VNNIC sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014

Sáng ngày 22/7/2014, tại trụ sở VNNIC, Khu công nghệ Cao Hòa Lạc, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014. Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng.

img

Tính đến hết 30/06/2014, đã có 48.051 tên miền phát triển mới, nâng tổng số tên miền “.vn”  duy trì trên hệ thống DNS quốc gia là 280.102 tên miền

Trong 6 tháng đầu năm, VNNIC đã triển khai và hoàn thành các kế hoạch công việc và nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý hệ thống kỹ thuật, tài nguyên Internet, đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác quốc tế. Đối với hệ thống kỹ thuật, dịch vụ (hệ thống DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet trong nước VNIX, hệ thống quản lý cấp phát tài nguyên Internet), VNNIC triển khai và đưa vào sử dụng hiệu quả một số các công cụ hỗ trợ công tác giám sát an toàn bảo mật như: hệ thống giám sát mạng lưới Solarwinds, hệ thống cân bằng tải, chống tấn công ứng dụng F5 BIG-IP, hệ thống phát hiện, chống tấn công mạng IPS Sourcefires… Đồng thời, VNNIC cũng đã xây dựng đề án triển khai ứng dụng DNSSEC cho hệ thống tên miền quốc gia ".vn" nhằm tăng cường, đảm bảo an toàn an ninh, xác thực, tin cậy của tên miền ".vn", kết nối liên thông với hệ thống DNS ROOT, là sơ sở để triển khai DNSSEC cho các hệ thống DNS cấp dưới. Nhìn chung, hệ thống kỹ thuật hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh và không có sự cố gián đoạn dịch vụ.
 
Về công tác quản lý và phát triển tài nguyên Internet, VNNIC đã triển khai hàng loạt các biện pháp thúc đẩy phát triển tên miền “.vn”, phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý và phát triển tài nguyên tên miền, địa chỉ tại địa phương. Tính đến hết 30/06/2014, có 48.051 tên miền phát triển mới, nâng tổng số tên miền “.vn”  duy trì trên hệ thống DNS quốc gia là 280.102 tên, giữ vững vị trí số 01 trong các quốc gia ASEAN. Số lượng tên miền tiếng Việt (TMTV) tính đến 30/06/2014 trên hệ thống là 996.355  tên và Việt Nam là quốc gia có số lượng tên miền đa ngữ (IDN) lớn nhất trên thế giới. Với tổng số lượng địa chỉ IPv4 được cấp cho các tổ chức thành viên là 15.605.504 địa chỉ, Việt Nam vẫn là Quốc gia đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 27 trên thế giới về tổng số lượng địa chỉ cấp phát.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao cố gắng và kết quả VNNIC đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014 và chỉ đạo một số định hướng trọng tâm công tác trong 6 tháng cuối năm như sau:  Trước hết, VNNIC cần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên Internet đặc biệt là trong công tác quản lý tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng. Trong 6 tháng cuối năm, VNNIC phải hoàn thiện Dự thảo Thông tư về Quản lý tài nguyên Internet thay thế Thông tư 09/2008/TT-BTTTT, trong đó cần đưa và làm rõ các quy định về tranh chấp tên miền, các vấn đề về hoa hồng, phí, lệ phí tên miền. Ngoài ra, VNNIC cần khẩn trương để xây dựng, ban hành các nội dung, hướng dẫn triển khai về việc đấu giá, chuyển nhượng tài nguyên Internet theo Quyết định đã ban hành của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá, chuyển nhượng kho số viễn thông, tài nguyên Internet. Quy trình về thủ tục đấu giá, chuyển nhượng tài nguyên Internet và danh sách các tên miền được đấu giá cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Đồng thời, VNNIC cũng phải tập trung hoàn thiện cơ chế về giải quyết tranh chấp tên miền ".vn" phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Cụ thể, việc giải quyết tranh chấp tên miền ".vn" nên theo con đường tài phán như tinh thần của Luật Công nghệ thông tin đã quy định. Song song với phát triển và hoàn thiện chính sách, VNNIC cần tăng cường đầu tư phát triển hệ thống DNS, hệ thống VNIX và các hạ tầng phụ trợ kèm theo để đảm bảo tốt vai trò quản lý, chức năng nhiệm vụ được giao. Về công tác hợp tác quốc tế, VNNIC cần tăng cường, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc tham gia vào các hoạt động hội nghị, hội thảo của các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, góp phần hoàn thiện chính sách quản lý phù hợp với thông lệ chung quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ./.