Bộ Thông tin và Truyền thông Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2015

Chiều ngày 02/02/2015, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2015. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Nam Thắng, Nguyễn Thành Hưng, Trương Minh Tuấn, Trần Đức Lai; đại diện Văn phòng Chính phủ và các cục, vụ chức năng thuộc Bộ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 03 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh.

img

 Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm phạm pháp luật, trong tháng 12/2014 và tháng 1/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành được một số văn bản pháp luật quan trọng, mang tính chất “căn cơ” để Bộ thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể là: Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020; Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 22/2009/QĐ-TTg về quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình Luật An toàn thông tin lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự kiến, trong quý II/2015, dự thảo Luật sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và đến tháng 10/2015 Luật sẽ được Quốc hội chính thức thông qua. Đồng thời, cũng trong tháng 10/2015, Bộ sẽ trình lên Quốc hội Luật Báo chí sửa đổi.
 
img
 
Toàn cảnh Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2015
 
Về tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc tách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) và Công ty MobiFone khỏi VNPT, bàn giao trường Trung học BCVT-CNTT Hà Nam, Thái Nguyên về cho hai tỉnh Hà Nam và Thái Nguyên, đang làm việc với tỉnh Tiền Giang để bàn giao trường trung học BCVT-CNTT Tiền Giang về địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cho biết, đối với Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội, Bộ Y tế đã có văn bản lên Thủ tướng Chính phủ xin tiếp nhận bệnh viện này về Bộ Y tế. Bộ Y tế cho biết, Bộ này cần khoản đầu tư 20.000 tỷ đồng để xây dựng thêm bệnh viện nhằm giảm tải cho các tuyến Trung ương. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế thông qua một văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu hai Bộ làm việc cụ thể, thống nhất về phương án bàn giao.
 
Đối với việc sáp nhập Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông báo Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chính thức chỉ đạo việc sáp nhập này và Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và VOV xây dựng đề án sáp nhập, xin ý kiến các Bộ ngành và trình lên Thủ tướng xem xét quyết định. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý việc chia tách vốn, tài sản, phân chia nghĩa vụ tài chính, công nợ giữa Tổng Công ty VTC và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Việc sáp nhập này sẽ cần một lộ trình để thực hiện, “không thể tiến hành trong ngày một ngày hai”. Bộ trưởng nhấn mạnh việc sáp nhập Đài VTC về VOV là một chủ trương đúng của Chính phủ. VOV là một cơ quan báo chí với bề dày kinh nghiệm 70 năm và hiện là một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Bộ trưởng cũng ghi nhận công lao của Tổng công ty VTC đã có “công nuôi dưỡng” Đài VTC trong 10 năm qua, VTC cũng là công ty đầu tiên khởi xướng số hóa truyền hình. 
 
Liên quan đến thị trường truyền hình trả tiền, đại diện lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh cần xây dựng một thị trường truyền hình trả tiền lành mạnh, bình đẳng. Hiện nay, có khoảng 100 kênh truyền hình quảng bá và 75 kênh truyền hình trả tiền. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định, thị trường truyền hình trả tiền trong đó VTV vừa cung cấp nội dung, vừa xây dựng mạng lưới, vừa cung cấp dịch vụ trong khi VNPT và Viettel chỉ làm về truyền dẫn, dẫn đến thị trường phát triển không lành mạnh, các nhà cung cấp nội dung không bán, hoặc bán chương trình với giá cao cho các doanh nghiệp truyền dẫn. Trong thời gian tới, cần tách bạch giữa nội dung và truyền dẫn theo xu hướng các đài chỉ cung cấp nội dung còn các doanh nghiệp chỉ làm truyền dẫn, hướng tới xây dựng thị trường nội dung bình đẳng.
 
Liên quan đến tần số vô tuyến điện, đại diện Cục Tần số đã lưu ý Viettel cần đặc biệt quan tâm đến tần số trong quá trình sản xuất thiết bị quốc phòng. Trước đây, thiết bị quốc phòng thường mua của Nga và khối Vacsava, tuy nhiên các nước này đã tuyên bố ngừng sử dụng các loại thiết bị này chậm nhất vào 31/12/2017. Viettel không nên nghiên cứu, thiết kế, sử dụng khí tài theo tiêu chuẩn tần số vì trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trái với các quy định của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). 
 
img
 
Từ trái qua phải: Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng
 
Trong lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay gần đây một số tổ chức quốc tế đã công bố chất lượng truy cập Internet băng rộng ở Việt Nam đứng từ góc nhìn và phương pháp luận của riêng họ và được các báo chí trong nước đăng tải lại. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông, Vụ Khoa học công nghệ cần nghiên cứu, tiến hành kiểm tra để công bố kết quả kiểm tra chất lượng truy cập Internet băng rộng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
 
Đối với công tác thanh tra, đại diện Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, Thanh tra Bộ phối hợp với Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có sai phạm trong thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, cụ thể giấy phép đã hết hạn từ năm 2009, sử dụng sai tần số… Ngoài ra, trong tháng 2/2015, Thanh tra Bộ sẽ tiến hành xử lý các doanh nghiệp nội dung phát hành tin nhắn rác, nếu phát hiện doanh nghiệp tái phạm sẽ tiến hành thu hồi đầu số.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng các cấp, Hội đồng liên minh nghị viện thế giới...; khẩn trương xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, hoàn thiện Quy hoạch Báo chí để trình Ban cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Tổng Công ty Mobifone, Tổng Công ty VTC, thực hiện tái cơ cấu VNPT, trong đó có thành lập 3 tổng công ty và thoái vốn của VNPT khỏi 63 doanh nghiệp theo cách có lợi nhất cho đất nước và cho VNPT. Sắp tới là dịp Tết âm lịch, lưu lượng dịch vụ viễn thông và tin nhắn sẽ tăng đột biến, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin có phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt…/.