Tọa đàm phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020

Sáng ngày 25/6/2014, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tọa đàm về dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các doanh nghiệp như: Tập đoàn Viettel, VNPT, Công ty MISA,… Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo Tọa đàm.

img

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm

Mục tiêu của Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến 2020 là: Tăng trưởng doanh thu ngành công nghiệp CNTT thuộc nhóm các ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất cả nước; Phát triển đội ngũ nhân lực CNTT có trình độ cao trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, có kỹ năng chuyên môn, đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất công nghiệp, dịch vụ của thị trường lao động trong nước, quốc tế; Phấn đấu lọt vào và giữ vững vị trí Việt Nam nằm trong 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; Hình thành khoảng 7 khu CNTT tập trung trên cả nước, thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới.

Để thực hiện thành công các mục tiêu kể trên, dự thảo cũng đưa ra các nhóm giải pháp về hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách: Hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT; Đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và nhóm giải pháp tài chính.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đến từ các doanh nghiệp đều đánh giá cao dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 so với phiên bản trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến đề xuất cần phải xây dựng mục tiêu của Chương trình cụ thể hơn nữa, cố gắng định lượng các sản phẩm cần đạt được. Vấn đề dịch vụ thuê ngoài CNTT cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại diện các doanh nghiệp. Đại diện VNPost, một đơn vị sử dụng dịch vụ CNTT, nêu ra những khó khăn của VNPost khi sử dụng dịch vụ CNTT do thiếu hành lang pháp lý, thiếu cơ chế triển khai cụ thể.

 Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định các ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình của các doanh nghiệp rất xác thực. Ban soạn thảo Chương trình cần thể hiện tối đa các ý kiến này vào nội dung dự thảo. Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tự bươn chải trong cơ chế thị trường tại thị trường nội địa và quốc tế và phải chịu sức ép cạnh tranh lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cố gắng ban hành các cơ chế chính sách, khung pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam phát triển.