Thứ trưởng Phạm Hồng Hải làm việc tại Đắk Lắk về công tác phòng chống thiên tai

“Phải có một bản đồ ngập lụt và xây dựng sẵn phương án di chuyển người dân khi lũ xảy ra. Lũ đến rất nhanh nên chúng ta sẽ không có thời gian ngồi bàn mà phải lập tức triển khai..." - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nói.

img

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngày 11/11, đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Phạm Hồng Hải – Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương này.

Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2015 tại đây có nhiều bất thường với tình trạng nắng nóng kéo dài, đi cùng đó là việc lượng mưa thiếu hụt, lại phân bố không đều nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng trong vụ Đông Xuân.

Theo số liệu thống kê, tổng lượng mưa tính đến cuối tháng 10 chỉ đạt 60 – 80% lượng mưa trung bình hàng năm, thậm chí một số nơi sụt giảm nghiêm trọng như Ea Kar chỉ đạt 50,4%, M’Đrăk chỉ đạt 51,3%… đặt biệt, dù đến nay mùa mưa đã kết thúc nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lũ.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh cũng cho rằng tình hình thời tiết trong thời gian tới tiếp tục chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và sẽ kéo dài đến khoảng tháng 6/2016. Do đó tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ thiếu hụt từ 30 – 50%.

Hậu quả trong vụ Đông Xuân vừa qua toàn tỉnh đã có trên 68.000ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó có 4.364ha mất trắng, ngoài ra hạn hán còn làm 19.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tính tổng thiệt hại do hạn hán gây ra là khoảng 2.095 tỷ đồng.

Đề cập đến nguyên nhân gây ra tình trạng trên, ngoài sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, UBND tỉnh cho rằng có những nguyên nhân xuất phát từ chủ quan như kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, hệ thống công trình thủy lợi không đảm bảo an toàn…

Trong khi đó công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi khi chưa đồng bộ và còn bị động, nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa được trang bị đầy đủ, phù hợp và trình độ của lực lượng này còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là nhận thức của chính một số cộng đồng dân cư trong việc phòng tránh thiên tai còn sơ sài, thậm chí là chủ quan, xem thường. Mặt khác do kinh tế khó khăn nên nhà cửa tại vùng sâu, vùng xa chưa được xây dựng kiên cố nên rất dễ tổn thương khi có sự việc xảy ra.

Trước những vấn đề trên UBND tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường triển khai các dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tỉnh cũng đề nghị được hỗ trợ các trang thiết bị cho công tác phòng chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Một vấn đề tỉnh cho rằng “rất bức thiết” là việc nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đang hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Do vậy tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét sớm đầu tư vốn để ổn định công trình, phát huy hiệu quả điều tiết và giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị tỉnh cần chủ động hơn nữa trong kế hoạch thông tin tuyên truyền luật phòng chống thiên tai để nâng cao nhận thức cho người dân, phải làm cho họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong từng hoàn cảnh khi có thiên tai xảy ra để có hành động phù hợp.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau khu vực sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, do đó sẽ có những diễn biến rất khó lường, vì vậy tỉnh cần theo dõi sát thời tiết để chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục.

Về tình hình hạn hán, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị tỉnh có kế hoạch sử dụng thật tiết kiệm, phù hợp với khả năng của nguồn nước và nhu cầu của người dân.

“Chúng ta cần tổ chức kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa và xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý phù hợp với khả năng của nguồn nước, trong đó ưu tiên cho nước sinh hoạt và các khu vực cây trồng có giá tri cao” – Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.

Dù đang trong thời gian hạn hán nhưng Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng tỉnh vẫn phải có phương án chống lũ trong trường hợp xảy ra đột ngột.

“Phải có một bản đồ ngập lụt và xây dựng sẵn phương án di chuyển người dân khi lũ xảy ra. Lũ đến rất nhanh nên chúng ta sẽ không có thời gian ngồi bàn mà phải lập tức triển khai” – Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh cần có kế hoạch bảo vệ rừng, tăng cường tuyên truyền đến người dân và quy định rõ việc đốt nương rẫy của họ bởi tình trạng hạn hạn rất dễ dẫn đến bùng phát các vụ cháy.

Chia sẻ khó khăn về kinh phí trong công tác thực hiện việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết hiện ngân sách Trung ương đang rất khó khăn, do vậy nhiều khả năng chỉ đáp ứng được nguồn vốn cho các công trình trọng điểm. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiết kiệm và chủ động vốn từ các nguồn khác để đảm bảo kế hoạch phòng chống thiên tai.

Đáp lại điều này ông Nguyễn Hải Ninh – Phó chủ tịch UBND tỉnh cám ơn sự quan tâm và hỗ trợ từ Trung ương cùng các bộ, ngành trong thời gian qua. Ông cũng khẳng định địa phương sẽ chủ động hơn nữa trong công tác này để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân./.
Nguồn: (infonet.vn)