Khai mạc Hội thảo “Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng”

Sáng ngày 6/5/2015, tại Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia (Việt Nam IPv6TF) đã tổ chức Hội thảo “Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã tới dự và phát biểu khai mạc.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, hiện nay số lượng thuê bao 3G tại Việt Nam là trên 30 triệu thuê bao và ngày càng tăng trưởng, vì vậy việc triển khai IPv6 trên mạng di động sẽ là khâu đột phá quan trọng, thúc đẩy lưu lượng sử dụng IPv6 ở Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn, thông qua hội thảo này, hiện trạng triển khai IPv6 của các doanh nghiệp di động tại Việt Nam sẽ được cập nhật và bao quát, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả nhất, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 tại Việt Nam.
 
Thứ trưởng cho biết, năm 2014 tiếp tục đánh dấu nhiều hoạt động quan trọng thúc đẩy phát triển IPv6 theo đúng lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 như: Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế về IPv6 được đẩy mạnh. Mạng IPv6 quốc gia (bao gồm hệ thống VNIX, DNS, kết nối quốc tế IPv6) được xây dựng và từng bước hoàn thiện, sẵn sàng cho việc triển khai các dịch vụ, ứng dụng trên nền IPv6. Năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2 – giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy phát triển IPv6. Mục tiêu đặt ra khi kết thúc giai đoạn này là bảo đảm tính sẵn sàng IPv6 đối với toàn bộ hạ tầng mạng lưới Internet, chính thức cung cấp một số dịch vụ trên nền IPv6.
 
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, nâng cấp mạng lưới Internet, cơ sở hạ tầng Internet quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn toàn hỗ trợ IPv6. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2015 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

img

                                                                                        Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ VNNIC và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động lớn tại Việt Nam như Viettel, MobiFone, Vinaphone cùng tham gia trình bày về những khó khăn, thách thức trong triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng, cũng như lộ trình và kế hoạch triển khai IPv6 cho di động tại Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm thực tế ứng dụng và triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng của các chuyên gia đến từ các hãng thiết bị và dịch vụ di động hàng đầu đến từ Hàn Quốc là Công ty SK Telecom và Tập đoàn Samsung.

Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai IPv6, đại diện MobiFone cho biết, hiện tại các thiết bị mạng trong hạ tầng truyền tải đều sẵn sàng hỗ trợ IPv6. Các công nghệ truyền tải IPv6 đã được triển khai tại các nhà mạng khác và đã được kiểm chứng về chất lượng dịch vụ và độ ổn định. Tuy nhiên, có một số vấn đề khó khăn của MobiFone khi triển khai IPv6  đó là phải giải quyết bài toán cung cấp địa chỉ IPv6 cho các thiết bị đầu cuối không hỗ trợ IPv6, xây dựng và kết nối với các nhà mạng, các nhà cung cấp nội dung sử dụng hạ tầng IPv6 và một số các nguy cơ chưa lường trước về bảo mật khi triển khai IPv6 của MobiFone.

MobiFone cũng chia sẻ về các phương thức chuyển đổi IPv4 sang IPv6 trên mạng di động như: Mô hình 1: Đầu cuối gửi 2 PDP request cho địa chỉ IPv4 và IPv6 riêng biệt. Mô hình 2: Đầu cuối gửi 1 PDP request cho cả 2 địa chỉ IPv4 và IPv6. Tuy nhiên yêu cầu tối thiểu các thành phần SGSN và GGSN hỗ trợ truyền tải PDP context IPv6, ngoài ra các thành phần khác như PCRF, PCEF cũng cần hỗ trợ khả năng phân loại dịch vụ IPv6 nếu muốn tham gia vào quản lý khách hàng.  Thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 là: IOS 6.0 trở lên và android 4.0.

MobiFone cũng trình bày lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 với 03 giai đoạn:

Giai đoạn thử nghiệm cung cấp dịch vụ: Thử nghiệm truyền tải IPv6 trên mạng IPBB với các giao thức 6PE và 6VPE; Thử nghiệm cung cấp đồng thời IPv4 và IPv6 cho các thiết bị đầu cuối di động trên mạng 3G/4G LTE; Thử nghiệm Dualstack trên hệ thống mạng tin học, VAS;

Giai đoạn cung cấp dịch vụ: Truyền tải IPv6 trên mạng IPBB với các giao thức 6PE và 6VPE; Kết nối IPv6 đầy đủ tới các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung IPv6; Cung cấp đồng thời IPv4 và IPv6 cho các thiết bị đầu cuối di động trên mạng 3G/4G LTE, các chính sách quản lý cũng như tính cước áp dụng cho cả ứng dụng, dịch vụ IPv4 và IPv6; Sử dụng Dualstack trên hệ thống mạng tin học, VAS;

Giai đoạn hoàn thiện: Toàn bộ hạ tầng mạng VMS sử dụng IPv6, cung cấp đầy đủ các ứng dụng, dịch vụ trên nền IPv6.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị Ban công tác thúc đẩy IPv6 tập hợp các nội dung trong hội thảo để làm cơ sở xây dựng chính sách quy hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Các doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 đặc biệt là trên mạng 3G và thử nghiệm 4G LTE, đồng thời triển khai xây dựng các giải pháp cho mạng 4G, đảm bảo đúng lộ trình của IPv6.