Giao ban quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông

Ngày 1/11/2013, tại Hà Nội, Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông liên quan.

img

Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại hội nghị

Thông tin được cơ quan quản lý trình bày tại hội nghị giao ban cho biết hiện nay hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng đều thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các yêu cầu về công bố chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp đều có hệ thống giám sát trực tuyến mạng và dịch vụ, trung tâm điều hành mạng và về cơ bản đã xây dựng mục “Quản lý chất lượng dịch vụ” trên website của doanh nghiệp. Thời gian qua, Cục Viễn thông đã kiểm tra một số dịch vụ của một số doanh nghiệp: VNPT, VMS, Viettel, Hà Nội Telecom. Từ nay tới cuối năm Cục Viễn thông sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp Gtel Mobile, VNPT, FPT Telecom.

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Viễn thông đã thông báo những nội dung chính của một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến viễn thông (Luật Giá, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 132/2013/NĐ-CP, Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT,…); một số Đề án, Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt và yêu cầu doanh nghiệp triển khai (Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao – MNP, Đề án thu thập và quản lý số liệu viễn thông). Đối với Thông tư 14/2013/TT-BTTTT về quy hoạch hạ tầng  viễn thông thụ động, đại diện cục viễn thông nhấn mạnh: các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường  và các Sở/Ngành có liên quan tại địa phương để sử dụng và thống nhất khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ số phục vụ công tác xây dựng quy hoạch; xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương và thông qua Sở Thông tin và Truyền thông trình Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt.

Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh việc quản lý giá cước viễn thông, chất lượng dich vụ viễn thông, việc cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Luật Viễn thông, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.

Phát biểu kết luận tại buổi giao ban, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng: trong vấn đề quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, nhà nước ngày càng không can thiệp sâu mà tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Theo luật  giá mới, giá cước dịch vụ viễn thông không nằm trong danh mục các giá cước được nhà nước bình ổn. Trong viễn thông, giá cước kết nối và giá cước viễn thông công ích sẽ được Nhà nước quản lý dưới hình thức quy định hoặc ban hành các quyết định giá cước cụ thể. Qua đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục viễn thông sớm ban hành thông tư mới về quản lý giá cước theo hướng tăng thêm quyền chủ động định giá cho doanh nghiệp. Khi xem xét về giá, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cân nhắc đầy đủ các khía cạnh: mặt bằng quốc tế, giá trong khu vực và cung cầu của thị trường… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tính toán, xác định giá thành rõ ràng, chính xác, được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi chi phí… Và khi  các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu, doanh nghiệp phải báo cáo chính xác giá thành của mình. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc quản lý giá cước cần công khai, minh bạch và tuân thủ theo quy định của Nhà nước.
 
Trong việc điều chỉnh giá cước 3G vừa qua, Thứ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có báo cáo chính thức tới Thủ tướng Chính phủ, sau đó có thể sẽ họp báo công khai các thông tin mà Bộ đã báo cáo Chính phủ. Qua đó, Thứ trưởng cho rằng việc điều chỉnh cước dịch vụ viễn thông sẽ cần rút kinh nghiệm trong việc  chọn thời điểm và chú trọng hơn vào công tác truyền thông.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu chất lượng dịch vụ phải đi kèm với giá cước dịch vụ. Và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ mang tính định lượng nhiều hơn nữa. Sắp tới, việc ban hành kịp thời các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định liên quan tới quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng của di động sẽ được các cơ quan đơn vị chức năng ưu tiên xem xét.