Viễn thông, Bưu điện Đắk Lắk chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với thiên tai

Ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải - thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra tới làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

img

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nghe các cán bộ quản lý đập Krông Buk hạ báo cáo về tình trạng của hồ, khả năng hoạt động cũng như phương thức phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc điều tiết nước.

Báo cáo với Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk cho biết, thực hiện theo các văn bản của Chính phủ và Bộ, tất cả các đơn vị trực thuộc Sở đều thành lập tiểu ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai để xây dựng phương án riêng của đơn vị mình.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên bảo dưỡng mạng lưới gồm nhà trạm, cột anten, nguồn điện, hệ thống bảo an… Trong mùa mưa lũ các cán bộ kỹ thuật cũng được cử túc trực sửa chữa thường xuyên để đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 cho các cơ quan trọng yếu.

Về mảng bưu chính, Bưu điện tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện toàn tỉnh có 202 điểm với 39 đường thư. Theo phương án phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của Bưu điện Đắk Lắk thì các tuyến đường thư nội tỉnh phải được giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bưu điện huyện, thị xã, thành phố.

Bưu điện cũng chỉ đạo các bưu cục thường xuyên kiểm tra sửa chữa cơ sở vật chật như nhà kho chứa hàng để đảm bảo không bị dột, tốc mái; các phương tiện phải được bảo dưỡng để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.

Trong khi đó về mảng viễn thông, báo cáo của Sở TT&TT cho thấy tỉnh hiện có 5 trung tâm viễn thông quản lý mạng lưới tại các huyện, thị xã và thành phố. Mạng lưới tại Đắk Lắk hiện có 201 tổng đài, tổng dung lượng 63.522 số; mạng truyền dẫn có 99 tuyến cáp quang với chiều dài 2.620km; mạng ngoại vi có hơn 4.000km cáp các loại. Để chuẩn bị cho công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, vào đầu mùa mưa viễn thông Đắk Lắk đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị… đặc biệt tại những huyện hay bị ngập lụt như Krông Bông, Lăk, Ea Soup.

Cũng theo Sở thì mạng lưới viễn thông tại đây được xây dựng trên cơ sở chắc chắn và an toàn để đáp ứng trong mọi tình huống, vì ngoài việc kinh doanh của đơn vị còn phục vụ công tác phòng chống lụt bão và đảm bảo an ninh chính trị của đất nước.

Viễn thông tỉnh cũng đã đưa ra những tình huống giả định và chuẩn bị sẵn phương án khắc phục như: mưa lớn, nước dâng cao cuốn theo các cây lớn làm đứt các tuyến cáp quang treo; trời giông tố và mưa to làm máy phát điện không hoạt động hay ngập lụt làm ảnh hưởng đến điểm chuyển mạch Outdoor…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng với sự phát triển của mạng thông tin công cộng và các mạng di động hiện nay thì các cơ quan quản lý đã có cơ sở rất thuận lợi để chỉ đạo trong trường hợp xảy ra thiên tai. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục xây dựng các phương án chi tiết để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt đối với Tây Nguyên cần phải có những phương án khả thi trong trường hợp xảy ra giông lốc, lũ lớn.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải thì qua kiểm tra tại một số địa phương đã thấy có hiện tượng người dân được thông báo xả lũ rất gấp nên không kịp phòng tránh. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị sẵn phương thức để khi tỉnh có yêu cầu thì sẽ nhắn tin trực tiếp đến các thuê bao thuộc khu vực ảnh hưởng để người dân biết. “Người dân càng biết trước bao nhiêu sẽ càng đỡ thiệt hại bấy nhiêu” – Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh./.
Nguồn: (infonet.vn)