Phần thưởng cao quý nhất tặng báo chí cách mạng Việt Nam

Ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong 85 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất cho lực lượng báo chí cách mạng nước ta.

img

 Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2010) và đón nhận Huân chương Sao Vàng được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa hữu nghị (Hà Nội), tối 21/6.

Tới dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và đông đảo những người làm báo trong cả nước.

Phát huy chức năng cao quý

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Sao Vàng tặng lực lượng Báo chí cách mạng Việt Nam, ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp lớn lao của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chưa bao giờ nước ta có nhiều loại hình báo chí, chưa bao giờ có nhiều phương tiện thông tin hiện đại và đội ngũ những người làm báo hùng hậu như hiện nay.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là một sự nghiệp vô cùng to lớn nhưng cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi toàn xã hội phải có sự đồng tâm nhất trí rất cao, quyết tâm nỗ lực rất lớn, có niềm tin vững chắc và có ý chí, nghị lực phi thường.

“Báo chí với những chức năng cao quý của mình, phải làm sao góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh đó”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới báo chí tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đã giao, đồng thời chú trọng đến 4 nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân…

Thứ hai, phản ánh sinh động những vấn đề thực tiễn cuộc sống, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Thứ ba, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Thứ tư, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, hơn lúc nào hết, cần nhận thức sâu sắc và thực hiện đầy đủ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới báo chí, không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí”,  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tô thắm truyền thống báo chí cách mạng

Trong ngày kỷ niệm vẻ vang này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu, lực lượng Báo chí cách mạng Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo lỗi lạc, người thầy vĩ đại đã chăm lo đào tạo và rèn luyện đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, biết ơn sâu sắc đến hơn 400 nhà báo- liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nền báo chí nước nhà; các thế hệ nhà báo cha anh đã đem hết sức lực, tài năng và tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam...

 Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng của mình là vũ khí sắc bén, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời, là cuốn Biên niên sử cập nhật những diễn biến lịch sử trọng đại của dân tộc ta, mô tả trung thực và hùng hồn sự thật lớn vẻ vang, thấm đẫm máu, nước mắt và mồ hôi của một dân tộc thấm nhuần và sẵn sàng hy sinh tất cả cho chân lý "Không có gì quí hơn Độc lập Tự do" để vươn tới mục tiêu cao cả "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Sau Lễ mít tinh là Lễ trao Giải báo chí Quốc gia năm 2009. Trong số 148 tác phẩm thuộc 8 loại hình báo chí vào chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã trao giải cho 130 tác phẩm gồm: 1 giải A, 19 giải B, 54 giải C, 56 giải khuyến khích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trao Giải A duy nhất cho nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Anh, Dương Thế Hiển (Đài phát thanh truyền hình tỉnh Đồng Nai) với tác phẩm phóng sự truyền hình "Trạm cân Dầu Giây – lợi bất cập hại ". Đây là năm thứ hai liên tiếp Đài phát thanh truyền hình tỉnh Đồng Nai có tác phẩm đạt giải A.

Nhóm tác giả: Phạm Nam Tiến, Phạm Quỳnh Hoa, Ứng Quốc Bình của Báo điện tử Chính phủ đã giành giải khuyến khích với chùm bài "Khai thác bauxite ở Tây Nguyên".

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Đinh Thế Huynh đánh giá, các tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia 2009 là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, có tính định hướng dư luận xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguồn: Theo Chinhphu.vn