Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 33 (từ ngày 11/08/2012-17/8/2012)

Trong tuần vừa qua, báo chí tiếp tục có các bài viết về các hoạt động của ngành trong đó có các tin nổi bật như: Hội thảo an ninh mạng, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số; Hơn 90 tỷ đồng triển khai ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng; Ninh Bình lắp đặt mạng internet không dây miễn phí; Dung lượng Vinasat-1 đã được sử dụng hết; VNPost xây dựng Trung tâm khai thác mới tại ĐBSCL…

img
 
LĨNH VỰC VIỄN THÔNG – INTERNET

Dung lượng Vinasat-1 đã được sử dụng hết

Tính tới thời điểm này, đã có 90% dung lượng băng tần vệ tinh Vinasat-1 được khai thác, sử dụng. Đây là kết quả thành công ngoài cả dự kiến của chủ đầu tư là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Đại diện của Công ty viễn thông quốc tế VTI, đơn vị được VNPT giao vận hành và khai thác Vinasat-1 cho hay, với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianmar, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được khai thác rất thành công. Các khách hàng lớn của Vinasat-1 có thể kể đến như: VTV, VTC, VOV, HTV, ngành dầu khí, các đơn vị kinh doanh viễn thông, Thaicom, Lao Telecom, WebsatMedia (Singapore)… Hiện đang có tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD được cung cấp trên băng tần của Vinasat-1. Ngoài ra, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích cũng sử dụng vệ tinh Vinasat-1. VNPT cho biết, trước khi có vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài. Theo tính toán, việc sở hữu vệ tinh Vinasat-1 tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD/năm tiền cho chi phí này. Tính ra, trong bốn năm qua, Vinasat-1 đã giúp Việt Nam tiết kiệm tới 50-60 triệu USD, một khoản tiền không hề nhỏ chút nào.
 
 
Lãnh đạo VNPT thừa nhận lĩnh vực việc kinh doanh vệ tinh ở thị trường ngoài đang bị cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, vệ tinh VINASAT-2 hiện đã sử dụng hết 1/4 dung lượng và tiếp tục có thêm khách hàng. Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc VTI (Công ty Viễn thông liên tỉnh), thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cho biết, hiện đơn vị này đảm nhiệm vận hành cả hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2. Phía Lockheed Martin hỗ trợ đội ngũ kỹ thuật của VTI trong thời gian đầu, sau đó sẽ chuyển sang chế độ tư vấn, hỗ trợ từ xa. Theo báo cáo, hơn 90% dung lượng băng tần vệ tinh VINASAT-1 đã được đưa vào sử dụng. Với vùng phủ sóng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và cả các thị trường lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Lâm cũng thừa nhận dù VINASAT-1 có độ lấp đầy dung lượng nhanh hơn dự kiến nhưng việc lấp đầy dung lượng vệ tinh VINASAT-2 sẽ khó khăn hơn. Bởi trong thời gian gần đây lĩnh vực việc kinh doanh vệ tinh ở thị trường ngoài đang bị cạnh tranh quyết liệt.

Ninh Bình lắp đặt mạng internet không dây miễn phí

Khu vực bến thuyền Tam Cốc-Bích Động sẽ là một trong những khu vực ở Ninh Bình có sóng wifi miễn phí. Ngày 15/8, Ninh Bình đã hoàn thiện công tác lắp đặt và chính thức công bố phát sóng thử nghiệm hệ thống mạng Internet không dây VNPT tại 5/10 địa điểm là bến thuyền Tràng An; bến thuyền Tam Cốc-Bích Động; khu vực ngã tư đường Trần Hưng Đạo-Lê Hồng Phong cùng hai trụ sở làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh.Với việc lắp đặt mạng không dây diện rộng trên, Ninh Bình đang hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị mạng không dây trong tương lai không xa. Dự án "Xây dựng hệ thống wifi miễn phí trên địa bàn" được Công ty Viễn thông Ninh Bình cùng công ty VNPT Technology triển khai thực hiện, có tốc độ truyền dữ liệu từ 54 Mb/s đến 600 Mb/s, mang đến cho người dùng sự trải nghiệm tiện lợi khi kết nối internet không dây bằng điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay.

Đứt cáp quang biển, Internet chập chờn
 
Tuyến cáp quang biển AAG (Asia - America Gateway) đoạn Vũng Tàu - Hong Kong đã bị đứt lúc 1g21 ngày 13-8. Sự cố này đã gây ảnh hưởng đến lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại VN có sử dụng tuyến cáp này cho đến hết tháng 8-2012. Việc liên lạc, trao đổi thông tin đi quốc tế như dịch vụ web, email, thoại, video... sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng. Ông Lâm Quốc Cường, giám đốc Công ty viễn thông quốc tế VTI, cho biết tuyến cáp AAG bị đứt ngoài khơi Vũng Tàu, cách bờ biển khoảng 6km. Hiện tại đơn vị quản lý cáp đang tiến hành các thủ tục để ngày 26-8 sẽ đưa tàu đến sửa chữa và dự kiến hoàn tất trước ngày 31-8. Nguyên nhân đứt cáp có thể do tàu ra vào vùng biển này thả neo vướng cáp hoặc do sụt đất sâu dưới đáy biển làm xô lệch cát gây đứt cáp. AAG là tuyến cáp quang biển dài hơn 20.000km kết nối các nước khu vực Đông Nam Á đi thẳng đến Mỹ.
 
 
 
Tại hội thảo Nội dung số, bản quyền số Việt-Hàn vừa diễn ra ở TP.HCM, đại diện của VinaPhone cho rằng mạng 3G sẽ là công cụ kết nối Internet không dây chủ yếu trong tương lai, vượt trội hơn hẳn so với wifi. Hiện nay, giá cước sử dụng Mobile Internet của VinaPhone nói riêng, các mạng di động nói chung đã giảm rất nhiều so với trước, người dùng có thể kết nối Internet dễ dàng ở bất kì nơi đâu có sóng điện thoại. Đó là ưu điểm mà mạng wifi không thể nào đáp ứng. Đại diện VinaPhone cho rằng, lý do mạng 3G chưa thật sự phổ biến là do chưa có kế hoạch truyền thông đúng, phổ biến đến với người dùng. Hiện chỉ mới có khoảng 38% khách hàng sử dụng Mobile Internet, và chủ yếu là người trẻ tuổi. Điều này cho thấy các chiến lược truyền thông của mạng 3G chưa thật sự rộng rãi, phổ biến đến mọi tầng lớp người dùng. Trong tương lai, người sử dụng smartphone, máy tính bảng, thiết bị 3G ngày càng nhiều với khả năng kết nối rộng rãi sẽ mang lại tiện lợi vượt trội hơn nhiều so với wifi chỉ bó buộc trong một phạm vi hẹp. Và thực tế thì đã có một bộ phận khách hàng nhỏ sử dụng 3G để thay thế cho mạng ADSL.

 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, theo quy định của Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, Bộ TT&TT sẽ cấp trực tiếp hoặc đấu giá, thi tuyển các đầu số cho doanh nghiệp nội dung thay vì phải xin đầu số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như trước. Khi cơ quan quản lý đã cấp đầu số dịch vụ SMS cho doanh nghiệp nội dung thì các nhà mạng sẽ phải mở mạng cho doanh nghiệp đó thay vì mở cho mạng này nhưng không mở cho mạng kia như thời gian trước. Thứ trưởng Lê Nam Thắng hi vọng rằng, Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển, không gặp khó khăn khi phân chia cước kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp nội dung vì phải phụ thuộc nhà mạng về đầu số dịch vụ SMS. Thông tin trên được tại đưa ra buổi "Giao lưu và Tọa đàm về Internet với hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam" tổ chức ngày 14/8 vừa qua.

 
LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Phối hợp thu ngân sách bằng phương thức điện tử

Ngày 15-8-, tại Hà Nội, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Tổng cục Hải quan ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước và bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Tại lễ ký, Tổng Giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho biết: Với dịch vụ này, Eximbank sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng như thực hiện các thủ tục nộp thuế, đa dạng hóa các kênh phân phối hiện đại để thực hiện nghĩa vụ thanh toán thuế. Với thế mạnh là ngân hàng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank cung cấp đến doanh nghiệp các giải pháp tổng thể liên quan đến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu như thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, mua, bán ngoại tệ. Như vậy, Eximbank hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của Tổng cục Hải quan về việc triển khai dịch vụ phối hợp thu ngân sách nhà nước và bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử.
 
 
Sáng 15/8/2012 tại Công viên phần mềm Đà Nẵng, Sở TT&TT Đà Nẵng đã chính thức khởi động dự án "Xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT-TT cho các cơ quan chính quyền của thành phố Đà Nẵng". Đây là gói thầu thuộc dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam được triển khai tại TP Đà Nẵng. Chủ đầu tư là Sở TT&TT Đà Nẵng, đơn vị trúng thầu là Liên doanh Hyundai Information Technology LTD và Công ty Cổ phần công nghệ DTT. Dự án được triển khai trong 9 tháng với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, những ứng dụng CNTT-TT cho các cơ quan chính quyền của TP Đà Nẵng được xem là “linh hồn”, là giải pháp nền tảng trong lộ trình xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng vì có sự tương tác trực tiếp trên quy mô rộng đối với các tổ chức và công dân. Bên cạnh đó, những ứng dụng CNTT-TT sẽ kết nối các cơ quan chính quyền TP Đà Nẵng vào một hệ thống cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên, cơ sở dữ liệu, chia sẻ các yêu cầu mà tổ chức và công dân đòi hỏi để phối hợp xử lý một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch. Cụ thể, 12 dịch vụ công điện tử được xây dựng và triển khai gồm: Quản lý giấy phép lái xe, Quản lý hộ tịch, Quản lý trợ cấp cho người nghèo, Quản lý đánh bắt cá, Quản lý quyền sử dụng đất, Quản lý đăng ký kinh doanh, Quản lý dự án đầu tư, Quản lý cấp phép xây dựng, Mua sắm điện tử, Thông tin địa lý, Quản lý sức khỏe, Phường điện tử/Quận điện tử, Giao diện người dùng.
 
 
FPT Software là công ty Việt Nam đầu tiên nằm trong danh sách các nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ quy trình doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là kết quả do công ty truyền thông Global Services (Ấn Độ) kết hợp cùng công ty tư vấn NeoGroup (Mỹ) đánh giá và công bố ngày 3/8. Danh sách này tập hợp các doanh nghiệp có năng lực xuất sắc trong việc cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và gia công quy trình doanh nghiệp toàn cầu. Với 4 tiêu chí lớn gồm kết quả kinh doanh và năng lực lãnh đạo, chất lượng và độ trưởng thành của khách hàng, độ đa dạng các dịch vụ, khả năng cung cấp dịch vụ toàn cầu, FPT Software được đánh giá cao bên cạnh các tên tuổi lớn đến từ các nước phát triển. Ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software, cho biết: “Công ty Phần mềm FPT vinh dự là công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, song hành với những công ty công nghệ hàng đầu của thế giới”.
 
Cục trưởng Cục công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc cho rằng sức mạnh và sự minh bạch mà CNTT mang lại trong việc hỗ trợ giảng dạy, thi cử và chấm điểm có thể khiến nhiều người lo ngại mất "quyền lợi". >CNTT là sự nghiệp của toàn dân.Tại hội thảo về đổi mới toàn diện nền giáo dục trong môi trường CNTT diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Quách Tuấn Ngọc đã nêu lên một thực trạng rằng vai trò của CNTT trong cải cách giáo dục đã được đề cập từ vài năm nay nhưng vấn đề là người ta có chấp nhận những lợi ích mà CNTT đem lại. CNTT mang đến tư duy mới, giúp người học trau dồi kiến thức ở bất cứ thời điểm nào. Hệ thống quản lý giáo dục cũng sẽ không còn bó buộc trong từng trường học do được đưa lên mạng và truy cập dễ dàng qua tên tài khoản, mật khẩu. Nhờ đó, các nhà quản lý sẽ tổng hợp được những dữ liệu quý giá mà trước đây rất khó thu thập. "Tuy nhiên, có nhiều người, đặc biệt là những thành phần tiêu cực, có bệnh thành tích sẽ ngại ứng dụng CNTT vì nó đưa ra số liệu thật, công khai bức tranh thật", ông Ngọc nhận định.
 
 
Ngày 15/8/2012, đại diện 3 Sở TT&TT Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã cùng thảo luận bàn tròn để ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử tại 3 thành phố này. Với chủ đề "Đồng bộ giữa ứng dụng với phát triển công nghiệp CNTT và liên kết các thành phố lớn trong phát triển và ứng dụng CNTT", diễn đàn đã thu hút  sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam, CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam - VFOSSA, các chuyên gia tư vấn và lãnh đạo một số công ty về CNTT. Các đại biểu đều "gặp nhau" ở một điểm chung, đó là: sử dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) trong ứng dụng Chính phủ điện tử để phát triển hệ sinh thái CNTT là phù hợp với nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu chính sách cho ứng dụng PMNM trong cơ quan Nhà nước đã tạo rào cản cho sự phát triển.
 
 
 
Theo dự thảo Thông tư về dịch vụ bưu chính dành riêng cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (VietnamPost-PV), các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính khác không được vi phạm quy định về dịch vụ bưu chính dành riêng cho VietnamPost dưới mọi hình thức. Bộ TT&TT đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Thông tư về dịch vụ bưu chính dành riêng cho doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Dự thảo này đang được đăng tải công khai tại website của Bộ TT&TT (www.mic.gov.vn) để lấy ý kiến của người dân và DN. Theo dự thảo Thông tư, dịch vụ bưu chính dành riêng là dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg với mức giá cước thấp hơn: 8.000 đồng/chiếc đối với dịch vụ thư trong nước và dịch vụ thư nhận từ nước ngoài về để vận chuyển, phát tại Việt Nam; 150.000 đồng/chiếc đối với dịch vụ thư quốc tế được chấp nhận từ Việt Nam để vận chuyển, phát tại nước ngoài. Dự thảo cũng nêu rõ, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost, DN bưu chính được Nhà nước chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích-PV) có trách nhiệm cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng. Các DN cung ứng dịch vụ bưu chính khác được cung cấp các dịch vụ  bưu chính ngoài phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và không được vi phạm quy định về dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức.
 
 
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng, VietnamPost sẽ kỷ niệm tròn 5 năm chính thức ra mắt. Sự kiện thành lập VietnamPost khi đó là một bước cụ thể hóa việc triển khai chia tách BC-VT trên quy mô toàn Tập đoàn VNPT và trong phạm vi toàn quốc. Kể từ đây, tuy vẫn là một đơn vị nằm trong VNPT song VietnamPost có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với VNPT. Nhìn lại chặng đường gần 5 năm qua, có thể khẳng định, VietnamPost đã vượt qua được vô vàn khó khăn để trụ vững trên thị trường bưu chính nhiều cạnh tranh. Trong điều kiện đã tách ra hạch toán độc lập, không còn được bù chéo từ viễn thông, thành công lớn của VietnamPost là tiếp tục giữ vững vai trò đơn vị chủ lực trong mạng lưới bưu chính chuyển phát Việt Nam. Tính đến tháng 6/2012, mạng bưu chính công cộng do VietnamPost chịu trách nhiệm quản lý, khai thác có tổng số 14.911 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân là 2,66 km/1 điểm và số dân phục vụ bình quân trên 1 điểm là 5.922 người.
 
VNPost xây dựng Trung tâm khai thác mới tại ĐBSCL

Ngày 13/8, Tổng Công ty Bưu Chính Việt Nam (VNPost) đã tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Trung tâm khai thác chia chọn và nút mạng viễn thông liên tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ. Công trình có tổng diện tích khu đất gần 2ha, tổng diện tích đất xây dựng cho công trình là 1.200m2, tổng diện tích sàn 7.705m2. Công trình cao năm tầng và một tầng hầm, tổng mức đầu tư trên 92 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ cho nhu cầu phát triển lĩnh vực bưu chính và viễn thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo VNPost, tầng 1 và tầng 2 của công trình với diện tích sàn là 2.400m2 phục vụ cho Trung tâm khai thác chia chọn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tầng 3,4 và 5 có diện tích sàn 4.105m2 phục vụ cho Công ty viễn thông liên tỉnh lắp đặt tổng đài NGN, nâng cấp tuyến trục Backbone 80 Gbps, NGN mặt phẳng 2, Metro link và phát triển mạng lưới triển dẫn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.