Kinh nghiệm thực hiện cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính của Sở TT&TT Cần Thơ

Sở TT&TT Cần Thơ hiện có 28 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và đến nay, tại tất cả 28 TTHC của Sở đã được cập nhật và vận hành trên phần mềm “1 cửa”. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,2%.

img

Anh Nguyễn Huỳnh Phúc Thiện cán bộ Sở TT&TT Cần Thơ đang nhận hồ sơ thủ tục lắp đặt trạm BTS

Trong 9 tháng đầu năm 2012, Sở đã tiếp nhận 144 bộ hồ sơ, tiếp và làm việc với 70 lượt đại diện các doanh nghiệp và công dân. Tất cả các vấn đề của doanh nghiệp, công dân  đều được đơn vị giải quyết, hướng dẫn nhanh chóng, đúng quy định. Hiện nay, 100% CBCCVC của Sở đều được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phù hợp như máy tính kết nối mạng Internet, mạng nội bộ. Trên 90% văn bản được trao đổi trên môi trường mạng. 90% công chức và viên chức sử dụng hộp thư công vụ trong giải quyết công việc.

Trong buổi làm việc sáng ngày 31/10/2012 với đoàn công tác khảo sát thực tế hoạt động cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính Bộ TT&TT, Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân cho rằng sở dĩ ứng dụng CNTT của Sở nhanh chóng là do Sở có một đội ngũ CBCC trẻ. Chị Phan Thị Minh Thu cho biết ứng dụng CNTT đã mang lại đóng góp lớn cho thành phố Cần Thơ trong đó vai trò của Sở rất lớn. Sở đã yêu cầu hàng năm các đơn vị rà soát lại các thủ tục hành chính. Khi số lượng các thủ tục không thể bớt được do nếu giảm bớt thủ tục sẽ thiếu dữ liệu để giải quyết công việc do đó Sở TT&TT Cần Thơ đã cải tiến thủ tục hành chính bằng cách giảm bớt thời gian giải quyết hồ sơ. Ví dụ thủ tục cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh theo quy định là 10 ngày nhưng do kết hợp các công cụ gồm áp dụng Bộ TTHC trên cơ sở kết quả công bố Đề án 30, hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung của Bộ Khoa học và công nghệ, phần mềm “quản lý hồ sơ công việc”, phần mềm “tiếp nhận và trả kết quả” nên đã giảm xuống 2 ngày. Việc giảm bớt thời gian giải quyết hồ sơ một cách đáng kể như vậy đã nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Cũng tương tự như vậy, trong suy nghĩ của một số người dân thì việc đăng ký in ấn 1 loại xuất  bản phẩm nào đó là rất khó khăn nhưng khi đến làm việc tại Sở thực tế lại rất nhanh.

Hệ thống thư điện tử tại Sở được quản lý và duy trì ổn định. Đến nay 100% CBCCVC đã được cung cấp hộp thư điện tử. Tỷ lệ sử dụng thường xuyên chiếm trên 70%. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng đã được triển khai thí điểm tại 3 sở: Công thương, Khoa học – Công nghệ, TT&TT và 9 quận, huyện. Tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện có mạng máy tính nội bộ LAN, 85% máy tính được kết nối mạng Internet băng thông rộng. Tỷ lệ máy tính  của CBCCVC đạt trên 70%. Việc ứng dụng CNTT mạnh đã phát huy ưu điểm không thất thoát hồ sơ, kiểm soát được tiến độ, trách nhiệm của từng cá nhân xử lý. Nếu như  cách đây 2 năm khi chưa có phần mềm này muốn tìm một văn bản nào đó bắt buộc cần nhờ văn thư lưu trữ tìm kiếm và rất mất thời gian thì nay CBCC xử lý vụ việc có thể tự tra cứu và tìm được ngay.

Website cũng được sử dụng như một công cụ để công khai thủ tục hành chính. Trang thông tin điện tử của UBND thành phố Cần Thơ đã cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin chủ yếu theo quy định. Cổng thông tin điện tử thành phố đã bổ sung các kênh thông tin cần có theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP, xây dựng cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, cập nhật một phần (khoảng 70%) thông tin thuộc các kênh thông tin lên cổng TTĐT. 33 cổng TTĐT thành viên đã được nâng cấp, xây dựng mới, đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện có cổng/trang TTĐT. Mọi nội dung tuyên truyền của tỉnh đều được đưa lên website, thậm chí, lịch làm việc của UBND thành phố cũng được gửi qua email cho các văn phòng đại diện của các báo đóng trên địa bàn.

Một điểm đặc biệt tại Cần Thơ là đã có 2 xã tiên phong triển khai tiêu chí thứ 20 trong xây dựng xã nông thôn mới là  “cung cấp dịch vụ công” (là mô hình 1 cửa). Hiện Cần Thơ đã có 1 cửa điện tử tại 9 quận huyện.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát và Sở TT&TT Cần Thơ

Tuy nhiên, Phó giám đốc Nguyễn Văn Rảnh cũng nêu một số ý kiến đề xuất xung quanh triển khai các ứng dụng CNTT là muốn làm tốt ứng dụng CNTT cần có kinh phí. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương tuy nhiên nguồn kinh phí để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu vùng, hệ thống hỗ trợ bảo mật thông tin… còn hạn chế do thành phố không nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung ương cũng như bộ, ngành.  Đây cũng là lý do để một số dự án CNTT của kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 5/10/2010 của UBND về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2015 còn chậm so với kế hoạch. Về nhân sự, Sở TT&TT Cần Thơ cũng đề nghị nên có sự khác biệt với một số địa phương trong khu vực hoặc có định biên biên chế tối thiểu, tối đa do Cần Thơ là thành phố loại 1, là nơi có hoạt động TT&TT sôi động, là nơi tập trung của 53 văn phòng đại diện báo.

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát Bộ TT&TT, đại diện Sở TT&TT Cần Thơ cũng nêu một số câu hỏi liên quan đến chủ trương cấp mới hoạt động báo chí; thành lập lại nhà xuất bản Cần Thơ; việc Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử không có phản hồi về việc không cấp phép trang tin điện tử, đề nghị phân cấp trong quản lý hoạt động liên quan đến in ấn... Trưởng đoàn khảo sát – Chánh văn phòng Bộ TT&TT Nguyễn Trọng Phát, đại diện Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử và một số thành viên trong đoàn đã giải đáp các kiến nghị của Sở.