Tổng hợp báo chí ngành TT&TT tuần 25 (từ ngày 18/06/2011 đến ngày 24/06/2011)

Tuần 25 với kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06/1925 – 21/06/2011 nổi bật với thông tin về Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ V năm 2010 đã được hầu hết các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đưa tin. Ngoài ra tuần này được các báo chí đánh giá là “một tuần bất ổn của giới công nghệ”, đó là những thông tin về các website của Việt Nam bị hacker tấn công. Bên cạnh đó là những thông tin như: Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu thực hiện một số biện pháp đề phòng, ngăn chặn các cuộc tấn công, tăng cường đảm bảo an toàn nội dung thông tin; Bộ Công an phối hợp quản lý thuê bao trả trước; đào tạo hacker mũ trắng cho doanh nghiệp, VDC cung cấp dịch vụ Fone 1718 Việt- Lào; Mobiphone giải trình về việc khuyến mại lập lờ; trò lừa di động lan sang ngân hàng; Nhà mạng phá rào khuyến mại...

img

Trao Giải báo chí quốc gia lần V – 2010

Tối ngày 21.6, Hội Nhà báo VN tổ chức kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng và trao Giải báo chí quốc gia 2010. Tới dự có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và đông đảo những người làm báo. Từ 161 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo chọn ra 128 tác phẩm với 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 giải khuyến khích. Hai giải A đều thuộc về thể loại báo in: loạt bài Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (Nguyễn Đăng Lâm, TTXVN) và loạt bài Vụ tổ chức cướp than động trời ở Quảng Ninh (nhóm tác giả Ngô Mai Phong, Trần Ngọc Duy, Lê Quỳnh Trang, Tống Văn Thanh - Báo Lao Động). Các tác giả và nhóm tác giả của 24 giải B, 43 giải C cũng đã được nhận giải tại buổi lễ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 59 giải khuyến khích tặng các tác giả và nhóm tác giả đoạt giải. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã biểu dương và chúc mừng những thành tích chung của báo giới cả nước, chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải báo chí quốc gia lần V.

Ít có thời điểm nào thông tin về tình trạng các website bị hack lại rộ lên mạnh như tuần qua. Sự bất ổn có được nhìn nhận trước đánh giá, mạng xã hội đình đám Facebook sắp hết thời, khi không còn duy trì được mức tăng trưởng mạnh như trước… Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 6, số lượng tấn công các website Việt Nam có tăng lên khá lớn so với bình thường. Không chỉ có diễn đàn hacker lớn nhất Việt Nam như HVA bị tấn công DDOS, danh sách bị hacker tấn công còn lên tới hàng trăm website. Cụ thể hơn, Bkav đã đưa ra con số 249 website có bằng chứng cụ thể là đã bị tấn công, trong đó có 51 trang tên miền “.gov.vn”, gấp hơn 2 lần số trang web bị hacker “hỏi thăm” trung bình hàng tháng từ đầu năm 2011. Cốt lõi vấn đề ở chỗ, ngoài những web đã bị tấn công, phía cơ quan chức năng còn đưa ra nhận định, khả năng bị hacker gia tăng mức độ tấn công trong thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra khi còn rất nhiều website của chúng ta không được bảo vệ tốt và còn chứa "chi chít" lỗ hổng. Để giải quyết tình trạng này, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật cơ bản về bảo đảm an toàn cho các cổng thông tin điện tử, website doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, xây dựng để sớm có thể sẽ ban hành một cẩm nang dành cho những người làm kỹ thuật có thể dễ dàng hơn trong việc quản trị các trang web. Với việc dự kiến trong 6 tháng cuối năm nay, VNCERT và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đợt tập huấn cho cán bộ chủ chốt về an toàn thông tin của các Bộ ngành và website lớn về các biện pháp bảo vệ cho các website, cổng thông tin điện tử, có thể hy vọng, khả năng “chống đỡ” với các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào sẽ được thực hiện tốt hơn.
 
 
Trước tình trạng các website của Việt Nam bị hacker nước ngoài tấn công dồn dập, Công ty Công nghệ thông tin Hà Nội CTT đã mở một lớp đào tạo “Hacker mũ trắng” nhằm nâng cao bảo mật cho các doanh nghiệp. Theo Hà Nội CTT, khóa học đã được EC-Council (Hội đồng Quốc tế Tư vấn Thương mại điện tử) ủy quyền. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế. Chương trình đào tạo Hacker mũ trắng (CEH) sẽ giúp học viên có được một cách nhìn toàn diện nhất về tình hình an toàn an ninh của hệ thống mà mình đang làm chủ. Từ đó, họ sẽ có những biện pháp thay đổi để tăng cường hơn nữa sự an toàn đang có. Khóa học Hacker mũ trắng khai giảng vào ngày 20/6/2011, giảng viên là ông Nimalan Sivananthan-Chuyên gia kinh nghiệm trong việc triển khai và đào tạo về các giải pháp bảo mật cho nhiều cơ quan Chính phủ như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei…/.
 
 
Thời gian gần đây, các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức tại Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Hai hình thức tấn công phổ biến được ghi nhận là tấn công thay đổi giao diện (defaced) và tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Đối tượng bị tấn công là những cổng/trang thông tin điện tử có lỗ hổng an toàn thông tin hoặc cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và báo điện tử lớn. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị thực hiện tăng cường một số biện pháp nhằm góp phần đề phòng, ngăn chặn các cuộc tấn công, đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới. Các đơn vị chủ động phối hợp cùng cơ quan chủ quản các cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát nhằm phát hiện và có biện pháp khắc phục các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống, đảm bảo áp dụng những biện pháp quan trọng như thường xuyên quét sạch mã độc, virus máy tính khỏi hệ thống bằng các công cụ tin cậy luôn được cập nhật mới; định kỳ thay đổi và quản lý bảo mật tốt danh sách tên tài khoản và mật khẩu của những người có quyền quản trị hệ thống. Bên cạnh đó, nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các đơn vị có báo cáo đánh giá tình hình an toàn thông tin, các sự cố máy tính xảy ra từ đầu năm 2011 đến nay./.

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ cứu website bị tấn công
 
Bên lề Hội thảo “An toàn an ninh mạng tại Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và CMC tổ chức, ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký VNISA, chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về các nỗ lực của Hiệp hội trong việc khắc phục, bảo đảm an ninh thông tin. Ông cho biết: Việc các website của Việt Nam bị hacker tấn công khá nhiều trong thời gian qua theo tôi chỉ là đợt quấy nhiễu của một số hacker mang tính chất cá nhân. Nguyên nhân chính của việc các trang web bị hack dẫn đến tê liệt là do các webstie Việt từ lâu vẫn hiện hữu những điểm yếu bảo mật. Trên thực tế, các điểm yếu này đã được các doanh nghiệp thuộc VNISA, cơ quan nhà nước cảnh báo. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn và chung cho nhiều website ở Việt Nam nên không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Vấn đề ở đây là các đơn vị cần rà soát điểm yếu, các phần mềm mà website đó được xây dựng… để tìm ra lỗ hổng và tìm cách khắc phục. Về lâu dài, chúng ta phải đi những bước cơ bản để bảo đảm toàn cho website của mình. Bước này bao gồm nhiều nội dung khác nhau, trước mắt thể hiện trong văn bản của nhà nước như quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia hay Chỉ thị tăng cường an ninh mạng mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành…
 
 
Sáng ngày 20/6/2011, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an khai mạc lớp tập huấn cho các sở TT&TT về cơ sở dữ liệu (CSDL) chứng minh nhân dân (CMND) nhằm tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước (TBDĐTT).
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết trong thời gian qua, TBDĐTT có hiện tượng phát triển nhanh và nóng, trong khi đó, khâu quản lý của Bộ TT&TT có lúc hơi “lỏng tay”, chạy theo sự phát triển của xã hội nên phát sinh nhiều bất cập. Nhiều đối tượng lợi dụng để gây rối, làm mất an ninh trật tự xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đặc biệt, sự “nở rộ” lượng sim rác đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của kho số - một loại tài nguyên viễn thông. Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp với Bộ Công an trình Chính phủ về việc tăng cường quản lý TBDĐTT cơ sở Hệ thống CSDL CMND. Dự án sản xuất, cấp và quản lý CMND được Thủ tướng phê duyệt ngày 11/5/2004 với 3 mục tiêu: sản xuất và cấp thẻ CMND mới thay thế cho CMND hiện tại (dự kiến sẽ cấp 71 triệu CMND mới); bảo đảm mỗi công dân VN từ đủ 14 tuổi trở lên đều được cấp CMND với 1 số duy nhất không trùng lặp và chống làm giả; xây dựng CSDL quốc gia về CMND để lưu trữ, khai thác sử dụng CSDL về CMND phục vụ các yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của các cấp, ngành theo quy định. Đợt tập huấn diễn ra trong 2 ngày 20/6 (dành cho các sở TT&TT) và 21/6 (dành cho các doanh nghiệp viễn thông) là đợt đầu tiên trong chương trình tập huấn ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Mấy ngày qua, nhiều thuê bao di động MobiFone đã tỏ ra tức giận về chuyện hãng viễn thông này thông báo chương trình khuyến mãi khủng, tặng 100% giá trị tài khoản. Thế nhưng, khi khách nạp tiền và làm theo hướng dẫn thì tài khoản thưởng đã không được nhân đôi giá trị như mong muốn. Chương trình khuyến mãi được MobiFone tiến hành từ ngày 16/6 đến hết 18/6 cho phép khách hàng được tặng 100% giá trị các thẻ nạp và 10-500 tin nhắn SMS. Mức khuyến mãi tin nhắn này có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/7. Chị An Thi, một khách hàng ở Hà Nội cho rằng giống như bao sự cố khuyến mãi từng xảy ra, lần này, MobiFone cũng gửi tin nhắn cho khách hàng rất lập lờ. Các điều kiện tham gia chương trình đã không được hãng thông báo trong tin nhắn của khách hàng. Chính vì thế, những ai nạp thẻ mà không được tặng tiền có cảm giác như mình bị lừa.
Chiều 21/6, Hãng viễn thông MobiFone đã phát đi thông báo giải trình về sự cố khuyến mãi lập lờ này. Đại diện hãng thừa nhận có chuyện thuê bao di động phản ánh việc họ không nạp thẻ thành công và chưa nhận được số tiền tặng như cam kết. "Chúng tôi đang rà soát lại hệ thống và danh sách khách hàng nhận được tin nhắn từ hệ thống của MobiFone để tiến hành xử lý theo hướng cộng bổ sung phần khuyến mãi cho khách hàng trong vòng 24 giờ", đại diện hãng cho biết. MobiFone cho rằng việc khách hàng chậm nhận được khuyến mại là sự cố xảy ra ngoài ý muốn của hãng.Đây cũng không phải là lần đầu tiên MobiFone bị khách hàng tố khuyến mãi lập lờ hoặc ép thuê bao di động dùng dịch vụ. Cách đây một tháng, nhiều thuê bao di động cũng bị hãng tự ý kích hoạt dịch vụ báo cuộc gọi lỡ, đọc truyện cười và nhạc chuông chờ Funring không theo yêu cầu.
 
 
Ngày 20/06, Công ty VDC thuộc VNPT đã chính thức cung cấp gói dịch vụ Fone1718 Việt - Lào với giá cước gọi sang Lào chỉ 2500 đồng/phút. Fone 1718 là dịch vụ điện thoại trả trước sử dụng giao thức IP qua số truy nhập 1718 di VDC cung cấp, cho phép khách hàng thực hiện cuộc gọi và có thể đăng ký cho nhiều số điện thoại phụ được sử dụng chung một tài khoản mà không cần nhập lại mã tài khoản (PIN), với giá cước rẻ hơn giá cước truyền thống. Đơn giản và tiện dụng, các thuê bao có thể sử dụng thẻ Fone1718 từ thuê bao cố định hoặc thuê bao Vinaphone và MobiFone để thực hiện các cuộc gọi sang Lào với mức giá ưu đãi 2500 đồng/phút (chưa VAT). Ngoài ra, khách hàng cũng có thể thực hiện các cuộc gọi trong nước với mức giá từ 748 đồng/phút đến 1199 đồng/phút. Khi ở nước ngoài, khách hàng cũng có thể sử dụng Fone1718 để gọi về Việt Nam hay sử dụng tính năng roaming của Fone1718 để liên lạc với thuê bao điện thoại ở các nước khác với mức cước khá hấp dẫn và chất lượng thoại tốt. Nhân dịp ra mắt dịch vụ Fone1718 Việt - Lào, từ ngày 22/06/2011 đến hết ngày 05/08/2011, khi kích hoạt hoặc nạp thẻ Fone1718 Việt - Lào mệnh giá 50.000 - 100.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng ngay 15% giá trị thẻ nạp; kích hoạt thẻ Fone1718 Việt - Lào mệnh giá 200.000 đồng, khách hàng được tặng 20% giá trị thẻ nạp.
 
Công ty Điện toán và Truyền số liệu vừa ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ thoại VoIP Quốc tế chiều về và dịch vụ Fone1718 với Công ty SBI Hàn Quốc. Cước dịch vụ hiện nay là 3.600 đồng/phút, sau buổi ký kết này, mức cước mà người dùng dịch vụ phải trả chỉ còn từ 30-50%. Theo thống kê của Công ty SBI Hàn Quốc, có tới 200.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc và 100.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và cư trú tại Việt Nam được hưởng lợi từ dịch vụ này. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Fone1718 thông qua Công ty SBI, khách hàng có thêm lựa chọn mới: Thuê bao trả sau. Như vậy, khách hàng sẽ chủ động hơn trong việc quản lý tài khoản gọi điện thoại quốc tế của mình.
 
 
imgMục tiêu này đã được mạng di động vừa tròn 15 tuổi VinaPhone chia sẻ tại lễ kỷ niệm ngày thành lập vào tối ngày 22/6. Bước vào giai đoạn phát triển mới, VinaPhone sẽ tiếp tục là nhà mạng tiên phong phát triển công nghệ hiện đại băng thông rộng, tốc độ cao, đi đầu cung cấp các dịch vụ tiện ích mới cho người dùng…VinaPhone đang có trong tay hơn 30 triệu thuê bao thực hoạt động, là một trong ba nhà mạng lớn nhất thị trường di động Việt hiện giờ. Điểm đặc biệt, VinaPhone là mạng di động có tỷ lệ thuê bao trả sau, trung thành lớn nhất. Nhà mạng hiện có hơn 22 ngàn trạm thu phát sóng, hơn 7 ngàn trạm thu phát sóng 3G, bảo đảm thuê bao của VinaPhone đi bất kỳ đâu đều được sử dụng dịch vụ có chất lượng. Đây cũng là nhà mạng có phạm vi chuyển vùng quốc tế rộng nhất với 260 nhà khai thác thuộc 90 quốc gia trên khắp các châu lục. Để khuyến khích người dân Việt Nam sử dụng các tiện ích công nghệ, VinaPhone đã liên tục giảm cước, đưa mức cước cơ bản của nhà mạng hiện xuống mức thấp nhất trên thị trường. Cùng với đó, VinaPhone đã và đang cung cấp hơn 50 dịch vụ gia tăng, là nhà mạng cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích nhất cho khách hàng.
Nguồn: Tổng hợp từ Internet