Khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Ninh Bình

Sáng 26/4/2015, tại Sân lễ hội Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Tới dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cùng các ban, ngành đoàn thể và nhân dân tỉnh Ninh Bình.

img

 Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc triển lãm

Triển lãm đã lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trưng bày, giới thiệu với công chúng, đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này và các vùng biển, đảo khác trên biển Đông.
 
img
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình cắt băng khai mạc Triển lãm
 
Triển lãm bao gồm các nhóm tư liệu phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20  khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, tại triển lãm có các Châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý hai quần đảo; phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành từ thời kỳ 1954-1975; phiên bản các văn bản hành chính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay về tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, các ấn phẩm, tư liệu, bộ Atlas Thế giới được biên soạn và xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 có thông tin liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng được trưng bày tại triển lãm lần này.
 
Chính những bằng chứng lịch sử trên khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm bằng con đường hòa bình và được các triều đại phong kiến, các nhà nước Việt Nam thời cận đại, hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp đối với hai quần đảo này cũng như đối với các vùng biển đảo khác của Việt Nam.
 
Triển lãm là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức; khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu được công bố. Triển lãm còn cho thấy nhà nước và nhân dân Việt Nam, dù ở đâu cũng luôn có ý thức về chủ quyền thiêng liêng của đất nước và sẵn sàng hành động vì cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

img

                            Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao tặng Bản đồ và Tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa cho tỉnh Ninh Bình

Phát biểu khai mạc triển lãm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son vui mừng cho biết, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Ninh Bình lần này được khai mạc đúng vào dịp kỷ niệm 1040 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần đưa thông tin đến người dân, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội một cách rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho quân và dân ta, nêu cao tính chính nghĩa của công luận, nâng cao lòng yêu nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và Quyết định số 373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” đã khẳng định Thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng xây dựng chiến lược biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có biển và đảo của Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng. Theo tinh thần Nghị quyết, đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, gây phẫn nộ đối với người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền để củng cố lập trường và yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của họ. Không chỉ vậy, mới đây, Trung Quốc lại tiếp tục xuất bản bản đồ "đường lưỡi bò" 10 đoạn, bất chấp sự phản đối và lên án của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc còn tăng cường xây dựng trên các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung DOC, đe dọa an ninh trên Biển Đông và khu vực. Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi tuyên bố lên tòa Trọng tài quốc tế khẳng định lập trường quan điểm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, tuyên bố bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nêu quan điểm về quy chế đảo phù hợp với Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời yêu cầu tòa trọng tài Quốc tế quan tâm đến lợi ích pháp lý của Việt Nam, bảo lưu quyền dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc sưu tầm, thẩm định và công bố các tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn để nâng cao nhận thức pháp lý lịch sử, tăng cường tuyên truyền đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển đảo là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Đó cũng chính là minh chứng cho những phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý và bảo vệ, và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong hơn 400 năm qua theo đúng với luật pháp quốc tế.
 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh 04 nội dung quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ chủ quyền, biển đảo của đất nước: Xây dựng phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội khoa học, tăng cường quốc phòng an ninh; Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; Kết hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong việc quản lý vùng biển đảo của đất nước; Xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là cảnh sát biển, hải quân biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh làm chỗ dựa cho người dân và các thành phần sản xuất kinh tế biển, đồng thời có các chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích người dân ra đảo định cư lâu dài, phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo dân tộc.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tới dâng hương tưởng niệm tại Đền Vua Đinh và Vua Lê và trồng cây lưu niệm tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình. 
 
img

img