Quá trình triển khai Ipv6 tại Việt Nam – một năm nhìn lại

Triển khai sử dụng địa chỉ Ipv6 đã trở thành vấn đề đã và đang rất được quan tâm khi thế giới đã cạn kiệt nguồn tài nguyên Internet. Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này và đã có những bước chuẩn bị cần thiết. Năm 2012 là năm có nhiều hoạt động tích cực, đánh dấu việc Việt Nam đã chính thức góp mặt trên mảng dịch vụ Ipv6 toàn cầu.

img

Mô hình mạng IPv6 quốc gia. Ảnh: VNNIC

Để triển khai việc chuyển đổi sang Ipv6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 1190/QĐ-BTTTT về việc kiện toàn Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Ban Công tác đã triển khai nhiều hoạt động mang lại nhiều kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền
Một trong những thành công trong công tác tuyên truyền là Hội thảo “Ipv6 – Công nghệ và ứng dụng với Việt Nam” diễn ra từ ngày 31/5-01/6/2012. Đây là một hoạt động quan trọng và có ý nghĩa của Việt Nam hưởng ứng sự kiện thế giới chính thức triển khai các dịch vụ ứng dụng trên Ipv6 Thế giới diễn ra ngày 6/6/2012. Qua hội thảo đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của việc triển khai Ipv6, nâng cao uy tín của Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế. Ngày 6/5/2013 đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt là ngày Ipv6 Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác đưa tin, tuyên truyền về tình hình Ipv6 thế giới được thường xuyên triển khai. Ban Công tác cũng tích cực đăng ký, tham dự các hội nghị viễn thông, CNTT để phổ biến về Ipv6 và biên soạn, xuất bản các tài liệu tuyên truyền.

Công tác đào tạo
Trong năm 2012, Thường trực Ban công tác đã hoàn tất chuyển thể chương trình đào tạo Ipv6 chuẩn 04 ngày thành chương trình đào tạo trực tuyến và đã thực hiện 01 khóa cho một số doanh nghiệp Internet từ ngày 22-24/1/2013.

Đối với công tác đào tạo chính quy, chuẩn bị nhân lực cho mục tiêu lâu dài, Ban công tác đã chuyển giao giáo trình, tài liệu để nhân rộng việc đào tạo Ipv6 cho cộng đồng và triển khai đào tạo về Ipv6 trong các chương trình đào tạo chính quy của các trường đại học, học viện.

Hợp tác quốc tế
Ban Công tác đã tổ chức thành công chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai Ipv6 từ Nhật Bản để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đoàn công tác đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng cho công tác hoạch định chính sách, kế hoạch, thực hiện các hoạt động thúc đẩy Ipv6 trong nước.

Bên cạnh đó, các đoàn của Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn Internet/Ipv6 của APEC, ASEAN, đặc biệt Ban công tác đã đăng ký 1 dự án hỗ trợ triển khai Ipv6 trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng quỹ ICT của ASEAN.

Hưởng ứng sự kiện World Ipv6 Launch ngày 6/6/2012 tại Việt Nam
Trong ngày này, VNNIC đã kích hoạt và duy trì sử dụng Ipv6 trên website chính của Trung tâm (http://vnnic.vn). Netnam cũng chuyển sang Ipv6 cho website của công ty và một số khách hàng. Ngày 6/6/2012, tổng số truy vấn trên hệ thống DNS quốc gia.vn đã được thống kê và đánh dấu việc Việt Nam đã chính thức góp mặt trên mảng dịch vụ Ipv6 toàn cầu.

Công tác xây dựng chính sách thúc đẩy Ipv6
Ban công tác đã phối hợp với Ban soạn thảo Nghị định về Internet xây dựng dự thảo, tại điều 18 về thúc đẩy ứng dụng Ipv6. Theo đó, coi công nghệ Ipv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Công nghệ cao. Vụ Khoa học công nghệ cũng đã xây dựng xong dự thảo và lấy ý kiến góp ý về “TCVN về giao thức Internet phiên bản 6- đặc điểm kỹ thuật”.

Ban công tác cũng đã khảo sát doanh nghiệp, xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 kế hoạch quốc gia về Ipv6, làm việc với một số doanh nghiệp Internet, xây dựng và thiết lập mạng Ipv6 quốc gia…

Tính đến tháng 12/2012, đã có 33 tổ chức trong nước được cấp địa chỉ Ipv6, các ISP lớn tại Việt Nam đều đã sẵn sàng tài nguyên Ipv6 để cung cấp cho khách hàng. Đã có 8 doanh nghiệp ban hành kế hoạch hành động, 10 doanh nghiệp báo cáo đã thành lập ban công tác chuyên trách. Hầu hết các ISP lớn đều đã có cán bộ kỹ thuật tham gia chương trình đào tạo Ipv6.
Các doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá và khảo sát mạng lưới cho thấy, mức độ sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang sử dụng Ipv6, các thiết bị định tuyến gateway đã sẵn sàng với Ipv6…
Hiện nay, vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp trong triển khai Ipv6 là dịch vụ Ipv6 chưa được phổ biến rộng rãi nên các hoạt động mới chỉ mang tính chất thử nghiệm, đặc biệt thiết bị đầu cuối vẫn chưa được hỗ trợ Ipv6 còn nhiều.

Trong năm 2013, Ban công tác có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 kế hoạch hành động quốc gia về Ipv6; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền trong đó có tổ chức sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam 6/5/2013; xây dựng, củng cố mạng Ipv6 quốc gia; triển khai các dự án ứng dụng Ipv6 trong doanh nghiệp; xúc tiến việc đưa nội dung chuyên đề Ipv6 vào chương trình đào tạo chính quy của các trường đại học ngành điện tử, viễn thông; Xây dựng các quy chuẩn về thiết bị đầu cuối…