Vi phạm các quy định về trò chơi điện tử trên mạng có thể bị phạt 200 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung được quy định trong dự thảo lần 2 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo và bước vào giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đây cũng là mức phạt tiền cao nhất được quy định trong dự thảo lần này.

img

Cuộc họp ban soạn thảo ngày 28/8/2012

Trong bản dự thảo lần này có một số điểm đáng chú ý là các mức phạt tiền trên 100 triệu được áp dụng nhiều đối với các vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của mục 3, chương III “Hành vi vi phạm các quy định về trò chơi điện tử trên mạng”. Tại điều 19 khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2 hoặc G3 hoặc G4 khi chưa có giấy xác nhận hoàn thành thủ tục thông báo trò chơi điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khoản 5 quy định: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G2 hoặc G3 hoặc G4 khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc sử dụng quá hạn giấy chứng nhận đăng ký;
b) Cung cấp dịch vụ trò chơi G1 nhưng không có Quyết định phê duyệt nội dung kịch bản. Khoản 6 quy định: Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1 không có giấy phép hoặc sử dụng quá hạn giấy phép.

Điều 20 khoản 6 quy định: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Chuyển đổi vật phẩm ảo hoặc điểm thưởng thành tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào ;
b) Sửa đổi thông tin hoặc dữ liệu làm thay đổi giá trị của vật phẩm ảo trong trò chơi điện tử;
c) Tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi vượt quá 180 phút một ngày ;
d) Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1 không đúng với nội dung hoặc kịch bản đã được phê duyệt.

Điều 6. Vi phạm các quy định về điểm truy nhập Internet công cộng
Khoản 3 quy định : Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động từ 0 giờ đến 8 giờ hoặc không tuân thủ thời gian hoạt động do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định;
b) Đại lý Internet sử dụng đường truyền thuê bao để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng;
c) Để người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính thực hiện các hành vi bị cấm trong tại Điều 5 Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
d) Điểm truy nhập Internet công cộng không có đăng ký kinh doanh đại lý Internet hoặc không có hợp đồng đại lý Internet;
đ) Để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan.

Về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, Điều 28 khoản 2 quy định: Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của các Cục Viễn thông, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có thẩm quyền: 
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
Khoản 3 quy định: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền: 
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
Khoản 4 quy định Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có thẩm quyền: 
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này;

Song song với việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, (Địa chỉ truy cập tại đây) Ban soạn thảo nghị định vẫn tiếp tục họp thảo luận và sửa đổi nội dung. Trong cuộc họp ngày 28/8/2012, Ban soạn thảo đã thảo luận về các nội dung: khung phạt tiền áp dụng đối với tổ chức và cá nhân; tước quyền sử dụng/ đình chỉ hoạt động trong hình thức xử phạt bổ sung; trách nhiệm của điểm truy nhập Internet công cộng trong việc để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan; thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành TT&TT, thanh tra chuyên ngành khác, UBND các cấp, công an nhân dân và một số cơ quan khác; bổ sung quy định “xử phạt đối với hành vi mạo danh để vi phạm” và một số nội dung khác.