Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 45 (từ ngày 05/11-09/11/2012)

Báo chí tuần qua đưa nhiều thông tin về hoạt động của ngành TT&TTnhư: Bộ Thông tin Truyền thông "tổng tấn công" tin nhắn rác; Đánh giá các chương trình về công nghiệp CNTT; Đà Nẵng: Khởi động Dự án Xây dựng hệ thống kết nối không dây (Wifi); Thiết bị giá rẻ - Lời giải phát triển dịch vụ 3G; Internet VN tiếp tục chậm đến 10/11; Lộ trình trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước… là những thông tin đáng chú ý được tổng hợp trên báo chí trong tuần.

img
Ảnh : Nguồn Internet
 
VIỄN THÔNG – INTERNET

Bộ TT&TT "tổng tấn công" tin nhắn rác


Để giải quyết dứt điểm nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây "bức xúc" trong xã hội thời gian qua, Thanh tra Bộ TT&TT kiến nghị ban hành một số chính sách mạnh hơn như quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả trên mạng di động, Internet; quản lý giá cước dịch vụ nội dung... Tại cuộc họp báo cáo về việc tổ chức Hội nghị ngăn chặn tin nhắc rác ngày 6/11, trong báo cáo thực trạng cung cấp dịch vụ nội dung, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện có khoảng 400 công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CP) trên mạng di động và cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CP này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh khác (SubCP) để cùng cung cấp dịch vụ. Qua thanh tra cho thấy, các CP, SubCP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ. Những hình thức nhắn tin lừa đảo bao gồm: nhắn nội dung hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào máy điện thoại nhưng trong quá trình cài đặt, sử dụng thường ngấm ngầm trừ tiền (15.000 đồng) trong tài khoản mà không có bất kì thông tin cảnh báo...; tin nhắn lừa đảo, tặng quà nhắm vào lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông di động với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx. "Khi người sử dụng bị mắc lừa do làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn trả về cho người sử dụng lại hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người dùng bị mắc lừa rất nhiều lần nếu không cảnh giác", đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết như:
Nhà mạng bất lực với tin nhắn rác

Sau TP. Hội An, Quảng Nam, đến lượt TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư mạng internet không dây phủ sóng toàn bộ các quận huyện nhằm phục vụ nhu cầu thông tin cho người dân và du khách khi đến thành phố này… Dự án phủ sóng Wi-fi trên toàn thành phố do Sở Thông tin truyền thông và BQL dự án phát triển CNTT và TP Đà Nẵng triển khai thực hiện. Bắt đầu từ ngày 3/11, dự án được tiến hành triển khai và lắp đặt các thiết bị phủ sóng. Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với 170 trạm thu phát sóng được lắp đặt trên toàn thành phố Đà Nẵng với công nghệ tiên tiến nhất bao gồm các trạm thu phát sóng Wi-fi chuyên dụng, các thiết bị và phần mềm quản lý tương ứng với phạm vi phủ sóng rộng. Mạng Wi-fi sau khi hoàn tất sẽ phủ sóng tại trụ sở các sở ngành, UBND quận, huyện; UBND xã, phường, các khu vực trung tâm thành phố, các điểm công cộng nhằm phục vụ người dân có thể truy nhập vào hệ thống dịch vụ công, xúc tiến thương mại, thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng; quảng bá du lịch, quảng bá thương hiệu, góp phần nâng cao dân trí và các hoạt động giáo dục – đào tạo qua mạng... mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng thông qua các thiết bị có khả năng kết nối Wi-fi như laptop, điện thoại di động, máy tính bảng...
 
 

Khi thị trường viễn thông đã bão hòa, bên cạnh việc duy trì, bảo đảm chất lượng dịch vụ, khâu chăm sóc khách hàng được coi là sống còn giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động, vì thế cũng dễ hiểu khi mà gần đây các nhà mạng liên tiếp đưa ra ưu đãi khuyến khích khách hàng thanh toán cước điện thoại trực tuyến. Từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 năm nay, Mobifone đưa ra chính sách ưu đãi khách hàng thanh toán cước trực tuyến bằng việc truy nhập vào địa chỉ trang web của công ty (mobifone.com.vn). Cụ thể, khách hàng sau khi vào địa chỉ này chỉ cần nhập số điện thoại, số tiền cần nạp, số thẻ ATM, rồi nhập tên truy nhập internet banking, mật khẩu và làm các thao tác theo hướng dẫn là thực hiện thành công việc trả tiền cước.
 
Dịch vụ 3G đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2009, đến nay đã đạt những con số phát triển thuê bao nhất định, song tỷ lệ người sử dụng vẫn thấp. Một trong những giải pháp được đưa ra là cần phải có điện thoại thông minh (smartphone) với giá rẻ để nâng cao tỷ lệ người sử dụng. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Tương lai di động tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, khi bàn về vấn đề làm thế nào để khai thác giá trị của 3G, đại diện Ericsson Việt Nam nhận định cần phải có sự phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) với giá hợp lý đi kèm với các gói dịch vụ và như vậy mới có thể kinh doanh 3G bền vững. Hãng công nghệ đến từ Thụy Điển này cũng dự đoán thời gian tới với việc các nhà sản xuất đưa ra nhiều dòng smartphone giá rẻ sẽ góp phần nâng tỷ lệ người sử dụng dòng sản phẩm này lên tới 21% và đó chính là sự "kích cầu" để sử dụng dịch vụ 3G. Cùng quan điểm này, đại diện Huawei Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến cho sự phát triển chưa hài hòa giữa vùng phủ rộng và tỷ lệ người dân dùng 3G thấp là vì giá thiết bị đầu cuối trong nước còn cao. Nhà cung cấp giải pháp này cho biết, để giành thắng lợi về thuê bao 3G cần phải có sự hợp lực của 3 yếu tố: thiết bị đầu cuối, hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây.

Ngày 10.11 mới sửa xong tuyến cáp biển AAG

Theo đại diện FPT Telecom, sự cố tuyến cáp quang biển AAG lần này là nặng nhất kể từ khi chính thức hoạt động vào cuối năm 2009, phải đến ngày 10.11 công tác sửa chữa cáp AAG mới kết thúc, thay vì ngày 4.11 như dự tính ban đầu. Ngày 6.11, đơn vị thi công sẽ hoàn tất mối hàn cuối cùng ở lỗi cáp quang biển phân đoạn Hồng Kông - Vũng Tàu (lỗi cách điểm cập bờ Vũng Tàu 6,2 km). Tuy nhiên, phải sang ngày 10.11, công tác sửa chữa cáp AAG mới chính thức kết thúc và  kênh truyền đi quốc tế mới được khôi phục hoàn toàn. “Đây là sự cố nặng nhất kể từ khi tuyến cáp quang biển AAG đi vào hoạt động từ cuối năm 2009”, đại diện FPT Telecom cho biết thêm. Việc sửa chữa được tiến hành do tuyến cáp quang biển quốc tế AAG phân đoạn Hồng Kông - Vũng Tàu bị lỗi vào ngày 13.8, cách điểm cập bờ Vũng Tàu 6,2km. Sau đó, do sự cố phức tạp, ngày 8.9, tuyến cáp đã được sửa chữa khắc phục tạm thời để hoạt động cho tới nay.

Liên quan đến thông tin này có bài viết:
Internet VN tiếp tục chậm đến 10/11

15 năm Internet VN: Hành trình thuyết phục ròng rã


Ngày 19.11.1997, Việt Nam chính thức mở cửa kết nối với Internet, mạng viễn thông toàn cầu. Tiến sĩ Mai Liêm Trực chính là người có công lớn nhất khi cùng đội ngũ chuyên gia tại Tổng cục Bưu điện đã thuyết phục được các lãnh đạo thay đổi quan niệm về quản lý Internet. Và từ đây mở ra một con đường mà CNTT trở thành nghành mũi nhọn chiến lược giúp Việt Nam đi tắt đón đầu. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, chia sẻ rằng mỗi ngày thấy chị bán rau, anh xe ôm... trước nhà cũng có điện thoại, cũng bàn chuyện trên Internet, ông lại xúc động và thấy may mắn vì đã mạnh dạn vận động mở cửa Internet. Được mệnh danh là người có ảnh hưởng số một đến Internet Việt Nam và có tên trong danh sách 50 Người Tiên phong do VnExpress.net tổ chức bầu chọn, tiến sĩ Mai Liêm Trực không giấu được sự bồi hồi khi nhớ lại quãng thời gian không thể nào quên - những ngày đầu Việt Nam hoà mạng Internet toàn cầu cách đây 15 năm (Internet mở cửa từ 19.11.1997) và quá trình vận động nhằm thay đổi quan niệm về quản lý Internet kéo dài xuyên qua hai thế kỷ.


CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Ngày 7-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2012 và định hướng đến năm 2020. Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam và chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê từ năm 2007. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2009-2011; tổng doanh thu công nghiệp CNTT đến năm 2011 đạt 13,73 tỷ USD, tăng 220% so với năm 2009 và 79% so với năm 2010. Trong đó, doanh thu từ công nghiệp phần cứng đạt 11,33 tỷ USD chiếm tới 82% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, tăng gấp đôi so với năm 2010. Công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số tiếp tục phát triển với doanh thu lần lượt đạt 1,17 tỷ USD và 1,16 tỷ USD… Hiện, Bộ TT-TT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020.
 
Liên quan đến nội dung này có bài viết:
Hợp tác công - tư phát triển sản phẩm CNTT chuyên ngành
 
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo quy hoạch đã cho thấy những mục tiêu xứng tầm với một Thủ đô CNH, HĐH, tuy nhiên, để đạt được điều đó, TP cần phải gấp rút triển khai và có những bước đột phá cho từng giai đoạn. Những năm gần đây, TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT. Nhiều cơ quan chuyên môn về CNTT được thành lập và Ban chỉ đạo CNTT từng bước được kiện toàn đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Hiện 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng LAN. 21/22 sở, ban, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã đã cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng. 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã được triển khai chữ ký số để gửi và nhận văn bản giữa UBND TP và giữa các cơ quan nhà nước của TP. CNTT cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ công dân và doanh nghiệp. 

Chiều 8/11, Hội đồng sơ khảo NTĐV 2012 lĩnh vực CNTT đã có chuyến khảo sát sản phẩm lọt vòng chung khảo “Giải pháp sách giáo khoa điện tử Classbook”. Sản phẩm này đang được ứng dụng ở trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội). “Giải pháp sách giáo khoa điện tử Classbook” là một trong 14 sản phẩm được lọt vào vòng Chung khảo của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay. Nhóm tác giả cho biết, sản phẩm mới được đưa vào sử dụng thí điểm cho lớp 8 của trường THCS Thực nghiệm và đã có những bước phản hồi tốt từ phía cô và trò. Sản phẩm này được hiểu như 1 hệ sinh thái phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh trong nhà trường, trong đó cốt lõi là hệ thống sách giáo khoa, bài giảng điện tử hay tư liệu học tập được phân phối tập trung thống nhất từ Nhà xuất bản Giáo dục. Người sử dụng gồm học sinh, giáo viên được quyền khai thác tất cả các tài nguyên (nội dung, ứng dụng) trên môi trường này thông qua thiết bị cầm tay Classbook. Thiết bị được kết nối vào hệ sinh thái này và tận dụng các khả năng hỗ trợ giảng dạy đa nhiệm phong phú, hấp dẫn trên đó.
 
Lộ trình trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước

Phấn đấu trước quý II/2013, trừ văn bản có nội dung mật, 100% các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết công việc ngoài bộ hồ sơ giấy đều phải gửi kèm văn bản điện tử của toàn bộ hồ sơ văn bản. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2013-2015, do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Cũng nằm trong lộ trình này, trong năm 2013, trừ văn bản có nội dung mật, 100% các cơ quan nhà nước cấp đơn vị trực thuộc khi gửi văn bản trình lên cơ quan cấp trên, lãnh đạo cơ quan cấp trên để giải quyết công việc ngoài bản giấy đều phải gửi kèm bản điện tử của toàn bộ hồ sơ trình. Đến trước quý II/2013, 50% văn bản trao đổi giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết công việc ngoài bộ hồ sơ giấy đều phải gửi kèm văn bản điện tử của toàn bộ hồ sơ văn bản.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong sửa đổi các nội dung liên quan về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007. Theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục xây dựng và ban hành Nghị định bao gồm nhiều bước như phê duyệt chương trình xây dựng Nghị định hàng năm, lập ban soạn thảo dự thảo Nghị định, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, đăng tải dự thảo trên trang thông tin điện tử ít nhất là 60 ngày để góp ý kiến trước khi được Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định và trình Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, theo trình tự trên, việc chỉnh sửa Nghị định số 26/2007/NĐ-CP sẽ phải thực hiện kéo dài sang năm 2013. Trong khi đó, yêu cầu cấp bách ban hành các quy định mới về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài để cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế đang đặt ra. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về chấp nhận chứng thư số và chữ ký số nước ngoài.

Thuận tiện, thoải mái và được giải quyết nhanh chóng cùng với thái độ nhân viên Bưu điện tận tình, hòa nhã… là những ưu điểm được người dân đánh giá tốt sau hơn một năm thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện. Trong hai ngày (5 – 6/11), đoàn công tác của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã khảo sát thực trạng triển khai thí điểm dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng qua hệ thống bưu điện tại 5 điểm chi trả trên địa bàn tỉnh Long An gồm bưu điện Chợ (TP Tân An), bưu điện văn hóa xã Bình Tâm, bưu điện văn hóa xã Vĩnh Công, bưu điện văn hóa xã Long Trì và điểm chi trả Nhà văn hóa phường 6 (TP Tân An). Long An là một trong 12 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ này. Việc thí điểm việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện được sự đồng ý của Chính phủ tại văn bản số 6977/VPCP-KTTH ngày 5/10/2011.
 
Việt Nam-Campuchia sẽ hợp tác mở dịch vụ chuyển tiền

Bưu chính Việt Nam và Campuchia sẽ ưu tiên xây dựng phương án trao đổi túi, gói bưu chính qua cửa khẩu Mộc Bài và cung cấp dịch vụ chuyển tiền giữa hai nước. Thông tin trên vừa được Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) chính thức thông báo. VietnamPost cho hay, vào cuối tháng 10/2012, theo lời mời của Bưu chính Campuchia, đoàn cán bộ cấp cao của VietnamPost do Phó TGĐ Đinh Như Hạnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Campuchia. Tại buổi làm việc giữa Bưu chính Việt Nam và Campuchia, hai bên đã thông báo cho nhau các thông tin về mô hình tổ chức, nguồn lực lao động, năng lực mạng lưới cũng như tình hình sản xuất kinh doanh sau khi chia tách bưu chính với viễn thông. Ông Ork Bora  - TGĐ Bưu chính Campuchia đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Bưu chính hai nước, đặc biệt là sự hợp tác trong lĩnh vực in tem Bưu chính. Đồng thời, ông Ork Bora cũng cảm ơn Bưu chính Việt Nam (trước đây là Tập đoàn VNPT) về sự hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo cán bộ. Thay mặt VietnamPost, Phó TGĐ Đinh Như Hạnh khẳng định thời gian tới Bưu chính Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Bưu chính Campuchia.

Nâng mức phạt về bưu chính lên đến 80 triệu đồng

Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, theo quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa trong lĩnh vực bưu chính nâng lên 80 triệu đồng, thay vì 70 triệu đồng như quy định hiện hành. Tại cuộc giao ban công tác quản lý nhà nước ngành TT&TT quý III/2012 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua tháng 6/2012, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian từ nay đến tháng 4/2013, toàn bộ các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TT&TT (bao gồm: viễn thông, bưu chính, tần số vô tuyến điện, CNTT, báo chí, xuất bản - PV) sẽ được cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.