Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 51 (từ 15/12/2012-21/12/2012)

Tuần này, giữ vị trí nổi bật trên các báo điện tử là sự kiện VNPT chính thức chuyển giao VietnamPost về Bộ TT&TT, CMC đầu tư mạnh để nâng tốc độ Internet quốc tế. Là thời điểm cuối năm nên các thông tin tổng kết cũng chiếm vị trí đáng kể, bao gồm thông tin tổng kết của các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông như Cục Viễn thông, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích; thông tin tổng kết trong lĩnh vực an toàn thông tin …

img
Lễ chuyển giao VietnamPost về Bộ TT&TT
VIỄN THÔNG
Năm 2013, sẽ quản chặt hơn dịch vụ di động, nhắn tin
Ngày 20/12/2012, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013.Năm 2012 là năm đầu tiên Cục Viễn thông chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ TT&TT một cách toàn diện cả về xây dựng chính sách quản lý, cấp phép, giám sát việc thực thi chính sách, quản lý chất lượng… lĩnh vực viễn thông.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, năm 2012 Cục Viễn thông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, công tác thực thi pháp luật. Năm nay cũng là năm đầu tiên thực thi việc giám sát các doanh nghiệp được cấp phép. Cục đã tham mưu cho Bộ ra quyết định thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không có khả năng cung cấp dịch vụ. Việc quản lý giá cước, quản lý chất lượng cũng làm có hiệu quả hơn…
Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo, năm 2013 Cục Viễn thông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng hành lang pháp lý bảo đảm thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển bền vững.
 
Đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để các DN cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
Sáng 20/12, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (DVVTCI) đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2013. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai đã tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Quỹ DVVTCI, đến năm 2012, tổng số kinh phí mà Quỹ đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông trong cả Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 (Chương trình 74) là 4.348 tỷ đồng. Về các khoản đóng góp của các doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2012, Quỹ đã thu được 1.116 tỷ đồng; trong cả Chương trình 74 là 7.583 tỷ đồng/7.726 tỷ đồng, đạt 98,2%.
 
Việt Nam sẽ tiếp tục giúp Lào phát triển TT&TT
Theo Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2013 vừa được ký kết chiều 19/12/2012 tại Vĩnh Phúc, Việt Nam sẽ tiếp tục giúp Lào đào tạo chuyên gia về TT&TT.
Hiệp định nêu trên là một trong những nội dung chính của cuộc họp chính thức Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Lào lần thứ 35 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavad chủ trì diễn ra tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguồn tin từ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho hay thời gian qua, Chính phủ và Bộ TT&TT Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ Lào phát triển lĩnh vực TT&TT, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo. Cụ thể: thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho phóng viên của Lào về kỹ năng TT&TT (riêng trong năm 2012 đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho báo, đài địa phương về kỹ năng làm báo hiện đại); hàng năm, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam đều hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học cho Lào; thường xuyên tổ chức seminar, hội thảo để cập nhật thông tin, công nghệ mới về tần số, viễn thông, an toàn an ninh thông tin;…
 
Chính thức khai tử điện thoại thẻ
VNPT vừa chính thức ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại thẻ Việt Nam (Cardphone) sau một thời gian dài hệ thống này gần như tê liệt bởi không có khách sử dụng dịch vụ.
Khai trương từ năm 1997, CardPhone được cho là hình thức tiện lợi cho nhiều người có thể sử dụng điện thoại khi mà điện thoại cố định và di động đang thuộc hàng xa xỉ. VinaPhone được giao trách nhiệm quản lý dịch vụ CardPhone này. Không thể phủ nhận được vai trò của dịch vụ CardPhone thời điểm đó tại các điểm công cộng như bến tầu, bến xe, bệnh viện… khi mà dịch vụ này đã đem lại nhiều giá trị cho khách hàng.
Vào thời điểm cực thịnh, dịch vụ này đã phát triển đến trên 11.000 trạm, chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Dịch vụ CardPhone được phát triển tốt từ năm 1997 đến 2002, sau đó bắt đầu tụt dốc. Sự bùng nổ liên tục của thuê bao cố định, di động đã khiến CardPhone trở thành dịch vụ của dĩ vãng. Con số thống kê mới đây của Bộ TT&TT cho thấy hiện mật độ di động của Việt Nam đã phủ tới 1,5 thuê bao/người dân. Như vậy, dịch vụ CardPhone oai hùng một thời đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
 
Liên quan đến thông tin này còn có bài viết:
+ "Khai tử" trạm điện thoại công cộng
 
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến ngày 26/11, số lượng tên miền quốc gia ".vn" đạt 229.120 tên miền, tăng 51% so với cùng kì năm ngoái và dự kiến hết năm 2012 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 117,43% và tiếp tục giữ ngôi vị số 1 Đồng Nam Á về số lượng tên miền quốc gia.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2012 và chương trình công tác năm 2013 của VNNIC diễn ra hôm nay, 18/12/2012, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC cho biết, số lượng tên miền ".vn" phát triển mới tính đến ngày 26/11 đạt 87.736 tên miền, tăng 39% so với cùng kì năm ngoái, trong đó PA Việt Nam, Mắt bão và FPT là 3 nhà đăng ký có số lượng tên miền phát triển mới nhiều nhất với thị phần lần lượt 28,84%, 24,69% và 23,34%.
Năm 2012, VNNIC đã phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đưa vào khai thác, vận hành thêm một điểm hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX ở Đà Nẵng. Hiện có đến 17 doanh nghiệp ISP đang kết nối VNIX tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cổng kết nối tối thiểu 1Gbps, trong đó có 3 doanh nghiệp VTN, VTC và Viettel đã đầu tư nâng cấp sử dụng cổng 10 Gbps.
 
Bộ TT&TT sẽ siết chế tài để bảo vệ dữ liệu cá nhân
Nhiều thông tin dữ liệu cá nhân đang được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhằm tăng sức cạnh tranh kinh doanh, nhưng trong đó không ít dữ liệu được sử dụng bất hợp pháp. Trong phạm vi quản lý chuyên ngành của mình, Bộ TT&TT dự kiến sẽ tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm.
Với những công nghệ hiện đại như phần mềm gián điệp, định vị toàn cầu và các cơ sở dữ liệu số hóa, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh trên Internet có thể dễ dàng thu thập và xử lý thông tin cá nhân phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Các tổ chức quảng cáo trực tuyến cũng luôn đẩy mạnh hoạt động thu thập, thiết lập, thậm chí kinh doanh các hồ sơ thông tin về người tiêu dùng. Thông tin cá nhân đã và đang trở thành thứ hàng hóa có giá trị đối với doanh nghiệp.
Hiện Bộ TT&TT đang soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Theo đó, sẽ tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm như mua bán thông tin cá nhân trái phép và phát tán tin nhắn rác… nhằm ngăn chặn hiện tượng này.
 
CMC đầu tư mạnh để nâng tốc độ Internet quốc tế
Công ty hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) ngày 19/12 cho biết đã tăng cường băng thông quốc tế lên gấp 2 lần để đáp ứng nhu cầu truy cập Internet tốc độ cao của khách hàng. Theo CMC Telecom, việc kết nối ra quốc tế lần này được mở theo hướng cáp quang biển AAG - hướng kết nối quốc tế lớn nhất hiện tại, nâng tổng dung lượng ra quốc tế của CMC Telecom lên khoảng 20 Gigabit (Gbps).
Cũng trong thời điểm này, cùng với Viettel, FPT, CMC Telecom cũng tham gia hợp tác đầu tư hàng triệu USD xây dựng tuyến cáp quang biển APG, một dự án viễn thông quan trọng của Chính phủ.  Đây là tuyến cáp lớn nhất châu Á có chiều dài 8.000 km, kết nối Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hong Kong, Thái Lan và Singapore. Khi hoàn thành APG vào năm 2014, CMC Telecom sẽ tiếp nhận thêm hàng chục Gbps từ tuyến cáp quang biển này.
 
Bài viết liên quan đến thông tin này:
+ CMC tăng băng thông kết nối quốc tế
 
Cấp giấy phép viễn thông cho tân binh “ ngoại”
Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS) công bố được Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp Giấp phép cung cấp Dịch vụ Viễn thông số 564/GP-CVT ngày 26/11/2012 (có giá trị đến hết ngày 20/4/2019) cho phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho công cộng theo các quy định sau: Loại hình dịch vụ: Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất bao gồm: a) Dịch vụ viễn thông cơ bản: Dịch vụ truyền số liệu; dịch vụ kênh thuê riêng; dịch vụ truyền hình ảnh; dịch vụ hội nghị truyền hình; dịch vụ kết nối Internet; dịch vụ mạng riêng ảo. b) Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. c) Dịch vụ viễn thông cộng thêm của các dịch vụ viễn thông cơ bản.
Phạm vi liên lạc: Dịch vụ nội mạng, liên mạng; Dịch vụ nội hạt, dịch vụ  đường dài trong nước, dịch vụ quốc tế. Phạm vi cung cấp dịch vụ: Doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ viễn thông nêu trên trên phạm vi toàn quốc.
 
Sài Gòn Viễn Thông thay người công bố thông tin
Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Thông (SaigonTel, mã: SGT) thông báo thay đổi người công bố thông tin. Theo đó, từ ngày 21/12, bà Nguyễn Cẩm Phương - Tổng giám đốc sẽ thay ông Nguyễn Đồng làm người công bố thông tin tại SGT.
Trước đó (4/12), bà Nguyễn Cẩm Phương đã được bổ nhiệm thay ông Nguyễn Đồng giữ chức vụ Tổng giám đốc tại SaigonTel. Ông Nguyễn Đồng mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc SaigonTel từ giữa tháng 3 năm nay thay ông Hoàng Sĩ Hóa. Như vậy, sau khoảng 9 tháng, ghế Tổng giám đốc SaiGonTel đã 2 lần đổi nhân sự.

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
2012: Sự cố an toàn thông tin tăng gần gấp 3 năm 2011
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính - VNCERT (Bộ TT&TT), năm 2012, VNCERT đã xử lý ứng cứu và điều phối 680 vụ tấn công thay đổi giao diện, 880 vụ website giả mạo, 568 vụ mã độc, 4 vụ tấn công từ chối dịch vụ, hơn 100 vụ phát tán SMS rác... với tổng số vụ việc tăng gần 3 lần so với năm 2011.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2012 và chương trình công tác năm 2013 của VNCERT ngày 20/12, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc VNCERT cho biết, tính đến tháng 11/2012, đơn vị này đã rà soát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin (ATTT) cho 258 mạng LAN và cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, gửi cảnh báo cho 62 đơn vị cơ quan nhà nước về lỗi ATTT cần khắc phục. Ngoài ra, VNCERT đã triển khai các hệ thống ứng cứu sự cố như hệ thống thu thập báo cáo qua mạng về mẫu mã độc trên trang http:\\submit.vncert.vn, hệ thống Honeypot theo dõi tấn công mạng, thử nghiệm hệ thống cảnh báo các IP botnet cho các cơ quan đơn vị đã đăng ký địa chỉ IP tĩnh cũng như xây dựng cơ chế thu thập thông tin mã độc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các nhà cung cấp dịch vụ hosting. "VNCERT đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đánh giá ATTT tại 15 Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước và phân tích, xây dựng công cụ tiêu diệt mã độc mà hacker đã giả mạo thư điện tử của Văn phòng Chính phủ để gửi đi cho nhiều tỉnh, thành phố", ông Hải cho biết thêm.
 
Quản lý thương mại điện tử: Chồng chéo và lỏng lẻo
Là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) năm 2012, thế nhưng, thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh lại cho thấy, hoạt động TMĐT trên địa bàn trong hai năm qua lại giảm. Lý do là việc quản lý TMĐT còn quá lỏng lẻo khiến người tiêu dùng không được bảo vệ khi xảy ra sự cố.
Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường (Sở Công thương) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn TP có kết nối internet hiện là 97,3% (doanh nghiệp lớn là 100%, doanh nghiệp vừa và nhỏ là 97%), tăng 5,7% so với 2 năm trước; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet là 82,8% (tăng 7,2% so với 2 năm trước). Tuy nhiên, hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ bằng TMĐT lại giảm 1% so với 2 năm trước, chỉ còn 10%. Lý do chính là người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, không an tâm khi thanh toán trực tuyến và sản phẩm không phong phú, đa dạng. Thời gian gần đây, người tiêu dùng càng ngần ngại khi giao dịch bằng TMĐT sau khi nhiều vụ lùm xùm đã xảy ra. Mới đây nhất là vụ trang web nhommua.com đang khiến nhiều người sở hữu voucher (phiếu sử dụng dịch vụ) của công ty này rất lo lắng.
Trong năm 2012 đã có ít nhất 3 sàn điện tử mua bán trực tuyến bị khởi tố điều tra là Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24, Công ty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Cộng đồng Việt và Công ty CP Đầu tư Tâm Mặt trời. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phát hiện rất chậm những sàn vi phạm, nên tổn thất thường là rất lớn.
Ông Hà Ngọc Sơn cho rằng, quản lý hoạt động TMĐT còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do hầu hết các trang TMĐT đều số hóa giao dịch, vì vậy cơ quan chức năng rất khó xác định người bán là ai, ở đâu, có đủ chức năng bán hàng hay không. Ngay cả tìm ra thông tin cũng chưa dễ xử phạt vì khi bị "sờ gáy" thì những người quản lý các trang web rất dễ xóa dấu vết vi phạm. Mặt khác, nếu phát hiện vi phạm cũng vẫn chưa phạt được vì… chưa có chế tài cụ thể!
Thống kê của VECITA - Bộ Công thương, năm 2011 có khoảng 130 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sàn giao dịch TMĐT, trong đó Cục đã xác nhận đăng ký cho 35 website. Có thể thấy, con số nằm "ngoài vùng quản lý" là rất lớn.
Ông Lê Minh Loan cũng chỉ ra rằng, việc quản lý trang tin điện tử và cung cấp dịch vụ TMĐT còn có "lỗ hổng" ở những điểm "giao thoa" giữa các bộ. Cụ thể là đăng ký tên miền thì thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, nhưng quản lý lại thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, còn cấp phép kinh doanh lại do Bộ Công thương. "Lỗ hổng" này đã được chủ nhân những trang web lừa đảo nghiên cứu rất kỹ.
Theo ông Loan, C50 chỉ phát hiện khi có sai phạm và xử lý hình sự, còn vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát để ngăn ngừa hậu quả xảy ra. Ông Loan cũng nêu quan điểm Cục TMĐT cần đề xuất ban hành Nghị định xử phạt hành chính các vi phạm của TMĐT. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh cho biết, các phương án chấn chỉnh hoạt động TMĐT đã được Bộ Công thương trình Chính phủ và Nghị định bổ sung, sửa đổi quản lý TMĐT có thể được ban hành trong năm 2013 để chấn chỉnh hoạt động này.
 
Hàng loạt các công ty máy tính tiếp tục bị xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ
Tháng 11/2012 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra và tiến hành xử phạt nghiêm khắc đối với một loạt các công ty máy tính vi phạm sở hữu trí tuệ do cài đặt các phần mềm không bản quyền.
Động thái này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi thích đáng cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời góp phần tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và thúc đẩy các hoạt động của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Một loạt các cửa hàng máy tính bị phát hiện và xử phạt sai phạm bao gồm siêu thị EBEST (một chi nhánh thuộc Công ty TNHH Thiên Thuận Tường, TPHCM); Công ty TNHH Long Bình, TP HCM; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Tin học T.N.B (Cửa hàng Quang Thông), TPHCM; Công ty TNHH Lê Chân Tín, TPHCM và Công ty TNHH Thương mại Tiên Tiến (Avi Shop), Hà Nội.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số các máy tính bày bán tại đây mang nhãn hiệu Dell, Lenovo, Acer, Asus cài đặt phần mềm không bản quyền, trong đó phổ biến là phiên bản Windows 7 Ultimate, Microsoft Office Enterprise 2007; Office professional Plus 2010; Office Enterprise 2007 và Microsoft Office Professional Plus 2007.
Đây là các sản phẩm đã được bảo hộ về quyền tác giả và bất kì hành động cài đặt các phiên bản phầm mềm không có bản quyền các sản phầm này đều vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ do nhà nước đề ra. Đồng thời, hành động này mang đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của không chỉ nhà sản xuất mà còn cả người tiêu dùng.
Câu chuyện về việc xử lý việc vi phạm bản quyền phần mềm hiện vẫn còn là một cuộc chiến dài cần có sự chung tay của nhà sản xuất, các nhà phân phối, khách hàng và đặc biệt là các cơ quan chức năng quản lý.
 
Thị trường nhân lực trực tuyến tiếp tục suy giảm
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó thị trường nhân lực trực tuyến từ đầu năm đến nay cũng liên tục suy giảm.
Theo khảo sát của Vietnamworks, trong 11 tháng đầu năm, chỉ số nhu cầu nhân lực trực tuyến đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 ngành đứng đầu về mức độ giảm nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong nửa cuối năm 2012 phải kể đến là kế toán/kiểm toán, kho vận và truyền hình/truyền thông/báo chí.
Trong tháng 12 này, dự kiến, nhu cầu nhân lực trực tuyến sẽ tiếp tục giảm so với tháng trước.
Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu nhân lực trực tuyến giảm nhưng mức độ cạnh tranh giữa người tìm việc có chiều hướng bớt gay gắt hơn.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Vietnamworks cũng cho thấy nguồn nhân lực ngày càng thông minh và có khả năng thích ứng cao với thị trường lao động.
 
Đà Nẵng vận hành Website Cải cách hành chính
Ngày 19-12, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng công bố website chuyên đề Cải cách hành chính (CCHC) của TP Đà Nẵng chính thức đi vào vận hành tại địa chỉ: http://cchc.danang.gov.vn. Trang Web do Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông TP Đà Nẵng xây dựng và thiết kế.
Khi truy cập vào địa chỉ trên, tổ chức và công dân có thể tra cứu trạng thái hồ sơ của mình (đã giao dịch qua các Tổ một cửa); có thể góp ý chất lượng phục vụ của công chức, viên chức (CCVC) đã tiếp nhận hồ sơ của mình hoặc góp ý về cơ quan công quyền mà mình đã đến liên hệ, đưa ra yêu cầu và cơ quan đó đã thụ lý nội dung của mình.
Đặc biệt, trong năm 2012, các cơ quan công quyền thành phố đã tiếp tục phát triển tính năng kết nối liên thông giữa phần mềm một cửa quận huyện và phần mềm một cửa phường, xã. Đã có chín sở, ngành của TP Đà Nẵng tiến hành ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại đơn vị mình.
 
Zing Blog sẵn sàng thay thế Yahoo Blog
Những người yêu thích viết blog vừa có một trang mới để chia sẻ cảm xúc và tài viết lách của mình, đó là Zing Blog.
 Zing Blog (blog.zing.vn) là một sản phẩm mới của Zing (thuộc công ty cổ phần VNG), vừa được chính thức ra mắt vào ngày 15-12. Zing Blog được phát triển dựa trên nền tảng blog của mạng xã hội Zing Me nhưng được phát triển thành một trang riêng và độc lập.  Sau khi Yahoo Blog đóng cửa, Zing Blog sẽ cung cấp một công cụ xuất dữ liệu cho người dùng để chuyển đổi từ tài khoản Yahoo Blog sang Zing Blog. Với giao diện thân thiện, khá tương đồng của hai sản phẩm phần nào sẽ giúp các blogger dễ dàng sử dụng khi chuyển “nhà” mới lên Zing Blog.
 
Ra mắt trang web về VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa công bố trang web chính thức về VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt.
Đây là trang web phổ biến các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để xây dựng ngành sản xuất trồng trọt có năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, các văn bản pháp luật mới; những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan; thông tin, tài liệu, hình ảnh trong lĩnh vực trồng trọt…

Sáng ngày 19/12, tại Cung lễ hội, TP Vinh (Nghệ An), BTC Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 32 đã khai mạc triển lãm công nghệ kỹ thuật truyền hình. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ LHTHTQ lần thứ 32 được tổ chức tại Nghệ An. Ông Trần Bình Minh - Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Chủ tịch LHTHTQ lần thứ 32 đến dự và cắt băng khánh thành. Tham gia trưng bày triển lãm các sản phẩm, dịch vụ, thiết bị công nghệ kỹ thuật truyền hình năm nay có các đơn vị thường xuyên cung cấp thiết bị dịch vụ cho các đài truyền hình cả nước nhiều năm qua như: Sony, HD Việt Nam, Trí Việt, Broadcom, Mtek…Đặc biệt, tại triển lãm năm nay còn xuất hiện các đơn vị cung cấp thiết bị truyền hình từ Trung Quốc, Singapore…Với hơn 10 gian trưng bày, triển lãm không chỉ cập nhật các thiết bị kỹ thuật mới nhất, các sản phẩm công nghệ cao mà còn cả các dịch vụ, chương trình truyền hình do các đơn vị này sản xuất. BTC LHTHTQ lần thứ 32 cho biết, khán giả có thể đến tham quan triển công nghệ kỹ thuật truyền hình và trải nghiệm các sản phẩm truyền hình tại Hội trường Cung lễ hội, số 1, đường Trường Thi, (TP Vinh) trong suốt thời gian liên hoan từ ngày 19/12 đến hết ngày 22/12/2012.

BƯU CHÍNH
VietnamPost "về tay" Bộ Thông tin và Truyền thông
Sau hơn mười năm chuẩn bị, ngày 19/12, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký vào Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost). Theo đó, kể từ ngày 1/1/2013, VietnamPost chính thức hoạt động độc lập với VNPT và có tên gọi mới là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Để chuẩn bị cho việc chia tách này, từ tháng 9/2001, VNPT đã khởi động lộ trình chia tách bưu chính-viễn thông với việc thí điểm ở cấp huyện tại 10 tỉnh, thành phố. Tháng 6/2007, VietnamPost được thành lập và có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối viễn thông từ ngày 1/1/2008.
Đến thời điểm hiện tại, VietnamPost đã nhận bàn giao đủ 8.122 tỷ đồng vốn điều lệ từ VNPT. Cơ sở vật chất (ngoài máy móc) cũng được VNPT ưu tiên tới 80% (hệ thống bưu cục, ki ốt, đại lý, điểm bưu điện văn hóa xã, mặt bằng giao dịch...). Hiện, có trên 50 bưu điện và viễn thông địa phương thống nhất được phương án phân chia tài sản nhà đất, trong đó 43 đơn vị đã hoàn tất thủ tục...
 
Liên quan đến thông tin này còn có các bài viết:
+ VNPT chính thức chuyển giao VietnamPost về Bộ TT&TT

Ra mắt thương hiệu mới, VietnamPost hướng mạnh về cộng đồng
Biểu trưng (logo), câu khẩu ngữ (slogan) và hệ thống nhận diện thương hiệu mới của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ được đưa vào ứng dụng thực tế từ 1/1/2013.
Tối qua (20/12/2012), tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) đã chính thức ra mắt thương hiệu mới Bưu điện Việt Nam, trước sự chứng kiến của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận; lãnh đạo ngành Bưu điện qua các thời kỳ cùng đông đảo cán bộ, công nhân viên VietnamPost.
Được khởi động xây dựng từ năm 2008, đến thời điểm hiện tại, thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu của VietnamPost đã được xây dựng xong, có đủ các điều kiện để được triển khai trên diện rộng.
Với hệ thống nhận diện thương hiệu mới, VietnamPost mang đến những giá trị thương hiệu thông qua những hình ảnh trẻ trung, hiện đại và tác phong năng động “Dễ tiếp cận - An toàn - Truyền thống - Phát triển”; đồng thời cũng gửi gắm những yếu tố thể hiện tính cách thương hiệu VietnamPost, đó là: “Nhân bản - Chuyên nghiệp - Thân thiện - Trách nhiệm” trong mỗi hoạt động phục vụ cộng đồng.
 
Liên quan đến thông tin này còn có các bài viết:
 
Vietnampost sắp có Chủ tịch, Tổng giám đốc mới
Kể từ ngày 1/1/2013, ông Đỗ Ngọc Bình và ông Phạm Anh Tuấn sẽ phụ trách các chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost).
Ông Đỗ Ngọc Bình hiện là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam được giao phụ trách chức vụ Chủ tịch Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; ông Phạm Anh Tuấn hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam được giao phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Nguồn: Tổng hợp từ Internet