Hội nghị Toàn quốc về Điểm Bưu điện – Văn hóa xã

Ngày 08/01/2012, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Điểm Bưu điện – Văn hóa xã nhằm lấy ý kiến của các cấp các ngành và các địa phương về việc định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Điểm Bưu điện – Văn hóa xã, góp phần vào việc chung sức “xây dựng nông thôn mới” theo Chỉ thị số: 725/CT-TTg ngày 17/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch 05 năm (2011 – 2015) theo nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; và Chỉ thị số 02/CT-BTTTT ngày 12/10/2011 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son về việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

img
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị
Tới dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Thành Hưng. Ngoài ra Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành có liên quan tham dự…
img
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: Trong những năm vừa qua ngành TT&TT cũng như ngành BCVT và CNTT trước đây đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước đã phát động. Thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, ngành TT&TT đã đóng góp một cách hiệu quả trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… Trong 13 năm hoạt động, thành công lớn nhất của hệ thống điểm Bưu điện – Văn hóa xã là đã giúp cho ngành TT&TT thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phổ cập các dịch vụ bưu chính, viễn thông, phục vụ tốt nhu cầu lưu chuyển thông tin, vật phẩm và hàng hóa cho mọi người dân. Những kết quả này đã thực sự góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển chênh lệch về hưởng thụ thông tin và tiến bộ xã hội giữa các vùng miền, cũng như góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Sau 13 năm hoạt động, từ con số 3000 bưu cục trên cả nước tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, bình quân cứ 25.500 người và trên diện tích 110km2 mới có một bưu cục phục vụ người dân (từ năm 1998). Hiện nay trên cả nước đã có trên 8.153 điểm Bưu điện văn hóa xã, trong đó có 3000 thuộc các xã miền núi, chiếm 36%; 1.705 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn chiếm 21%; 370 điểm thuộc các xã biên giới chiếm 4,5%... góp phần hình thành mạng lưới điểm phục vụ bưu chính đã đưa các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản hoạt động sinh hoạt văn hóa bổ ích đến người dân. Điểm Bưu điện văn hóa xã đã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực nông thôn và đã được người dân đánh giá rất cao. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm bưu điện văn hóa xã còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí nhằm giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn. Nhưng cũng chính vì sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, xã hội ở các vùng nông thôn cũng như sự phát triển phổ cập nhanh của các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin của người dân ở các khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi. Mô hình hoạt động các các bưu điện văn hóa xã đã không đáp ứng nhu cầu hiện nay của người dân và có những hạn chế, tồn tại nhất định. Mặc dù vậy, những mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương V đặt ra khi đặt vấn đề xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã cho đến nay về cơ bản vẫn là thích hợp nhưng cần có sự điều chỉnh cả từ phía nhà nước và các doanh nghiệp để có những thay đổi thích hợp, phù hợp với nhu cầu hiện tại của người nông dân. Đây cũng chính là mục đích lớn nhất mà Hội nghị Điểm Bưu điện – Văn hóa xã hướng tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì buổi tham luận.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe các tham luận đưa ra nhiều biện pháp sáng tạo trong việc duy trì và phát triển chất lượng tại các điểm bưu điện văn hóa xã đặc thù, các đại biểu tham dự khẳng định những đóng góp vô cùng to lớn của các điểm bưu điện văn hóa xã sau 13 năm đưa bưu điện văn hóa xã đi vào hoạt động. Dịch vụ đa dạng và thiết thực tại bưu điện văn hóa xã đã giúp người dân có những nhận thức đổi mới trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, giúp bà con đến gần hơn với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kiến thức về khoa học kỹ thuật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới… Hội nghị đã đưa ra những định hướng cụ thể nhằm duy trì, phát triển hiệu quả của các chính sách hiện hành, và nghiên cứu ban hành các chính sách mới phù hợp với hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã cần có điều kiện tích lũy nguồn lực phục vụ cho công tác tái đầu tư, xây dựng văn bản quản lý hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã trong đó xác định mục tiêu hoạt động và trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lỳ và khai thác. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tích cực quan tâm tới việc đưa Internet băng thông rộng, phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại cơ sở, xây dựng các chương trình đề án thông tin và truyền thông nông thôn, trong đó xác định điểm bưu điện văn hóa xã là một nơi tổ chức và triển khai các chính sách đó. Đồng thời, tại các điểm bưu điểm bưu điện văn hóa xã cần có sự điều chỉnh chính sách đào tạo, điều kiện làm việc, thù lao hợp lý nhằm động viện, khuyến khích người lao động làm việc tại các điểm Bưu điện văn hóa xã…

Theo Tổng công ty Bưu chính Việt nam cho biết, hiện nay Tổng Công ty đã thực hiện rà soát xác định những điểm bưu điện văn hóa xã cần duy trì và những điểm cần có sự thay đổi đáp ứng mọi nhu cầu hiện tại của người dân, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại những điểm này với mục tiêu trong khoảng 5 – 10 năm tới, doanh thu từ hoạt động bưu điện văn hóa xã sẽ đảm bảo bù đắp được chi phí duy trì hệ thống Điểm bưu điện văn hóa xã.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cảm ơn và đánh giá cao những tham luận của các đại biểu, đồng thời khẳng định qua những ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ TT&TT sẽ đặc biệt quan tâm và nghiên cứu kỹ. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị các đơn vị cần giải quyết tốt các mục tiêu sau trong thời gian tới: Rà soát lại hệ thống BĐVHX, duy trì điểm ở vùng sâu vùng xa, đa dạng hóa, tích hợp nhiều dịch vụ để không chỉ đạt được mục tiêu xã hội mà còn phải đạt được mục tiêu kinh tế. Đối với những điểm Bưu điện văn hóa xã ở những vùng dân cư người dân không còn nhu cầu, khu vực đô thị hóa thì cần mạnh dạn để chuyển đổi hình thức hoạt động; Với những vùng khó khăn chưa có điểm Bưu điện văn hóa xã sẽ không xây dựng mới các điểm Bưu điện văn hóa sẽ nhưng sẽ tập trung phát triển truyền thanh, truyền hình và các dịch vụ viễn thông trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và chương trình viễn thông công ích; Xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể để quán triệt việc đưa Internet băng thông rộng về tới các điểm bưu điện văn hóa xã phù hợp với kinh tế, xã hội của các vùng miền đồng thời hướng trọng tâm vào đối tượng chính là Phụ nữ và thanh thiếu niên; Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản quản lý nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương; Thống nhất điều phối hoạt động, tránh chồng chéo lãng phí, sử dụng kém hiệu quả các chương trình, các đề án của trung ương và địa phương trong việc đưa thông tin về cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xác định các điểm Bưu điện văn hóa xã là nơi tích hợp, là điểm tựa để tổ chức triển khai và thực hiện các chương trình đề án nói trên; Đặc biệt chú trọng đãi ngộ, nâng cao thu nhập cho người làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Nếu làm tốt 6 giải pháp trên, là đã khẳng định tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã…