Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2013

Sáng ngày 4/11/2013, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2013 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Hội nghị đã đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước tháng 10 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 11 năm 2013. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã điều hành hội nghị. Tham dự có các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, cơ quan đại diện của Bộ tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh (thông qua cầu truyền hình trực tuyến) và đại diện Văn phòng chính phủ.

img

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại buổi giao ban, đại diện các đơn vị đã có ý kiến đóng góp cho bản báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước tháng 10 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 11/2013. Theo dự thảo báo cáo, những kết quả nổi bật của Bộ trong tháng 10 bao gồm: hoàn thiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định, trong đó Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước của Bộ tiếp tục được củng cố và thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo 09 đề án; chỉ đạo tốt công tác tái cơ cấu, ổn định hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; chỉ đạo tập trung thông tin, phản ánh toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp và Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thông tin đầy đủ về kết quả Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; các hoạt động của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII; tổ chức lần đầu tiên diễn tập quốc gia về điều phối ứng cứu sự cố máy tính; sơ kết giai đoạn II, bước 1 của Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam; Phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43; chú trọng việc mở chiến dịch nhắn tin ủng hộ chương trình “Chung sức vì đồng bào miền Trung”, kéo dài thời gian cho chương trình “Kết nối biển Đông” và tổ chức Lễ quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền Trung; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Bưu chính Thế giới 9/10 và Lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 với chủ đề “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào”. Phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Trần Hữu Tước (1913-1983)”; Tổ chức Hội thảo triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phần mềm…
 
Tại địa phương, trong tháng 10, các Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo các hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ngành trên địa bàn; chủ động rà soát công việc để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý nhà nước về các đầu việc như: Chỉ đạo các cơ quan báo, đài tiếp tục tuyên truyền kết quả triển khai học tập các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 7; tiếp tục triển khai thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước; Quyết định số 1178/QĐ-BTTTT ngày 23/09/2013 về Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam; thực hiện tốt công tác thẩm định các dự án CNTT tại tỉnh Yên Bái và triển khai xây dựng dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động các CQNN tỉnh, thành phố giai đoạn 2014-2015. Đặc biệt, trong tháng 10 này, Thái Nguyên dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.
 
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành còn thấp, khó hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Việc tăng giá cước 3G của các doanh nghiệp viễn thông diễn ra đồng loạt, thiếu lộ trình trong khi công tác thông tin, giải thích trước khi tăng giá chưa thật sự đầy đủ, kịp thời nên còn gây nhiều bức xúc cho người dân. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trong năm 2013 chậm, khối lượng giải ngân thấp.
 
Về các công tác trọng tâm tháng 11/2013 Bộ sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau: Xây dựng Chương trình công tác năm 2014 của Bộ TTTT trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng Luật an toàn thông tin; Hoàn thiện đề án tái cơ cấu VNPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Nghị định quy định điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT sau khi Đề án tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của VNPT, VNPost, VTC; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, thu hồi và xử lý xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Luật xuất bản. Quản lý chặt chẽ các ấn phẩm xuất bản có nội dung liên quan chủ quyền biên giới, biển, đảo và hình ảnh đất nước; Tập trung triển khai Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng Internet (dịch vụ OTT), tổng hợp kết quả thanh tra diện rộng tình hình thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước; Tiếp tục tuyên truyền, triển khai chiến dịch nhắn tin “Kết nối biển Đông”, “Chung sức vì đồng bào miền Trung” qua Cổng thông tin 1400; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hệ thống tên miền “.gov.vn”, “.vn”; đẩy mạnh triển khai IPv6...
 
Liên quan đến vấn đề tăng giá cước 3G đang được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông đã cho biết, hiện nay, giá thành dịch vụ 3G là 167 đồng/1 Megabyte truy cập nhưng giá cước trung bình của các nhà mạng tại Việt Nam trước khi tăng chỉ khoảng 100 đồng/Megabyte, trong khi các nước trong khu vực khoảng 360 đồng/Megabyte. Giá bán của chúng ta hiện nay đang thấp hơn giá thành. Do đó, các doanh nghiệp xây dựng tăng, giảm và giữ nguyên một số gói. Số gói tăng trung bình khoảng 20%. Vì vậy sau khi thẩm định giá cước do doanh nghiệp đề xuất, Cục Viễn thông đã thẩm định và thấy đáp ứng được yêu cầu nên đã chấp nhận.
 
Ông Phạm Hồng Hải cũng cho biết, vừa qua, Cục Viễn thông đã làm việc với Cục Cạnh tranh – Bộ Công Thương. Về sở cứ pháp lý, Bộ Thông tin và Truyền thông có đủ điều khoản quy định để tăng giá cước. Quy định lớn nhất là giá cước  viễn thông được xây dựng trên giá thành cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp không được bán dưới giá thành nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh. So với mặt bằng các nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta sử dụng cũng chung như quốc tế.
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng chỉ đạo Cục Viễn thông cần sớm hoàn thiện thông tư về quản lý giá cước mới, chuẩn bị hoàn thiện các nội dung để trìnhThủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để sớm công khai các phương thức quản lý giá cước đang được dư luận đặc biệt quan tâm…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đối với vấn đề tăng cước dịch vụ 3G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, việc tăng giá cước 3G diễn ra là cần thiết, đúng quy phạm pháp luật và phù hợp với yêu cầu thị trường. Căn cứ vào Luật Viễn thông, Nghị định 25, Pháp lệnh về giá, Luật Cạnh tranh, các điều ước quốc tế thì việc tăng giá được thực hiện phù hợp với luật. Việc tăng giá là hợp lý vì giá thành thấp, lại hạ giá lâu, từ năm 2010.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, người sử dụng 3G tại Việt Nam chiếm 20% tổng thuê bao di động trong tổng số 134 triệu thuê bao. Người sử dụng 3G để truy cập Internet là chủ yếu nên phải thanh toán quốc tế. Việc hạ thấp giá là không cạnh tranh lành mạnh. Tăng giá lên thì doanh nghiệp không chi phối thị trường sẽ thu hút được thêm khách hàng. Bộ trưởng cũng cho rằng việc tuyên truyền kịp thời là cần thiết. Việc tuyên truyền cũng cần giải thích cho xã hội biết 70% thiết bị viễn thông nằm trong giá thành. Nếu tuyên truyền kịp thời thì sẽ nhận sự đồng thuận của xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải tuyên truyền có những gói cước 3G tăng, có gói giảm, có gói cước dung chứ không nên chỉ tuyên truyền gói cước tang như thời gian vừa qu.
 
Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện tạo điều kiện cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thí điểm băng tần để nâng cao chất lượng 3G. Trong thời gian vừa qua VNPT đã đầu tư rất lớn vào việc thí điểm sử dụng băng tần với 44.000 trạm BTS để đảm bảo giá cao mà chất lượng cũng cao.