Nhà báo và trách nhiệm thông tin

Người làm báo được xã hội đề cao và ngưỡng mộ. Vì thế, trách nhiệm của người làm báo trước công chúng, cộng đồng, quốc gia, càng trở nên lớn lao...

img

Một thực tế khách quan là xã hội ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của con người được thỏa mãn nhiều hơn, thì nhu cầu được thông tin ngày càng cao, công chúng luôn tỏ ra “khát” thông tin. Trạng thái “khát” thông tin trong công chúng một mặt thể hiện khát vọng mở rộng hiểu biết, khát vọng đổi thay của từng cả nhân, một mặt phản ánh sự tiến bộ không ngừng của xã hội.

Trong bối cảnh như thế, nhà báo-những người đưa tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Công chúng và xã hội kỳ vọng rất nhiều những người làm báo. Đối với công chúng, người làm báo là người có khả năng thu hẹp thế giới rộng lớn, kết nối các cá nhân xa lạ gần lại với nhau trong từng sự kiện, mở rộng tầm nhìn cho mỗi người...

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khái niệm báo chí, khái niệm nhà báo cũng thay đổi, theo hướng mở rộng biên độ, nhưng có một điều bất biến mà công chúng đòi hỏi ở người làm báo, ở tất cả các cơ quan báo chí, là phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin. Chúng ta không chủ trương áp đặt thông tin, không “bao cấp” thông tin, tôn trọng thông tin đa chiều, nhưng cũng không thể chấp nhận ai đó cho rằng, cứ “ném” thông tin cho công chúng để công chúng tùy sức tiếp nhận. Lối nghĩ như thế là thiếu trách nhiệm và coi thường công chúng.

Trách nhiệm của báo chí là phải cung cấp thông tin trung thực, khách quan, có tính chính thống, góp phần định hướng dư luận, bình ổn xã hội. Xã hội khuyến khích báo chí phát hiện thông tin, cung cấp thông tin, đồng thời phê phán hành vi ém thông tin, thông tin sai lệch, thổi phồng thông tin... vì lợi ích cục bộ, thậm chí vì tư lợi.

Cẩn trọng trong thông tin không mâu thuẫn với yêu cầu người làm báo và cơ quan báo chí chủ động thông tin. Chủ động thông tin bao gồm nắm chắc thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác, đồng thời dự báo được hướng diễn biến, phát triển của thông tin. Những sự kiện thời sự, chính trị xã hội quan trọng diễn ra dường như theo những quy luật nhất định. Người làm báo cần có bản lĩnh chính trị, tích lũy nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, để phán đoán hướng phát triển sự kiện, từ đó chủ động đón bắt thông tin. Trong cuộc cạnh tranh thông tin hiện nay, vấn đề ai thắng ai phụ thuộc vào người chủ động thông tin.

Thực tiễn hoạt động báo chí nước ta những năm gần đây có vô vàn dẫn chứng về những trường hợp thông tin thiếu cân nhắc gây hậu quả cho cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí cho đất nước, ở nhiều mức độ khác nhau. Thiệt hại về kinh tế, vật chất có thể tính được, và có thể khắc phục được, nhưng thiệt hại về tinh thần và chính trị thì không thể đo lường. Hơn bao giờ hết, người làm báo càng phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin. Giữa vô vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, chọn sự kiện nào để đưa tin, đưa mức độ nào, dưới hình thức nào, vào thời điểm nào... thể hiện sự nhạy bén, mẫn cảm, trong đó bao hàm trách nhiệm xã hội của người làm báo. Thông tin là sự thật, nhưng không phải sự thật nào cũng được thông tin. Mỗi thông tin, với cách đưa, cách bình, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người làm báo. Mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng không phải vô thưởng vô phạt, tùy hứng, tùy tiện, mà phải là một thông điệp tích cực. Có những sự thật, nếu thông tin mà lợi bất cập hại, thì không nên thông tin.

Tiêu chí để cân nhắc lợi-hại là số đông công chúng tiếp nhận thông tin, là những hệ lụy mà thông tin tác động, mang đến.

Khi mỗi nhà báo thường trực ý thức trách nhiệm trước công chúng, suy rộng ra, là trước cộng đồng, trước dân tộc thì không đến mức quá khó khi quyết định lựa chọn thông tin và cách đưa thông tin. Nói một cách giản dị, người làm báo phải đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên hết. Báo chí ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, đều có tính mục đích, không tách rời lợi ích nhóm, lợi ích quốc gia, lợi ích thể chế. Rõ ràng, không có khái niệm gọi là nhà báo toàn cầu. Chỉ có nhà báo thuộc về một dân tộc, một quốc gia. Một khi từ ý thức đến hành động, mỗi nhà báo tâm tâm niệm niệm mình thuộc về dân tộc, quốc gia, thì mỗi dòng tin, mỗi sản phẩm báo chí đến với công chúng đều trở nên có ích.

Nguồn: Theo congluan.vn