Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận 2 dự luật về viễn thông

Tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (11/8), các đại biểu đã thảo luận về 2 dự án Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, xem xét báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á AIPA – 30.

img

Thảo luận về 2 dự án Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung vào các nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau. Đối với dự thảo Luật Viễn thông là phạm vi điều chỉnh, cơ chế cấp giấy phép viễn thông, phí trong hoạt động viễn thông và đặc biệt là việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đối với dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện là việc thành lập bộ máy, cơ chế quản lý chuyên ngành lĩnh vực tần số vô tuyến điện, các quy định về phí, lệ phí tần số vô tuyến điện. 

Theo đó, UBTVQH đã cơ bản thống nhất với quan điểm quy định rõ nguyên tắc, trình tự, điều kiện cấp giấy phép viễn thông cũng như các trường hợp được miễn trừ cấp giấy phép viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông phải nộp phí kinh doanh dịch vụ theo 3 hình thức: nộp hàng năm trên cơ sở doanh thu, nộp hàng năm theo mức cố định và nộp 1 lần cho toàn bộ thời hạn của giấy phép. Dự thảo Luật cũng có điều khoản bắt buộc chia sẻ hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, khắc phục những bất cập, làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho xã hội hiện nay. 

Tương tự, Các thành viên UBTVQH cũng cơ bản tán thành với quy định thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thống nhất chỉ quy định nguyên tắc thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện, phân biệt mức thu khác nhau đối với những mục đích, khu vực địa bàn khác nhau.
Đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 30) đã báo cáo khái quát nội dung phiên họp Đại hội đồng tổ chức tại Thái Lan vừa qua. Theo cơ chế luân phiên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010 và Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA-31 vào năm 2010.
Nguồn: Theo Chinhphu.vn