Quản lý hiệu quả hơn các lĩnh vực nhạy cảm

Nhiều biện pháp mạnh được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đưa ra trước các chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề trọng điểm của ngành như quản lý trạm viễn thông, quản lý báo chí, internet…

img

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là thành viên Chính phủ thứ hai trong ngày 17//11 đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, sau Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Năm 2010, hoàn tất kiểm tra các trạm BTS

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Nguyễn Thanh Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu nêu vấn đề, hiện nay, có nhiều đơn thư của dân phản ánh các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông xây lắp trạm thu phát sóng (BTS) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và đề nghị Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông giải đáp.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, cả nước hiện có 42.000 trạm BTS, so với nhiều nước thì không nhiều. Đơn cử một công ty viễn thông của Nhật Bản năm 2007 cũng có tới 40.000 trạm BTS.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra được 25.000 trạm BTS trong đó chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn và đã chỉ đạo khắc phục. Năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm hoàn tất việc kiểm tra các trạm còn lại.

Qua kiểm tra, các trạm BTS nhìn chung đảm bảo bảo chất lượng; căn cứ vào các nghiên cứu khoa học; tiêu chuẩn Bộ Khoa học và Công nghệ có thể kết luận là chưa có bằng chứng nào cho thấy sóng của các trạm thu phát BTS gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Tích cực hơn trong quản lý báo chí

Về công tác quản lý báo chí, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), thời gian qua một số  bài báo có nội dung tuyên truyền không đúng sự thật; lợi dụng dân chủ để tố cáo sai, không đúng sự thật… Đại biểu chất vấn trách nhiệm  của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông trong vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, báo chí nước ta hiện nay có sự phát triển hết sức mạnh mẽ với trên 700 cơ quan  báo chí. Báo chí đã đồng hành cùng dân tộc, cổ vũ dân tộc đi lên trong quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng thừa nhận, trong thời qua, báo chí cũng còn có một số tồn tại như: có toà soạn báo không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đó; có tin, bài đăng với nội dung thông tin không chính xác…

Trước những sai phạm nêu trên, trong năm 2008, Bộ đã xử lý 65 trường hợp và đã thu hồi thẻ nhà báo đối với 15 phóng viên và cán bộ quản lý trong các cơ quan báo chí.

Năm 2009, công tác quản lý báo chí có nhiều chuyển biến tích cực hơn; Bộ cũng đã xử lý 6 trường hợp thông tin không đúng sự thật trên báo chí, trong đó đã thu hồi thẻ nhà báo đối với 4 trường hợp.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý báo chí xuất bản, bởi đây là một lĩnh vực nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, Bộ trường Lê Doãn Hợp khẳng định.

Hạn chế mặt tiêu cực của các loại hình dịch vụ internet

Về công tác quản lý đối với các website có nội dung không lành mạnh, các điểm truy cập Internet công cộng; dịch vụ game online…, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thừa nhận một số tồn tại trong công tác quản lý về lĩnh vực này; đồng thời khẳng định, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các Bộ chức năng tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo cho các loại hình dịch vụ này phát triển lành mạnh, hạn chế tối đa các tiêu cực phát sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ chức năng tìm ra các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn, hạn chế tính trạng phát tán các website có những nội dung không lành mạnh trên Internet.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng khẳng định với các đại biểu sẽ tăng cường hơn nữa chức năng quản lý nhà nước của Bộ đối với các hoạt động tính cước thuê bao điện thoại, quảng cáo và phát hành các ấn phẩm văn hóa…

Cần quản lý hiệu quả hơn các lĩnh vực nhạy cảm

Phát biểu kết luận phần chất vấn đối với Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, có 22 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng trong đó có 18 lượt ý kiến chất vấn và trao đổi lại với Bộ trưởng.

Các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu đề cập tới nhiều vấn đề phong phú thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông. Phần chất vấn và trả lời chất vấn đi đúng trọng tâm, trọng điểm, sôi nổi. Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đưa ra nhiều con số dẫn chứng cụ thể, đáp ứng được mong muốn của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác quản lý báo chí xuất bản, internet, hạ tầng của ngành viễn thông là những lĩnh vực lớn, nhạy cảm và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nâng cao năng lực quản lý nhà nước một cách hiệu quả hơn nữa đối với các lĩnh vực này.

Về kết quả việc thực hiện lời hứa qua chất vấn từ kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII tới nay đối với hoạt động kiểm tra đại lý Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông đã 5 lần tổng kiểm tra các đại lý Internet; các Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương cũng đều vào cuộc rất quyết liệt. Tính đến tháng 7/2009, đã có 20 Sở Thông tin và Truyền thông gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ, trong đó: 895 đại lý đã được thanh kiểm tra, 205 đại lý bị xử lý vi phạm hành chính. Vi phạm của các đại lý Internet chủ yếu tập trung vào việc để khách hàng sử dụng dịch vụ quá giờ quy định, truy cập vào các website đồi trụy, không ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ…