Năng lực kết nối của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

Bảng đánh giá năng lực kết nối năm 2010 (Connectivity Scorecard) của hãng tư vấn kinh tế quốc tế LECG cho thấy Việt Nam tuy có mức độ cải thiện vị trí xếp hạng nhanh nhưng vẫn còn nhiều yếu điểm, nhất là trong lĩnh vực doanh nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải thúc đẩy đầu tư kinh doanh nhiều hơn vào phần cứng, phần mềm và các dịch vụ CNTT nhằm nâng cao lợi ích của năng lực kết nối.

img

Connectivity Scorecard là một chỉ số ICT toàn cầu, dùng để xếp hạng các quốc gia dựa trên phát triển hạ tầng CNTT-TT và quy mô sử dụng các công nghệ kết nối của khối chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân để nâng cao sự thịnh vượng của xã hội và nền kinh tế.

Việt Nam thăng hạng nhanh

Theo đánh giá của Connectivity Scorecard 2010, Việt Nam xếp vị trí thứ 15 (tăng từ vị trí 19 năm 2009) trong số 25 nền kinh tế hiệu quả và có nguồn lực dồi dào. Việt Nam được đánh giá cao về kỹ năng và sử dụng CNTT của người tiêu dùng, chủ yếu là do khu vực này có tỷ lệ nhận thức cao. Ngoài ra, mức độ sử dụng thoại và Internet tại Việt Nam cũng tăng khá nhanh. Đó là chưa kể tới những con số đáng nể liên quan tới khối chính phủ, đã giúp cho Việt Nam tăng điểm ấn tượng trong bảng xếp hạng năng lực kết nối năm nay.

Theo bà Anne Larilahti, Trưởng bộ phận Sáng kiến toàn cầu của Nokia Siemens Networks (NSN), hiện Việt Nam đang có 4% hộ gia đình sử dụng băng rộng, 27% dân số sử dụng Internet, và con số này đang tăng với tốc độ khá nhanh. Điều đó cho thấy năng lực kết nối của Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới, đặc biệt là 3G.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất về viễn thông so với các quốc gia ĐNÁ khác trong năm nay. Sự tăng trưởng này có được nhờ sự đóng góp đáng kể của 3G, vốn đang là mối quan tâm lớn của người dùng di động tại Việt Nam. Dựa trên số liệu khảo sát của Google Trends hồi đầu năm vừa rồi, số lượng tìm kiếm 3G của Việt Nam đã xếp thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc với mức độ chênh lệch không đáng kể.

Hạ tầng CNTT doanh nghiệp còn yếu

Tuy nhiên, đánh giá đối với khu vực doanh nghiệp lại không mấy sáng sủa. Mức độ phổ biến băng rộng trong khối doanh nghiệp Việt Nam khá thấp và nghèo nàn. Thêm vào đó, mức đầu tư cho hạ tầng CNTT của doanh nghiệp cũng chưa mấy được cải thiện, trong khi khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn nhất (67%) trên bảng đánh giá của Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao mà chỉ số kết nối của Việt Nam bị kéo xuống mặc dù khu vực chính phủ và người dùng cá nhân được đánh giá khá cao.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng ICT doanh nghiệp Việt Nam chỉ được chấm 0,19 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 0,72 của các quốc gia hàng đầu khác. Trong khi đó, kỹ năng ứng dụng CNTT trong khối doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức điểm 0,23, cũng thấp hơn mức trung bình 0,79.

Bà Anne Larilahti cho rằng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về hạ tầng CNTT doanh nghiệp, cũng như mức độ và kỹ năng ứng dụng ICT trong lĩnh vực này. Để cải thiện năng lực kết nối của mình, Việt Nam cần đầu tư xây dựng một hạ tầng ICT vững mạnh, bao gồm việc tăng cường độ phủ kết nối băng rộng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như giúp các doanh nghiệp trong nước san lấp khoảng cách với các đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, để tăng năng lực kết nối, bà Anne Larilahti cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao kỹ năng của nhân viên, cũng như tăng cường các trang thiết bị CNTT, và hiện diện nhiều hơn trong môi trường trực tuyến.

Bảng đánh giá năng lực kết nối năm 2010 được thực hiện với 50 quốc gia/vùng lãnh thổ, và được chia thành 2 nhóm khác nhau. Nhóm 1 bao gồm 25 nền kinh tế được đánh giá theo tiêu chí có nhiều cải tiến và sáng kiến nâng cao năng lực kết nối; và nhóm còn lại là 25 nền kinh tế hiệu quả và có nguồn lực dồi dào. Việt Nam nằm trong nhóm thứ hai.

img 

Connectivity Scorecard 2010 được thực hiện bởi giáo sư Leonard Waverman, hiệu trưởng Trường kinh doanh Haskayne, thuộc Trường Đại học tổng hợp Calgary, và các đồng nghiệp của Trường Kinh doanh Luân Đôn. Dự án này được tài trợ bởi Nokia Siemens Networks (NSN), và được thực hiện bởi hãng tư vấn kinh tế quốc tế LECG, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Waverman.

Nguồn: Theo Vnmedia.vn