Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với UBND tỉnh Nghệ An

Sau chuyến khảo sát thực tế hạ tầng viễn thông CNTT tại huyện Thanh Chương, sáng nay (28/3), đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Lê Nam Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến việc triển khai chương trình Viễn thông công ích giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp Bưu chính viễn thông trên địa bàn.

img

Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu.

Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Thành – Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở TT&TT báo cáo với đoàn công tác về hiện trạng mạng viễn thông trên địa bàn Nghệ An. Theo đó, hạ tầng mạng lưới Bưu chính viễn thông tỉnh hiện nay được tăng cường và mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân ở các vùng miền, rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Hiện có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, có 6 mạng di động, 2.350 trạm phát sóng di động (BTS), 8.116 km cáp quang. Có 359 xã có điểm truy nhập internet công cộng, 450 xã có internet băng thông rộng. Mật độ thuê bao di động đạt 165 thuê bao/100 dân.

Việc kết nối mạng và ứng dụng CNTT trong việc quản lí điều hành công việc ở các cơ quan nhà nước, trong việc dạy và học ở các trường học, quản lí hồ sơ bệnh án ở các bệnh viện có kết quả bước đầu khá tốt.

Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2006 -2010 được tỉnh triển khai có hiệu quả, các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ phát triển hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng tốt hơn yêu cầu sử dụng dịch vụ Viễn thông của người dân. Đến nay, có 181 xã thuộc chương trình viễn thông công ích với tổng số 100.178 thuê bao điện thoại cố định được hỗ trợ, duy trì.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng mạng lưới VT-CNTT;  Mật độ thuê bao điện thoại di động và dịch vụ internet còn thấp hơn mức trung bình cả nước; Nhiều UBND xã, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế chưa có kết nối internet để ứng dụng CNTT trong việc quản, lí điều hành và xử lí công việc chuyên môn…

UBND tỉnh cũng kiến nghị đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có sự hỗ trợ phát triển mới và duy trì các thuê bao điện thoại cố định, internet vùng khó khăn; có cơ chế hỗ trợ tỉnh về nguồn ngân sách; hướng dẫn sớm và cụ thể để tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình viễn thông công ích giai đoạn tiếp theo có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh trong thời gian qua. Riêng về lĩnh vực viễn thông CNTT, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức cao nhưng với sự nỗ lực của cơ quan quản lí nhà nước và sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã làm cho hạ tầng viễn thông CNTT tỉnh có bước tiến vượt bậc. Việc phát triển và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế hành chính công đã được đầu tư khá đồng bộ.

Thứ trưởng đề nghị thời gian tới tỉnh cần tập trung điều chỉnh chương trình viễn thông công ích: Phải đảm bảo hài hòa giữa năng lực cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân; Nâng cấp phổ cập dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông thông qua các dự án đầu tư; Cần xây dựng gắn kết và đồng bộ hạ tầng viễn thông CNTT với các hạ tầng khác như điện, giao thông, trường học…Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch để trên cơ sở đó nhà nước hỗ trợ cho phù hợp. Địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc thực hiện giai đoạn 2 của chương trình để đạt đến hiệu quả cao nhất.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền tiếp thu ý kiến  và cảm ơn đoàn công tác bộ TT&TT đã giành thời gian khảo sát và làm việc với UBND tỉnh. Đồng chí mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ TT&TT dành cho tỉnh. Trong chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2, tỉnh mong muốn được Bộ lựa chọn Nghệ An làm điểm thí điểm để giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sớm được thụ hưởng ưu đãi các dịch vụ viễn thông- CNTT.