Bộ TT&TT xây dựng quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài

Sáng ngày 01/11/2012, Viện Chiến lược TT&TT – đơn vị chủ trì xây dựng “Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài” đã tổ chức buổi làm việc đầu tiên để báo cáo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Qúy Doãn về tình hình xây dựng Quyết định, đồng thời lấy ý kiến đóng góp từ các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

img

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của đại diện Viện Chiến lược TT&TT, việc xây dựng quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài là để phù hợp với chiến lược phát triển thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí của các nước trên thế giới để trao đổi, chia sẻ thông tin chính thống từ nước ngoài về Việt Nam và nâng cao năng lực trình độ của các phóng viên thường trú ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Các cơ quan được mở văn phòng thường trú ở nước ngoài bao gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Dự kiến đơn vị chủ lực là Thông tấn xã Việt Nam. Nguyên tắc để mở văn phòng thường trú ở nước ngoài là những nước có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế và du lịch với Việt Nam, có đông người Việt Nam sinh sống và các nước láng giềng các nước ASEAN. Tuy nhiên, việc cấp phép mới cho hoạt động của các văn phòng thường trú ở nước ngoài của cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam cần đảm bảo nguyên tắc tại một quốc gia chỉ có một văn phòng thường trú chung của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam có 27 văn phòng thông tấn, báo chí thường trú ở nước ngoài. Nhưng theo mục tiêu phát triển chung của quy hoạch cho đến năm 2015 sẽ tăng lên 30 văn phòng và năm 2020 tăng lên 32 văn phòng thường trú. Trong đó, các nước dự kiến sẽ mở thêm văn phòng thường trú là Ả rập Xê út, Israel, Thụy điển, Cộng hòa Séc, Braxin. Biên chế của một văn phòng thường trú ở nước ngoài của một cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam không quá 03 người. Đối với các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước sẽ xây dựng văn phòng thường trú chung tại các địa bàn dự kiến thành lập văn phòng thường trú trong giai đoạn 2012-2020 trên cơ sở giao cho Thông tấn xã Việt Nam làm đơn vị đầu mối thành lập văn phòng, các cơ quan khác cử phóng viên thường trú sử dụng chung văn phòng.

Bộ TT&TT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương làm một số công tác như: cấp phép thành lập văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam; đảm bảo chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động cung cấp thông tin; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả thông tin đối ngoại của các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam tại các địa bàn…

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã có ý kiến đóng góp để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Quyết định. Trong đó, ý kiến về việc cần phân tích kỹ hơn cơ chế, phương thức hoạt động của từng loại hình thông tấn, báo chí, để phân loại và xây dựng quy hoạch cho phù hợp hơn, đảm bảo tính khoa học, toàn diện của quy hoạch cũng được đa số các thành viên cho biết là rất cần thiết. Ngoài ra, việc biên chế của một văn phòng thường trú ở nước ngoài của một cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam không quá 03 người như quy định của quy hoạch cần xem xét và nghiên cứu lại, số lượng có thể nhiều hoặc ít hơn 03 người để phù hợp với địa bàn hoạt động…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn chỉ đạo đơn vị chủ trì xây dựng Quyết định cần tiếp thu các ý kiến từ các thành viên BST, TBT để bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các nội dung của dự thảo. Đồng thời, cần có văn bản xin ý kiến đóng góp từ các Bộ, Ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để đảm bảo chế độ bảo mật của thông tin trong hoạt động và cung cấp thông tin…