Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 04/4 đến khoảng 15:00 ngày 05/4/2011)

Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 04/4 đến khoảng 15:00 ngày 05/4/2011.

img

1. TÌNH HÌNH Ở KHU VỰC NHÀ MÁY

Theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), khói trắng vẫn thoát ra từ tòa nhà lò các tổ máy số 1, 2, 3 và 4. Việc phun nước ngọt làm mát vùng hoạt lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu đã cháy ở các tổ máy 1, 2, 3 và 4 vẫn đang được tiến hành. Từ ngày 1/4 đã thử nghiệm phun nhựa tổng hợp tại khu vực nhà máy để bao phủ bụi nhiễm xạ.

NISA thông báo với IAEA: Chính phủ Nhật Bản đã cho phép TEPCO thải ra biển 10.000 tấn nước có mức nhiễm xạ thấp đã qua xử lý.

2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN

Mức phóng xạ trong khu vực nhà máy ngày 4 và 5/4 vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Còn bên ngoài nhà máy, tại 45 tỉnh từ ngày 23/3 đến nay, suất liều gamma đo được giảm và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. (Tham khảo thêm mức phóng xạ trong nước và không khí tại một số tỉnh, thành phố Nhật Bản ngày 3/4 tại Phụ lục)

Theo NISA, tính đến ngày 2/4, đã kiểm tra tuyến giáp cho 946 trẻ em từ 0-15 tuổi tại Iitate và Kawamata và kiểm xạ cho 222.613 người dân tỉnh Fukushima. Tất cả đều dưới giới hạn cho phép.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết việc kiểm tra các mẫu thực phẩm lấy các ngày 15, 29-31/3 và 1-2/4 tại 12 tỉnh (Chiba, Fukushima, Gunma, Ibaraki, Kanagawa, Kyoto, Niigata, Saitama, Shizuoka, Tchigi, Tochigi và Tokyo) cho thấy không phát hiện được I-131, Cs-134, Cs-137 hoặc phát hiện thấy nhưng dưới mức cho phép. Riêng một mẫu nấm shiitake lấy ngày 1/4 tại tỉnh Fukushima có phóng xạ I-131 và Cs-134/Cs-137 cao hơn mức cho phép.

3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG

Nhiều trạm quan trắc của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) vẫn tiếp tục phát hiện hạt nhân phóng xạ và không có thay đổi nhiều so với ngày hôm qua.

Theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong son khí, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); tại Việt Nam còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 với chu kỳ bán rã 8,02 ngày, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường (xin xem giải thích ở Bản tin ngày 28/3 – 29/32011 của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I).
Theo số liệu của Trung tâm ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 05/4/2011 so với giá trị ngày 04/4/2011.
(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục)

*
*    *

Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.

PHỤ LỤC

Nguồn: Bộ KHCN