Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013

Ngày 24/12/2012, tại 18 Nguyễn Du – Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; nguyên Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chính sách, Khoa học và Công nghệ quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông ; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng TW Đảng, Đảng ủy khối các cơ quan TW và các Bộ, Ngành TW… cùng đại diện Lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông Tỉnh/thànhphố (thông qua cầu truyền hình trực tuyến); các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan thông tấn báo chí TW và Hà Nội.

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị thuộc Bộ TT&TT có thành tích xuất sắc.

Năm 2012, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn thách thức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý trên cả 5 lĩnh vực mà Bộ đang quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác năm 2012, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Thông tin và Truyền thông, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong năm qua, Bộ đã tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết, nghị định, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ đầu năm Bộ đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, từ đó triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước, xử lý tốt những vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh trong thực tiễn và đạt những kết quả nổi bật sau: Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền thông  và các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã nghiêm túc tổ chức họp kiểm điểm tập thể và cá nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Ngành: Luật Xuất bản sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tháng 11/2012; khởi động xây dựng Luật An toàn thông tin số. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng kế hoạch 21 đề án trong năm 2012 (trong đó có 10 đề án đã được ban hành); ban hành 19 thông tư và phối hợp ban hành 04 thông tư liên tịch; Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015", Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ Thông tin và Truyền thông và tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trọng tâm là Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty VTC; chỉ đạo và tổ chức tốt Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác; tổ chức tốt Hội nghị Tổng kết Chương trình 74, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để đề xuất với Chính phủ các sửa đổi bổ sung cần thiết về khung chính sách cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2015, giai đoạn 2016-2020; Ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bưu chính và viễn thông với Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, phối hợp thành công tần số biên giới với Trung Quốc, Campuchia; Tổ chức tốt Hội nghị quan chức viễn thông và CNTT ASEAN (Special Telsom); Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Mobile Vietnam 2012 lần thứ nhất; Chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung cho công tác đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và nhiều hội nghị quốc tế quan trọng...
 
Lĩnh vực báo chí, truyền hình tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Tính đến 30/11/2012, toàn quốc có 812 cơ quan báo chí in với hơn 1.084 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 84 báo, 488 tạp chí; địa phương có 113 báo, 127 tạp chí. Hiện cả nước có 59 báo điện tử, 11 tạp chí điện tử và khoảng 300 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí và hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép. Trong năm 2012 đã cấp 145 Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Mạng lưới phát thanh, truyền hình có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Hiện tại, Việt Nam có 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá, gồm 99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình được phát trực tuyến trên mạng internet đã phục vụ tốt công tác thông tin đối ngoại. Bên cạnh hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu áp dụng công nghệ IPTV.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành xuất bản vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Toàn ngành có 64 nhà xuất bản, trong đó có 52 nhà xuất bản Trung ương và 12 nhà xuất bản địa phương; đã xuất bản được gần 16.500 cuốn sách, với gần 190 triệu bản, đạt 90% về số lượng cuốn, 94% về số lượng bản so với cùng kỳ năm 2011. Ngành in vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định; có khoảng 1.500 cơ sở, trong đó có 130 cơ sở Trung ương, 1.370 cơ sở địa phương. Dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ trang in 13 x 19cm, tăng 9,8% so với năm 2011, tổng doanh thu tăng khoảng 7,3%; nộp ngân sách nhà nước tăng khoảng 2,1%. Thu nhập bình quân tăng khoảng 15,1%.

Tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện có là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Toàn quốc có trên 31,2 triệu người sử dụng internet, đạt mật độ 35,5%. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Tổng số thuê bao internet băng rộng (ADSL) đạt 4,3 triệu thuê bao, đạt mật độ 4,8%. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ như: Hệ thống mạng cáp quang, trạm thu phát sóng thông tin di động và vệ tinh Vinasat-2. Tính đến tháng 11/2012, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 454,5 Gb/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế đạt 340,5 Gb/s. Tổng lưu lượng trao đổi qua trạm trung chuyển VNIX: 130 triệu Gbytes; tổng số tên miền “.vn” đã đăng ký: 332.279, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm; tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký: 824.417, tổng số địa chỉ IPv4 đã cấp: 14.487.040 địa chỉ, số lượng địa chỉ IPv6 quy đổi theo đơn vị/64 đã cấp: 54.951.114.752/64 địa chỉ. Hệ thống mạng IPv6 hoạt động ổn định, sẵn sàng cho các doanh nghiệp kết nối. Độ phủ cáp quang đến cấp xã/phường trên cả nước đạt trên 95%. Công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc 97.013 trạm BTS và 44.100 trạm Node B 3G.

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet trong nước, quốc tế, thông tin hàng hải và truyền báo luôn đảm bảo an toàn, thông tin liên lạc từ Trung ương đến địa phương thông suốt, phục vụ tốt các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước cũng như công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Về công nghệ thông tin, Bộ đã Thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT; tổ chức nhiều cuộc họp, đoàn công tác làm việc với các địa phương của các Ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai Chương trình công nghiệp CNTT; Hội đồng Giám đốc CNTT trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt như: Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia; Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về phát triển và ứng dụng CNTT giai đoạn 2012-2017...

Đặc biệt, trong công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan Bộ tiếp tục được đẩy mạnh. Việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ được thực hiện thường xuyên và kịp thời, phản ánh rõ nét các hoạt động chỉ đạo, điều hành về thông tin và truyền thông trên cả nước. Ngày 19/6/2012, Cổng thông tin điện tử của Bộ đã được Ban tổ chức Giải thưởng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước năm 2011 đánh giá là Cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin nhất năm 2011. Cổng thông tin điện tử của Bộ thu hút hơn 100 triệu lượt xem nội dung tăng 41,7% so với năm 2011, cập nhật được hơn 2.000 tin bài tiếng Việt, gần 100 tin bài tiếng Anh và 165 văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của Bộ; trực tiếp trả lời, giải đáp gần 500 câu hỏi của người dân và xã hội. Cổng thông tin điện tử của Bộ cũng là một trong những cổng thông tin điện tử cấp Bộ đầu tiên xây dựng phiên bản hỗ trợ truy cập qua các thiết bị di động thông minh. Việc ứng dụng chương trình eOffice vào công tác chỉ đạo, điều hành được tăng cường, góp phần giảm dần văn bản giấy.

Năm 2012, Bộ đã cử 331 đoàn đi thăm và làm việc, nghiên cứu, khảo sát, tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, các khóa đào tạo ở ngoài nước, trong đó, Lãnh đạo Bộ đã có các chuyến công tác quan trọng đến các nước như Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nga, Cu Ba, Pháp, Ba Lan... Bộ cũng đã tổ chức đón tiếp và làm việc với 87 đoàn khách quốc tế, trong đó có 33 đoàn cấp cao. Các chuyến thăm, làm việc của Lãnh đạo Bộ ở nước ngoài và đón các đoàn khách quốc tế đã góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước nói chung và lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng.

Thực hiện kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính nhà nước, Bộ đã chú trọng đến công tác cải cách thể chế, hoàn thành việc đơn giản hóa 104/116 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 89%, ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bộ đã ban hành các kế hoạch: Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2012; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ năm 2012; truyền thông về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2012.

Đối với công tác địa phương, trong năm qua, Lãnh đạo Bộ đã chủ động tăng cường đi cơ sở, làm việc với Ủy ban nhân dân, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét việc phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương. Tổ chức nhiều khoá tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp nhận và trả lời những kiến nghị, đề xuất của các Sở Thông tin và Truyền thông , hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông  tiếp tục triển khai thực hiện các Dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các tiêu chí của ngành Thông tin và Truyền thông  trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông  vẫn giữ được sự phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong năm 2012, tổng doanh thu của Tập đoàn VNPT là 130.390 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 107,94% so với năm 2011. Tổng thuê bao điện thoại thực tăng (phát triển mới trừ cắt giảm) đạt 3,175 triệu thuê bao (TB). Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng đến hết năm 2012 đạt 84,4 triệu TB, bằng 103,91% so với năm 2011. Tổng số thuê bao băng rộng (ADSL+FTTx) thực tăng đạt 252.000 TB, đạt 117,91% kế hoạch, bằng 83% so với năm 2011. Tổng số thuê bao băng rộng trên mạng đến hết năm 2012 đạt 2,659 triệu TB, bằng 110,48% so với năm 2011. Tổng giá trị đầu tư năm 2012 đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 51,67% kế hoạch, bằng 83,11% so với năm 2011. Doanh thu của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel năm 2012 đạt ước thực hiện 140.058 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 22.720 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 24.479 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, tăng 4.685 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư ước thực hiện 10.271 tỷ đồng, tăng 1.497 tỷ đồng. Như vậy, với doanh thu này, trong năm 2012, Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có mức doanh thu viễn thông đứng đầu cả nước.

Năm 2013, toàn Ngành Thông tin và Truyền thông định hướng: Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy nhiệm kỳ 2011-2016, triển khai thực hiện Nghị định thay thế Nghị định số 187/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông khi Chính phủ ban hành; Xây dựng Luật An toàn thông tin số; các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục triển khai các đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020; Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020; Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020 và các Chương trình hành động Bộ đã ban hành; Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trọng tâm là Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty VTC theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015"; Tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT... trên tất cả các địa bàn, địa phương trong cả nước...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ nhất trí với báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012. Phó Thủ tướng ghi nhận thành tích đạt được của Bộ, đóng góp thiết thực vào thành tích chung của cả nước và nhận định Thông tin và Truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn. Phó Thủ tướng cũng phổ biến tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước năm 2012 và mục tiêu, định hướng năm 2013. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2012 cần chú trọng những hoạt động sau: Tiếp tục triển khai các đề án đã thông qua ở cấp Chính phủ, vì năm 2013 là năm chủ chốt để triển khai, thực hiện của giai đoạn 2011-2015; Nâng cấp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT để thực hiện tốt các chương trình, đề án về CNTT; xây dựng các chuyên đề sâu về sử dụng hạ tầng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông; Quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, thông tấn báo chí để cho nhân dân trong nước, quốc tế hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao cho Bộ làm chủ trì, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp; Tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành, doanh nghiệp liên quan đào tạo nguồn nhân lực CNTT; Tiếp tục quản lý thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác để tránh bức xúc trong xã hội…Về những kiến nghị, đề xuất của Bộ, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan phối hợp và có những hướng dẫn cụ thể với Bộ để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và toàn Ngành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã phát biểu cảm ơn Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính Phủ đối với Ngành Thông tin và Truyền thông. Về những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng đối với nhiệm vụ công tác năm 2013, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các đơn vị và toàn Ngành nghiêm túc tiếp thu và đưa vào Chương trình công tác để triển khai thực hiện. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, Ngành TW để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch, khẳng định sự đóng góp xứng đáng của Ngành Thông tin và Truyền thông trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

img

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho nguyên Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chính sách, Khoa học và Công nghệ quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá và Huân chương Lao động hạng nhì cho Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của Bộ đã có thành tích dẫn đầu trong phong trào thi đua.

img

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã trao tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ cho  các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Sở TT&TT có thành tích xuất sắc.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là đại diện cho các Sở Thông tin và Truyền thông đã nêu những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, những kiến nghị đề xuất với Lãnh đạo Bộ về các lĩnh vực đang được xã hội quan tâm. Các ý kiến từ Sở đề xuất với Bộ có nội dung như sau: Bộ cần thường xuyên có văn bản thông báo về các loại tem hết hạn cung ứng; có các văn bản quy định cụ thể về quản lý các điểm Bưu điện văn hóa xã, nhất là các điểm đang tạm dừng vì không bố trí thuê được nhân viên thì việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất như thế nào, bên cạnh đó quy định cụ thể các điểm BĐVHX chỉ được phép tạm dừng là bao nhiêu tháng, nếu quá thời gian cho phép tạm dừng thì phải giải quyết xử lý như thế nào về cơ sở vật chất của các điểm BĐVHX; Đề nghị Bộ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thống nhất quy định báo cáo nghiệp vụ về mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông. Đặc biệt, các địa phương như Bắc Kạn, Nghệ An, Yên Bái, Trà Vinh kiến nghị Bộ cần nhanh chóng triển khai Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 để người dân, doanh nghiệp được hưởng chính sách này, nhất là đầu tư phát triển mạng lưới, đồng thời có sự quan tâm, hỗ trợ, tập trung đầu tư để triển khai nhanh hơn các lĩnh vực liên quan đến Viễn thông công ích, hướng dẫn cụ thể triển khai các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2015; Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, các buổi hội thảo cho cấp tỉnh về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thông tin - truyền thông, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, thông tin điện tử để cán bộ, chuyên viên của Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh được tham gia học tập, nâng cao trình độ…Đối với các kiến nghị, đề xuất của các Sở, các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo các đơn vị liên quan đã có các giải đáp về những vấn đề này.

Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã phát động Phong trào thi đua, khen thưởng năm 2012 với các nội dung cụ thể như sau: Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nội dung đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/4/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX); Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trọng tâm là phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua; Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; Chú trọng phát hiện các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến để khen thưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới để làm gương học tập nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cống hiến cho sự phát triển của Ngành; Tổ chức các giải thưởng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/201 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp; Triển khai công tác kiểm tra, giám sát các nội dung về thực hiện pháp lệnh thi đua khen thưởng, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo các đơn vị trong năm 2013 cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện tốt việc xây dựng và hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn do Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông; Nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, điều hành báo chí, xuất bản; Tiếp tục quản lý chặt chẽ về lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là  tin nhắn rác và thuê bao di động trả trước; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, ban, ngành về hiệu quả của ứng dụng CNTT; Đề xuất các chính sách, quy hoạch để phát triển hạ tầng mạng, hạ tầng dùng chung trong cả nước; Tập trung chỉ đạo tốt công tác thông tin tuyên truyền theo định hướng của Đảng, Nhà nước; Thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước; Kiện toàn lại bộ máy, nguồn nhân lực của Bộ Thông tin và Truyền thông ...