Tuyên bố Bộ trưởng CNTT & Viễn thông ASEAN 12: “Kết nối ASEAN – Chắp cánh khát vọng”

Tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 12 (ASEAN TELMIN 12) diễn ra từ ngày 15-16/11 vừa qua tại Cebu, Philippines, Bộ trưởng các nước ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị với chủ đề: “Kết nối ASEAN – chắp cánh khát vọng” (Connected ASEAN: Enabling Aspirations). Thông qua Tuyên bố, các Bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm của ASEAN trong việc hiện thực hoá các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể về phát triển ICT trong ASEAN hướng đến thành lập Cộng đồng chung vào năm 2015. Tuyên bố cũng thể hiện sự nhất trí của các Bộ trưởng đẩy mạnh việc triển khai các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ 6 định hướng chiến lược của Kế hoạch tổng thể phát triển ICT ASEAN gồm: Chuyển đổi kinh tế, Nâng cao vai trò và sự tham gia của yếu tố con người, Khuyến khích sáng tạo, Phát triển hạ tầng, Phát triển nguồn nhân lực, Thu hẹp khoảng cách số.

img

Sau đây là toàn văn Tuyên bố:  

Chúng tôi, các Bộ trưởng phụ trách về Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN, nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 12 (TELMIN ASEAN 12) được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 11 năm 2012, tại Mactan, Cebu, Phillipnes:

Giữ đúng cam kết của các Lãnh đạo ASEAN tại Tuyên bố Cebu năm 2007 về thúc đẩy việc thành lập một Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, trong đó các Lãnh đạo đã nhất trí sẽ đẩy nhanh lộ trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và chuyển đổi ASEAN thành một khu vực tự do về lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng, và tự do về lưu thống vốn;

Xét thấy lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có vai trò đòn bẩy đối với tiến trình hội nhập kinh tế xã hội cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế ASEAN;

Thừa nhận rằng Kế hoạch tổng thể về phát triển ICT trong ASEAN đến năm 2015 (ASEAN ICT Master Plan – AIM 2015) như là chất xúc tác, với các định hướng chiến lược đề ra các mục tiêu và thành tựu trọng tâm cần đạt được để hiện thực hoá lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN.

Khẳng định rằng với sự phát triển nhanh chóng của ICT, việc phát triển chính phủ điện tử nhằm cung cấp các dịch vụ công một cách công bằng, tiết kiệm và hiệu quả trở nên rất quan trọng;

Lưu ý rằng mặc dù các dịch vụ ICT đã trở nên phổ biến, nhưng giá thành dịch vụ cao đã không cho phép nhiều người dân ASEAN được có cơ hội sử dụng dịch vụ, và vì thế họ vẫn chưa được thụ hưởng những giá trị ích lợi của công nghệ tiên tiến. 
Hoan nghênh các sáng kiến của Hội đồng Các nhà quản lý Viễn thống ASEAN (ATRC) về: (1) rà soát chính sách Phổ cập dịch vụ của ASEAN nhằm quy định các tiêu chuẩn tối thiểu của Dịch vụ viễn thông phổ cập (USO) trong khu vực phải bao gồm truy cập băng rộng (2) tiến hành Nghiên cứu chi tiết về Hài hòa Kết nối, Cấp phép, Cạnh tranh và Dịch vụ công ích và (3) thúc đẩy hợp tác trong khu vực về băng tần sử dụng sau số hóa truyền hình; và

Ứng phó với vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin, đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế hơn nữa nhằm đảm bảo duy trì an ninh đối với hạ tầng thông tin ASEAN, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội bền vững;

Đồng ý thực hiện các nội dung sau trên cơ sở các định hướng chiến lược của AIM 2015:

Chuyển đổi kinh tế

1. Hành động hướng tới một môi trường lành mạnh, an toàn, an ninh đáng tin cậy; hài hoà hoá các quy định quản lý trong lĩnh vực ICT theo tinh thần thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác kinh doanh trong và giữa các quốc gia thành viên ASEAN;

2. Thúc đẩy và chia sẻ các mô hình hợp tác Công-Tư (Public- Private Partnership, PPP) cũng như các bài học thực tiễn trong và giữa các quốc gia ASEAN, đề từ đó ứng dụng vào việc triển khai các dự án về ICT của ASEAN và khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững;

Nâng cao vai trò của yếu tố con người

3. Tiếp tục xây dựng các khung chính sách nhằm thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi băng rộng không dây và tạo điều kiện cho sự phát triển của các dịch vụ ICT với giá thành hợp lý trong và giữa các quốc gia thành viên ASEAN;

4. Khuyến khích các thành viên AMS xây dựng, thúc đẩy và chia sẻ các kinh nghiệm cũng như mô hình triển khai thực tiễn trong việc hình thành một môi trường minh bạch và không phân biệt đối xử nhằm đẩy mạnh phổ cập truy nhập, theo đúng tinh thần của từ ACCESS (truy nhập): A- giá thành phải chăng, C- ổn định, C- rộng khắp, E- hiệu quả, S- an toàn, và S- bảo mật;

5. Phối hợp phát triển hạ tầng mạng, các ứng dụng nội dung và dịch vụ trực tuyến nhằm hướng tới việc phát triển các dịch vụ ICT với giả thành hợp lý và có khả năng ứng dụng cao tại các địa phương;

6. Xây dựng khung hợp tác chung về giao dịch điện tử nhằm nâng cao độ tin cậy từ doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN;

7. Hợp tác và tham gia vào việc thúc đẩy và xây dựng một một môi trường trực tuyến tin cậy, an toàn và bảo mật nhằm tăng cường an ninh mạng và đối phó với các mối đe dọa trực tuyến trong và giữa các quốc gia ASEAN;

Phát huy sáng tạo

8. Đưa ra các biện pháp khuyến khích để ghi nhận, và tôn vinh các nỗ lực về Nghiên cứu và phát triển (R&D) ICT góp phần thúc đẩy và khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến trong các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự và các tổ chức khác;

9. Phát huy hơn nữa việc quản lý hiệu quả và tiết kiệm phổ tần số tạo thuận lợi cho việc sử dụng một cách sáng tạo nguồn tài nguyên hữu hạn này và góp phần giảm nhẹ nhiễu tần số;

10. Khuyến khích ngành ICT trong các quốc gia thành viên áp dụng các kinh nghiệm triển khai tốt nhất hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giải quyết vấn đề “dấu vết các-bon công nghiệp” ngày càng tăng và áp dụng các phương thức xả chất thải an toàn hơn đối với các thiết bị ICT.

Phát triển hạ tầng

11. Hướng tới việc thiết lập Hành lang băng rộng ASEAN vào năm 2015 và tiếp tục triển khai các chương trình cải thiện truy nhập đến các mạng và dịch vụ băng rộng tốc độ cao trong ASEAN;

12. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một cơ sở hạ tầng thông tin mạnh mẽ và bền vững trong và giữa các vùng ASEAN thông qua việc xây dựng và triển khai Khung thỏa thuận quốc gia về Giảm thiểu rủi ro và Bảo vệ kết nối cáp quang biển nhằm hỗ trợ thương mại, thuận lợi hoá hoạt động đầu tư, mở rộng thị trường, và đẩy nhanh quá trình hội nhập của khu vực;

13. Tiếp tục nghiên cứu mức độ khả thi của việc thanh lập Mạng trung chuyển Internet ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho các kết nối (peering) giữa các nhà cung cấp truy cập Internet của các nước ASEAN để từ đó cải thiện độ trễ và tốc độ truy cập cũng như giảm các chi phí kết nối;

14. Tăng cường hơn nữa về hợp tác xây dựng khung chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ dữ liệu và hạ tầng thông tin nhằm đảm bảo an toàn các mạng thông tin giữa các quốc gia ASEAN;

15. Tiếp tục xây dựng các chương trình quản lý và giảm nhẹ rủi ro thảm họa thông qua i) việc tận dụng các mạng cảm biến cảnh báo môi trường nhằm giảm nhẹ các tác động của thiên tai, ii) bảo vệ và cảnh báo sớm, cứu hộ cứu nạn, và các nỗ lực tái thiết, và iii) chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn giữa các nước ASEAN trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch khắc phục thảm hoạ.

16. Tiếp tục các hoạt động phối hợp giữa các Đội ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERT) như Các đợt diễn tập của các đội ứng cứu khẩn cấp máy tính ASEAN (ACID) nhằm góp phần nâng cao năng lực điều tra sự cố và phối hợp giữa các CERT, hỗ trợ các hoạt động của Uỷ ban hành động về An ninh mạng ASEAN (ANSAC);

17. Thúc đẩy các nước ASEAN củng cố hợp tác về quản lý tần số, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch tần số nhằm tối ưu hoá việc sử dụng phổ tần trong khu vực hướng tới việc giảm thiểu các chi phí về dịch vụ và thiết bị cũng như giảm các nhiễu tần số xuyên biên giới.

Phát triển nguồn nhân lực

18. Ủng hộ việc thành lập các Chương trình học bổng về ICT trong ASEAN để thu hút và hỗ trợ các các cá nhân trong ASEAN có năng khiếu và khả năng nội trội về ICT;

19. Khẳng định tầm quan trọng của việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ năng ICT trong và giữa các các quốc gia thành viên, đề từ đó phát triển đội ngũ nguồn nhân lực và chuyên gia có tính cạnh tranh cao về ICT trong ASEAN thông qua các chương trình nâng cao kỹ năng, đảm bảo các chuyên gia ICT có thể đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và giữa các nước ASEAN;

Thu hẹp khoảng cách số

20. Khuyến khích việc xây dựng các chương trình và chính sách rõ ràng và đủ mạnh có thể thúc đẩy phổ cập truy nhập băng rộng trong và giữa các quốc gia ASEAN;

21. Cải thiện truy nhập Internet băng rộng (cố định/di động) ở khu vực nông thôn và những nơi xa xôi hẻo lánh, xây dựng chính sách rõ ràng về việc cung cấp truy nhập và dịch vụ ICT với giá thành hợp lý;  

22. Thúc đẩy việc ứng dụng ICT trong giáo trình học cơ bản của các trường học nhằm khuyến khích sự sáng tạo, và phối hợp liên tục giữa lĩnh vực ICT và lĩnh vực giáo dục để từ đó thúc đẩy việc sử dụng ICT một cách sáng tạo, hiệu quả và tích cực trong và ngoài nhà trường;

23. Tiếp tục khuyến khích các quốc gia ASEAN khởi động các chương trình và chiến lược đảm bảo mỗi trẻ em và những người cần sự trợ giúp đặc biệt trong khu vực, bao gồm cả các vùng nông thôn, vùng có dịch vụ còn nghèo nàn, có thể truy cập Internet băng rộng và tiếp cận các công nghệ ICT mới và mới nổi; và

24. Tiếp tục hỗ trợ nhằm đảm bảo sự phát triển liên tục của lĩnh vực ICT thông qua các nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm khai thác lợi ích tối đa từ công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, hướng tới hiện thực hoá các khát vọng ASEAN thông qua ICT.

Tuyên bố này được thông qua tại Hội nghị TELMIN ASEAN lần thứ 12 tại Mactan, Cebu, Phillipines, vào ngày 16 tháng 11 năm 2012.