm ngoái lên vị trí thứ ba. Bộ Thông tin – Truyền thông cũng tăng ba bậc lên xếp vị trí thứ tư. Tuy nhiên, có nhiều bộ ngành tụt hạng như Bộ Ngoại giao tụt từ vị trí thứ nhì xuống hạng 7, Bộ Y tế tụt từ hạng 9 xuống từ hạng 14, Ngân hàng Nhà nước tụt từ hạng ba xuống hạng 9…

Trong khối các tỉnh thành, sau Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cũng đã ba năm duy trì ở vị trí thứ hai. Hải Phòng tăng bảy bậc lên vị trí thứ tư. Trong khi Hà Nội lùi từ vị trí thứ bảy xuống thứ 10. Theo Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Lê Hồng Hà, lãnh đạo Hà Nội từng đưa ra quyết tâm đưa Hà Nội vươn lên dẫn đầu, nhưng hai năm liền Hà Nội lại tụt hạng. Điều này không thể đổ lỗi mãi cho việc sát nhập Hà Nội và Hà Tây đã kéo tụt hạng. Một tỉnh có ứng dụng CNTT mạnh năm nay cũng tụt hạng, đó là Bắc Ninh đã tụt từ hạng ba xuống hạng chín. Một số tỉnh tụt hạng đọt biến khác là Ninh Thuận từ vị trí 31 xuống chót, Thái Bình từ 28 xuống 54, Hưng Yên từ 32 xuống 58…Ngoài ra, một số tỉnh lại tăng đột biến như Bình Phước từ hạng 49 lên 13, Ninh Bình từ 46 lên 17…

Trong khối doanh nghiệp, Tổng công ty Thép đã vươn từ vị trí thứ hai lên dẫn đầu, còn Tổng công ty Thương mại Sài Gòn nhảy ngoạn mục từ vị trí thứ 33 lên xếp thứ hai. Tuy nhiên, ba năm qua, các doanh nghiệp tham gia bảng xếp hạng một cách thất thường nên không thể có đánh giá tổng thể về khối này.

Dẫn đầu nhóm các ngân hàng thương mại vẫn là các ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ba năm liền dẫn đầu, tiếp đến là Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương. Đứng cuối bảng xếp hạng năm nay là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đây là năm thứ bảy Hội Tin học Việt Nam được Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT giao trọng trách xếp hạng ICT Index. Năm 2012, nhìn chung, các chỉ số về thực trạng ứng dụng CNTT-TT của các nhóm đối tượng đều tăng theo xu thế phát triển, có chỉ số đạt mức 100%. Về hạ tầng kỹ thuật, khối bộ ngành và ngân hàng có tỷ lệ gần 100% cán bộ công nhân viên có máy tính, trong khi các tỉnh thành chỉ ở mức gần 60%, doanh nghiệp chỉ 30%.

Trong khi các bộ ngành và ngân hàng có tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT ở mức cao thì tỉnh thành và doanh nghiệp còn ở mức khá thấp. Việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên mạng của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp gần đạt mức 100% và đang có xu thế tăng dần cho khối quận huyện và sở ngành. Triển khai hệ thống một cửa điện tử cấp huyện tốt hơn cấp tỉnh nhưng còn yếu ở khối các sở ban ngành.

Năm 2012, tuy kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ đầu tư cho CNTT-TT, đặc biệt cho khối tỉnh thành đã có mức tăng đáng kể so với các năm trước, đầu tư hạ tầng đạt hơn 3,6 triệu đồng/cán bộ công chức, chi cho ứng dụng CNTT đạt hơn 4,7 triệu đồng/cán bộ công chức.

Đại diện Hội Tin học Việt Nam cũng cho biết, năm nay, Vietnam ICT Index đã công bố chậm mất bốn tháng do một số đơn vị chậm nộp báo cáo. Do đó, đáng lẽ chỉ số này được công bố tại Hội thảo Hợp tác CNTT-TT Việt Nam lần thứ 16 ở Biên Hòa, Đồng Nai vào tháng 8 vừa qua thì phải đợi đến cuối năm. Tuy nhiên, Hội vẫn mong muốn báo cáo Vietnam ICT Index 2012 vẫn tiếp tục được đón nhận và sử dụng với ý nghĩa tích cực nhất.

Nguồn: Theo Nhandan.com.vn