Khởi động Kế hoạch Hành động Quốc gia về IPv6

Trong 2 năm thực hiện Giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động Quốc gia về IPv6, về cơ bản kết quả đạt được đã đáp ứng các mục tiêu đặt ra và sẵn sàng cho việc chuyển sang Giai đoạn 2, giai đoạn Khởi động. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động Quốc gia về IPv6, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 16/4/2013, tại Hà Nội. Ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 Quốc gia đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

img

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 Quốc gia Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 Quốc gia, kết quả quan trọng nhất đạt được trong Giai đoạn 1 (2011-2012) là việc phổ cập kiến thức cơ bản về IPv6 cho cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông. Tất cả các doanh nghiệp internet, các tổ chức, doanh nghiệp lớn có hạ tầng công nghệ thông tin đều đã thực hiện các chương trình đào tạo về IPv6. Từ nhận thức mơ hồ, các tổ chức, doanh nghiệp internet đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc triển khai IPv6. Tại một số đơn vị, doanh nghiệp, nhận thức này đã được chuyển biến thành hành động cụ thể, hướng đến mục tiêu chung là đưa quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam nhanh chóng và an toàn. Tại Việt Nam, IPv6 đã được thừa nhận như là một thực tế tất yếu. Về cơ bản, các doanh nghiệp internet đều đã có cán bộ kỹ thuật tham gia các chương trình đào tạo IPv6 để làm hạt nhân triển khai ứng dụng IPv6 tại đơn vị mình. Nội dung IPv6 cũng đã được bổ sung, lồng ghép vào các chương trình đào tạo của các trường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
 
Các chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 đã được đưa vào các văn bản pháp lý chính thức (dự thảo Nghị định Internet), các quy định về tiêu chuẩn, công nghệ đang được xây dựng. Mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia hoạt động ổn định. Mạng cơ sở hạ tầng DNS quốc gia, trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia VNIX đã hoàn toàn hỗ trợ và đáp ứng IPv6. Internet Việt Nam đã có các kết nối thuần IPv6 ra quốc tế.
 
Các doanh nghiệp internet chủ đạo đã thực hiện công tác khảo sát đánh giá hiện trạng mạng lưới. Mức độ hỗ trợ IPv6 trên hiện trạng mạng cơ sở hạ tầng, thiết bị của các doanh nghiệp internet chủ đạo rất khả quan. Hiện đã có 09 doanh nghiệp về cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động. Các mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã được đấu nối thử nghiệm và sẵn sàng cho việc chuyển đổi IPv6. Công tác đánh giá, chuẩn bị điều kiện kiến thức, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi cũng đã hoàn tất.
 
Tại hội nghị, đại diện một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty D-Link (nhà sản xuất thiết bị đầu cuối của Thái Lan), Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam (VinaRen) đã trình bày các tham luận làm rõ tiến độ và kết quả triển khai sang IPv6 tại đơn vị mình, cũng như các kiến nghị đề xuất với cơ quan chức năng để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Giai đoạn 2.
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được , Giai đoạn 1 vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong Giai đoạn 2. Đó là, việc tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về IPv6 mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp viễn thông, internet; công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển IPv6 còn chậm; các doanh nghiệp thử nghiệm trên thực tế rất hạn chế, tính sẵn sàng mới chỉ trong phòng thí nghiệm...Thứ trưởng chỉ đạo, bước vào Giai đoạn tiếp theo, cần quán triệt quan điểm việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu, đúng với xu hướng của thế giới. Đây là quá trình lâu dài, cần sự chuẩn bị và tham gia đồng bộ từ khâu nội dung - kết nối - khách hàng, do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung đẩy mạng công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về IPv6 theo hướng mở rộng phạm vi ra nhiều đối tượng; Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định Quản lý Internet, làm việc với các Bộ ngành liên quan để có cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp; Tiếp tục hoàn thiện Quy chế kết nối internet; Xây dựng quy định quản lý tài nguyên internet, quy hoạch IPv6, tiêu chuẩn về IPv6, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị đầu cuối; Đưa ra thị trường một số dịch vụ cho một nhóm khách hàng, đặc biệt là các dịch vụ mới, công nghệ mới; Đẩy mạnh hoạt động sản xuất thiết bị đầu cuối; Khuyến khích một số trang, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội lớn chuyển đổi sang sử dụng IPv6; Mở rộng việc nghiên cứu, phát triển và đào tạo về IPv6 cho các trường đại học, cao đẳng lớn.../.