Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 32 (từ ngày 04-10/8/2012)

Trong tuần này, báo chí tiếp tục có nhiều tin bài viết về hoạt động của ngành. Trong đó, nổi bật có các tin: Việt Nam đứng trong top 20 quốc gia có nhiều người dùng Internet nhất thế giới, sẽ trình đề án tái cấu trúc VNPT trong quý 3 năm nay, về đề án chuyển mạng giữ số, cảnh báo khi tham gia giao dịch điện tử, phóng viên báo Lao động mua tên miền về các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền trên mạng…

img

LĨNH VỰC VIỄN THÔNG - INTERNET

+ Việt Nam vào top 20 quốc gia có nhiều người dùng Internet nhất
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số. Theo các chuyên gia, với giá cước Internet ngày càng rẻ, số lượng người dùng Internet sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, Việt Nam xếp hạng 18 trên 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới trong quý I/2012. Cụ thể, tính tới thời điểm ngày 31/3/2012, Việt Nam có 30.858.742 người dùng Internet, chiếm tỉ lệ 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới.  So với các quốc gia khác, Việt Nam có số lượng người dùng Internet nhiều thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Nếu so với lượng người dùng Internet ở Việt Nam vào trước năm 2000 chỉ ở mức 200.000 người, sau 12 năm, số lượng người dùng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ phát triển Internet nhanh với nhiều loại hình dịch vụ truy cập Internet đa dạng,  vì thế số người sử dụng các dịch vụ này đan xen lẫn nhau, một người có thể sử dụng nhiều loại hình truy cập Internet và ở nhiều nơi, các hộ gia đình, các tổ chức cũng có sự thay đổi lựa chọn đa dạng dịch vụ kết nối với chất lượng, băng thông khác nhau thay vì chỉ kết nối ADSL truyền thống. Vì thế, Việt Nam đã liên tục trong top 20 những quốc gia có người sử dụng Internet nhiều nhất từ năm 2010 (đứng vị trí 20).

+ Internet miễn phí về với trẻ nông thôn
Trẻ em nông thôn ở nhiều địa phương được tiếp cận với máy tính và Internet miễn phí trong chương trình tình nguyện hè “Hỗ trợ trẻ em nông thôn tiếp cận và sử dụng Internet”.
Ngày 29-30/07 vừa qua, Mạng Việt Nam go.vn,  ban quản lý dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam" (BMGF-VN) phối hợp cùng hội sinh viên tình nguyện Nghệ An đã  tổ chức Chương trình tình nguyện hè ý nghĩa mang tên “Hỗ trợ trẻ em nông thôn tiếp cận và sử dụng Internet”  nhằm hướng dẫn các em học sinh nông thôn sử dụng Internet, giúp các em nhận thức những lợi ích và tránh các tác động xấu mà mặt trái của Internet mang lại.
Chương trình được thực hiện giai đoạn một tại Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và dự kiến sẽ triển khai tại 2 tỉnh tiếp theo là Hà Giang và Trà Vinh.
Tại buổi tình nguyện, các em học sinh đã được các tình nguyện viên hướng dẫn sử dụng máy tính, truy cập Internet, sử dụng Internet trong học tập và tiếp cận với cuộc thi Olympic tiếng anh trên Internet (IOE) của mạng Việt Nam go.vn. Các bạn tình nguyện còn phổ biến những tác động xấu khi sử dụng Internertmà các em nên tránh như chơi các trò chơi mang tính chất bạo lực, sử dụng Internet quá lâu, vào các trang web không lành mạnh…. Để tạo hứng thú học tập và dễ dàng tiếp thu kiến thức, các bạn sinh viên đã tổ chức nhiều trò chơi tập thể thú vị và hấp dẫn cho các em nhỏ.

+ Quý III/2012 sẽ trình đề án tái cấu trúc VNPT
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT phải xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách, trong đó có VNPT, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, nhiệm vụ sắp tới của Bộ TT&TT là phải thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, củng cố việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo phân cấp của Chính phủ. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo xây dựng và thẩm định Đề án tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, Tổng công ty VTC; hoàn thiện đề án tách VNPost hoạt động độc lập hoàn toàn ra khỏi VNPT.
Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Trong đó, viễn thông là một trong những lĩnh vực trước mắt sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Nhà nước sẽ nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

Bài viết cùng chủ đề: Đề án tái cấu trúc của VNPT... “chưa hợp lệ”?

+ Được và mất khi bạn “chuyển mạng, vẫn giữ số”
Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu trưng cầu ý kiến rộng rãi về đề án “Chuyển mạng giữ số di động”. Theo dự kiến, năm 2014, chính sách này sẽ được áp dụng tại Việt Nam.
Chuyển mạng giữ số được nhận định là một xu thế tất yếu, được triển khai với tốc độ ngày một nhanh, mạnh ở hầu khắp các khu vực trên thế giới: khu vực Châu Âu đã hoàn tất, các nước phát triển ở Châu Mỹ đã triển khai và trong thời gian tới đây là giai đoạn mở rộng ở các nước châu Á.
Tại Việt Nam, thị trường viễn thông hiện nay tập trung chủ yếu vào viễn thông di động với hơn 90% số thuê bao. Tỷ lệ này đang có xu thế tiếp tục tăng lên do những ưu điểm của dịch vụ di động. Chính vì vậy, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao được nhận định nên áp dụng với thị trường viễn thông di động trước. Sau một vài năm triển khai sẽ tiếp tục đánh giá khả năng triển khai đối với dịch vụ viễn thông cố định.
Với các điều kiện hiện tại của thị trường viễn thông di động Việt, việc bắt tay vào triển khai ngay dịch vụ chuyển mạng để đáp ứng các lợi ích đặt ra là một nhu cầu cấp thiết cần được quan tâm và thực hiện sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, không phải thuê bao cứ muốn chuyển mạng là chuyển ngay được. Kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng chuyển mạng giữ số cho thấy, mỗi thuê bao khi chuyển sang mạng mới phải ở mạng đó ít nhất trong ba tháng mới có thể tiếp tục chuyển sang mạng khác nếu có nhu cầu.

Bài biết cùng chủ đề: Chuyển mạng giữ nguyên số ĐTDĐ: Giấc mơ sắp thành hiện thực!

+ Sẽ thu phí hòa mạng với thuê bao di động trả trước
Bộ Thông tin và Truyền thông sắp ban hành Thông tư Quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất, trong đó quy định mức cước hòa mạng của thuê bao di động trả trước không thấp hơn 25.000 đồng/lần hòa mạng.
Đây là bước đi tiếp theo trong việc đưa ra các biện pháp quản lý chặt thuê bao di động trả trước. Việc thu 25.000 đồng/lần hòa mạng có thể xem là một “mức giá cao” nhằm hạn chế việc người dân ồ ạt dùng SIM rác thay vì nạp thẻ, nhất là khi thị trường hiện có tới 80% thuê bao di động phát triển mới là SIM rác.
Cùng viết về chủ đề này có bài “Sẽ thu cước hòa mạng của thuê bao di động trả trước”

+ Người dùng smartphone ở Việt Nam dự kiến tăng mạnh
Theo số liệu của Ericsson ConsumerLab, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam dự tính tăng từ mức hiện tại là 16% lên 21% trong vòng 6 tháng tới.
Cụ thể, các thuê bao di động Việt Nam đang hướng tới việc sử dụng nhiều hơn các dịch vụ dữ liệu. Các ứng dụng giải trí, truyền hình, video và trò chơi được tải xuống phổ biến nhất. Trong tương lai, các dịch vụ ngân hàng, video, du lịch, mua sắm sẽ thu hút nhiều người hơn, dữ liệu di động cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng máy tính bảng cũng được dự kiến tăng từ mức 2% hiện tại lên 5% trong vòng 6 tháng tới.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy, mức độ sử dụng các ứng dụng di động của người dùng smartphone dự kiến tăng từ mức hiện tại là 35% lên 40% cùng với thời điểm như trên.
Bài viết: “Số người dùng smartphone ở Việt Nam sẽ tăng mạnh” cũng nói về vấn đề này.


LĨNH VỰC BƯU CHÍNH

+ Phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Võ Chí Công"
Ngày 7/8/2012, tròn 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh Võ Chí Công (7/8/1912 - 8/9/2011)" gồm 1 mẫu tem khuôn khổ 31 x 46 mm, với giá mặt 2.000 đồng.
Qua mạng lưới Bưu chính Việt Nam, từ hôm nay (7/8), 1 triệu con tem cước phí của bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Võ Chí Công (7/8/1912 - 8/9/2011)" sẽ được giới thiệu tới đông đảo người yêu tem trên cả nước. Việc phát hành bộ tem bưu chính này là hoạt động nhằm thể hiện sự kính trọng, biết ơn của ngành TT&TT đối với cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - một nhà lãnh đạo cách mạng kiên trung, bất khuất, đã hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Võ Chí Công (7/8/1912 - 8/9/2011)" đã được họa sĩ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) Vũ Kim Liên thiết kế theo phong cách đồ họa, với hình ảnh nổi bật trên tem là chân dung nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trên nền cờ Tổ quốc. Phát hành kèm theo mẫu tem này còn có 1 phong bì ngày phát hành đầu tiên (FDC) có kích thước 180 x 110 mm, giới thiệu hình ảnh nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công tại quê hương Quảng Nam. Tem được in offset nhiều màu trên giấy tiêu chuẩn có tráng kéo mặt sau tại Công ty In tem Bưu điện (TP.HCM).

+ VietnamPost phát triển 26.000 thuê bao AVG 
Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) cho biết, sau một thời gian triển khai, đến nay các bưu cục trong cả nước đã phát triển được 26.000 thuê bao truyền hình AVG của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu đạt doanh thu khoảng 6 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận đã ký kết giữa hai đơn vị, VietnamPost làm đại lý phát triển thuê bao cho AVG nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ truyền hình trả tiền. Ban đầu, dịch vụ được triển khai thí điểm từ tháng 3-2012 tại 11 bưu điện tỉnh, thành phố và mở rộng trong cả nước từ tháng 5-2012. Theo kế hoạch, hết tháng 5-2013, VietnamPost sẽ phát triển trên 700.000 thuê bao truyền hình cho AVG.


LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Phát triển thương mại điện tử: Thiếu chế tài cụ thể 
Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, hứa hẹn sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, từ mô hình kinh doanh này đã lộ diện không ít kẻ làm ăn bất chính.
Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng cầm đầu Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24), gồm Chủ tịch HĐQT và các Phó Chủ tịch HĐQT để làm rõ hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Theo kết quả điều tra bước đầu, đến nay mạng lưới của MB24 đã phát triển hơn 130.000 gian hàng trên cả nước với sự tham gia của hơn 40.000 người theo mô hình nhị phân đa cấp ăn chia hoa hồng. Riêng ở Hà Nội, có gần 20.000 người tham gia mua hàng tại hơn 59.000 gian hàng ảo. Tổng số tiền MB24 thu về khoảng 700 tỷ đồng và có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, TMĐT là một lĩnh vực mới và phát triển khá nhanh, vì vậy nghị định về TMĐT ban hành từ năm 2006 có thể chưa bao quát đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến. Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) được giao cấp đăng ký cho các sàn giao dịch TMĐT. Nhưng việc cấp đăng ký cho các sàn chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký, không thể bảo đảm về uy tín của DN hay chất lượng hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra được những chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia sàn giao dịch TMĐT, website được phép kinh doanh trực tuyến, người dân cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
VinaPhone cũng đã có tin nhắn đến các thuê bao của mình cảnh báo lừa đảo của muaban24 qua tin nhắn

+ Website của quỹ hàng đầu Việt Nam bị tấn công 
Từ tối qua (6/8), trang web của công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam đã bị tin tặc tấn công và thay đổi hoàn toàn giao diện.
VinaCapital là một công ty quản lý quỹ đứng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản quản lý khoảng 1,7 tỷ USD.
Hiện, VinaCapital đang quản lý 3 quỹ đầu tư chính thức gồm: VinaLand - chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; DFJVinaCapital - liên doanh với Tập đoàn Draper Fisher Jurvetson nổi tiếng thế giới, chuyên về công nghệ thông tin, viễn thông; Vietnam Infrastructure Limited - quỹ đầu tiên tại Việt Nam chuyên đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Nhìn chung, website Việt bị tin tặc tấn công không phải là chuyện hiếm trong thời gian gần đây. Khi việc phát triển web quá dễ dàng trong khi chế độ bảo mật không được chú trọng.
Theo số liệu thống kê của Bkav, trong tháng 7, đã có 245 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 17 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 228 trường hợp do hacker nước ngoài.


LĨNH VỰC BÁO CHÍ

+ Báo Lao Động có thể nhận quản lý thêm 20 tên miền quốc tế
Trần Duy Nguyễn - một trong hai bạn trẻ trong bài viết “Bảo vệ chủ quyền trên mạng” của báo Lao Động, người đã giao các tên miền quốc tế liên quan đến các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa - cho biết, anh vừa mua thêm 20 tên miền quốc tế và sẵn sàng giao báo Lao Động quản lý, nếu kế hoạch trung tâm thông tin biển Đông ra đời.
Trả lời phóng viên Báo Lao Động hôm 9.8, Trần Duy Nguyễn nói: “Sau khi chuyển giao cho Báo Lao Động một tên miền phiên âm từ cách gọi ngụy xưng Tam Sa, tôi đã tìm hiểu thêm về các trận hải chiến Trường Sa 1988 để tiếp tục mua những tên miền là tên gọi của những hòn đảo trong hai quần đảo này như Len Đao, Ba Bình, Gạc Ma, Cô Lin... tổng cộng hiện nay tôi đang có 20 tên miền. Tôi chờ đợi sự ra đời của trung tâm thông tin biển Đông như ý tưởng của Báo Lao Động, để có thể trao lại những tên miền này”.
Trần Duy Nguyễn (27 tuổi) là nhân viên của một Cty du lịch tại Hà Nội, anh đã tự tìm mua những tên miền quốc tế với mục đích bảo vệ chủ quyền của tổ quốc trên mạng internet. Cho đến nay, Nguyễn đã bỏ tiền túi để mua tổng cộng 21 tên miền quốc tế. Cũng trong ngày 9.8, một bạn trẻ khác trong bài viết “Bảo vệ chủ quyền trên mạng” là Nguyễn Đắc Hưng (25 tuổi), đã trao cho Báo Lao Động mật mã và quyền quản lý 3 tên miền đúng như bản ghi nhớ đã ký trước đó giữa anh và Báo Lao Động.